Vài suy ngẫm về công tác khoa giáo
EmailPrintAa
08:34 01/09/2015

Những năm đã qua, với sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, hệ thống khoa giáo các cấp từ Trung ương đến địa phương được hình thành và đã có những đóng góp quan trọng trong việc theo dõi, tham mưu cho cấp uỷ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực chủ yếu như khoa học, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số - gia đình và trẻ em. Trong đó, có những chủ trương, đường lối của Đảng được tham mưu mà dấu ấn, sức lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội vẫn còn in đậm và có ý nghĩa tới ngày nay, như: chăm sóc sức khoẻ nhân dân; xoá bỏ trường chuyên lớp chọn cấp tiểu học, trung học cơ sở; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; xây dựng phong trào thể thao quần chúng; xây dựng chiến lược dân số; phát triển mạng lưới tin học ...

Để phát huy vai trò, vị trí và trọng trách của công tác khoa giáo trong tình hình mới, trước đây trong các Ban tham mưu của tỉnh, thành uỷ và Trung ương có Ban Khoa giáo riêng, bên cạnh Ban Tuyên huấn. Tuy nhiên, do yêu cầu giảm bớt đầu mối nên Trung ương đã có chủ trương sáp nhập Tuyên huấn với Khoa giáo thành Ban Tuyên giáo. Bộ phận khoa giáo ở địa phương chỉ để lại Phòng Khoa giáo trong Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ. Ở Hà Tĩnh, theo Quy định số 217-QĐ/TU, ngày 23/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các lĩnh vực tuyên giáo trong đó có khoa giáo.

Với chức năng, nhiệm vụ ấy,  trong những năm qua, nhất là từ ngày tái lập tỉnh đến nay, công tác khoa giáo từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng và đã có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của tỉnh. Trong đó, có những kết quả nổi bật như giúp cấp uỷ chính quyền đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, đưa  khoa học - công nghệ ngày càng gắn bó hơn với thực tiễn và phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, thể dục - thể thao... đều đã gặt hái được những kết quả bước đầu quan trọng. Hà Tĩnh đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, loại trừ được bệnh phong ra khỏi cộng đồng, xoá bỏ được tình trạng tử vong do sốt rét, ngăn chặn được dịch bệnh trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng và vươn lên thể thao thành tích cao... Để góp phần làm nên những kết quả đó, Ban đã giúp cấp uỷ nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng, hoạt động của các lĩnh vực khoa giáo; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của trung ương và cấp uỷ địa phương; tham gia chuẩn bị các nghị quyết, quyết định của cấp uỷ; giúp cấp uỷ thẩm định các đề án, chỉ đạo một số vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hoá, khoa giáo của tỉnh; tham gia công tác cán bộ và chính sách cán bộ trong khối thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, trên các lĩnh vực khoa giáo xuất hiện nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, trong khi cán bộ làm công tác khoa giáo còn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ thực tiễn hoạt động công tác khoa giáo, có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm như sau:

1. Bản chất của công tác khoa giáo là công tác trí thức. Khác với hoạt động bề nổi của tuyên truyền cổ động, công tác khoa giáo thường chìm lắng và đòi hỏi chiều sâu về trí tuệ. Theo dõi, tham mưu giúp cấp uỷ thường ngày chỉ đạo giải quyết các vấn đề cơ bản theo định hướng, quan điểm của Đảng, chứ không phải can thiệp giải quyết các vụ việc chuyên môn trong từng lĩnh vực. Có người từng nêu câu hỏi: Không có khoa giáo thì bác sỹ có chữa bệnh không? Thầy giáo có dạy học không ? Thực ra, khoa giáo không can thiệp vào công việc cụ thể trong chuyên môn, nghiệp vụ mà đòi hỏi bác sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học theo hướng nào, ai nên khen, ai đáng chê và làm sao để kết quả, chất lượng phục vụ nhân dân được tốt hơn. Bởi vậy, không quan tâm đầy đủ đến hoạt động khoa giáo là chưa quan tâm đầy đủ đến hoạt động trí thức trên lĩnh vực này.

2. Công tác trong lĩnh vực khoa giáo đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc lĩnh vực phụ trách. Trước đây, nguồn cán bộ khoa giáo thường được điều động từ những cán bộ ưu tú ở các lĩnh vực khoa giáo, do vậy đảm bảo vừa am hiểu chuyên môn vừa có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Điều này giúp cán bộ khoa giáo khi đưa ra những quan điểm, nhận định, đánh giá tham mưu cho cấp uỷ không bị cản trở hoạt động chuyên môn, trái lại làm cho hoạt động chuyên môn càng thêm thuận lợi. Mặt khác, chính công tác khoa giáo giúp cho cấp uỷ và các ngành chuyên môn tránh được những chủ trương, kế hoạch không sát với thực tiễn, không phù hợp với lợi ích chung. Cán bộ khoa giáo đòi hỏi phải tích cực học tập để bổ sung kiến thức các lĩnh vực phụ trách. Khi còn Ban Khoa giáo Tỉnh ủy, gần như mỗi cán bộ chỉ theo sát một lĩnh vực khoa giáo, nhưng nay một cán bộ phải theo dõi nhiều lĩnh vực. Muốn làm tốt tham mưu, cán bộ vừa phải am hiểu sâu sắc công tác chuyên môn, vừa nắm vững quan điểm của Đảng. Có như vậy, cán bộ khoa giáo mới có thể tiếp cận được thực tiễn và đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục, có thể vượt trội so với đội ngũ cán bộ chuyên môn đơn thuần.

3. Đội ngũ làm công tác khoa giáo không chỉ cần có trình độ chuyên môn tốt, nắm chắc quan điểm cơ bản của Đảng mà còn rất cần bản lĩnh, dám đương đầu với những biểu hiện lệch lạc và dám nói tiếng nói trung thực của mình với các cấp lãnh đạo. Tôi nhớ mãi hình ảnh một Chủ tịch tỉnh chưa ký Bằng khen cho cán bộ ngành khi chưa có ý kiến của Khoa giáo. Điều này không chỉ nâng vị thế hoạt động khoa giáo của cấp uỷ mà còn đặt lên vai trách nhiệm và tinh thần làm việc nghiêm túc hơn cho cán bộ trong công tác theo dõi kiểm tra, nắm chắc tình hình và chất lượng công việc của lĩnh vực được giao. Hiện nay, khi nhân loại đang tiến sâu vào nền kinh tế tri thức, con đường hội nhập, toàn cầu hoá với sự tiến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ thì lĩnh vực công tác khoa giáo càng có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung, của mỗi địa phương nói riêng. Bởi vậy, để công tác khoa giáo có chất lượng tốt, các cấp uỷ đảng không chỉ cần quan tâm bố trí cán bộ có chất lượng, tạo điều kiện về phương tiện thiết bị làm việc mà điều quan trọng nhất là phải có cơ chế phát huy cao vai trò, trí tuệ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực đòi hỏi chiều sâu trí tuệ này.

Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo, thiết nghĩ đây cũng là một dịp để chúng ta ngẫm nghĩ thêm những bài học từ thực tiễn công tác trên lĩnh vực này nói chung, công tác khoa giáo nói riêng. Phải chăng đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình, chuẩn bị tốt hơn cho bước tiến mạnh mẽ vững chắc trên con đường đổi mới.

Trần Quang Trung 

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 


    Ý kiến bạn đọc