Cách mạng Tháng Tám mang tầm vóc thời đại
EmailPrintAa
10:32 04/09/2015

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 có ý nghĩa thời đại, lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa đứng lên tự giải phóng khỏi ách áp bức nô lệ giành trọn vẹn độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công đã khai sinh ra nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Từ một dân tộc bị nước ngoài xâm chiếm, từ một dân tộc nô lệ, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất vươn lên giàu mạnh và ngày càng có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Bảy mươi năm trôi qua, cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh, dân tộc Việt Nam tự hào đi lên, phát huy được truyền thống ngàn năm văn hiến, kết hợp với những tinh hoa của thời đại, trong đó có việc vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám.
 
Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (02/9/1945). Ảnh: T.L  

1. Bài học về nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng cộng sản trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành ngọn cờ lãnh đạo  cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, ở một dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, Đảng cộng sản mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và giành chính quyền trong toàn quốc. Có được điều đó là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn và luôn được bổ sung điều chỉnh một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đang tiến gần, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết; nhấn mạnh vấn đề chủ động tạo ra thời cơ cách mạng; tăng cường xây dựng và củng cố Đảng; thành lập mặt trận Việt Minh sẵn sàng đón thời cơ kịp thời đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Hội nghị Trung ương 8 cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng thông qua phong trào Việt Minh, Đảng đã chủ ý xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, nhận thấy cơ hội giành chính quyền đã tới, đêm hôm đó Uỷ ban khởi nghĩa ra “Quân lệnh số 1” hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Nhờ có sự tiên liệu trước nên Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) khai mạc vào ngày 14/8/1945 nhận định: “Cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi Đồng minh tiến vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, theo ba nguyên tắc: “Tập trung, thống nhất, kịp thời”.

Trong suốt 15 năm từ khi ra đời đến khi giành được chính quyền, đội ngũ đảng viên của Đảng dù bị bắt bớ, chém giết, tù đày vẫn không ngừng phát triển, bản lĩnh chính trị được giữ vững, tinh thần cách mạng trung kiên, lăn lộn trong phong trào, gắn bó mật thiết với nhân dân nên được nhân dân cưu mang, đùm bọc, ủng hộ đi theo Đảng đứng lên giành chính quyền. Đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cơ sở đến Trung ương, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo tối cao của Đảng luôn là tấm gương sáng để hiệu triệu mọi người. Khi đứng trước những tổn thất hay đào thải của cách mạng, các cấp ủy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở kịp thời được kiện toàn, bổ sung để đủ sức lãnh đạo phong trào và giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công.

2. Bài học về tạo thời cơ, chớp thời cơ để giành chính quyền

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng cho sự tài tình, sáng tạo và nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong nhận định thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chỉ đạo chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Chọn đúng thời cơ là một khoa học, là một nghệ thuật. Trong tất cả các cuộc cách mạng vấn đề xác định thời cơ chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ hành động là yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam qua phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại bài học quý giá cho Đảng ta về thời cơ cách mạng. Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, Đảng ta đã có chủ trương rất sớm. Ngay từ năm 1939 ở Hội nghị Trung ương 6 Đảng đã chuyển hướng chiến lược khi đại chiến thế giới thứ II bùng nổ và sau đó khi Nhật vào hất cẳng Pháp ở Việt Nam, Đảng có chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tất cả đều chuẩn bị chờ thời cơ đến. Ba ngày sau khi Nhật đầu hàng, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và kêu gọi toàn dân đứng dậy Tổng khởi nghĩa. Sáng ngày 19/8/1945 với khí thế cách mạng sôi sục cả Hà Nội vùng dậy giành được chính quyền. Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa thành công ở Huế, chính quyền cách mạng buộc vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt chế độ phong kiến ngự trị hàng ngàn năm. Ngày 25/8/1945 hàng chục vạn quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn đứng lên giành chính quyền thành công. Ở tỉnh Hà Tĩnh, cuộc khởi nghĩa diễn ra từ ngày 16/8/1945 ở huyện Can Lộc và đến ngày 21/8/1945 thì giành chính quyền toàn vẹn ở tất cả các huyện, là một trong 4 tỉnh đứng lên giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã diễn ra hầu như không đổ máu và nhanh chóng giành thắng lợi trên cả nước. Như vậy với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng, với nghệ thuật dự báo và chuẩn bị thời cơ, thúc đẩy thời cơ, chớp thời cơ mau lẹ, với khát vọng và ý chí kiên quyết giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, Đảng ta đã kịp thời đề ra các quyết sách đúng đắn và sáng tạo, đã tập hợp được hết thảy mọi lực lượng của dân tộc để “đem sức ta giải phóng cho ta” nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra thành công tốt đẹp. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.

3. Bài học về tập hợp lực lượng quần chúng trên tinh thần đoàn kết toàn dân tộc

Từ khi ra đời và trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng đã lấy lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp đưa nhân dân ra trận tuyến đấu tranh, chuẩn bị cho giành chính quyền. Đảng đã tổ chức Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng cách mạng. Trong Mặt trận Việt Minh không những có công nhân, nông dân mà còn có cả địa chủ, nhân sĩ, quan lại của triều đình, đại biểu các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số… Năm 1945 trước nạn đói khủng khiếp, Mặt trận Việt Minh đã kịp thời chủ trương: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng lúc đó, tạo nên được cao trào cách mạng mạnh mẽ không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà còn mang nội dung chính trị sâu sắc. Vào thời điểm bấy giờ hình thức tập hợp đó là thích hợp và kịp thời nhất vừa mang tính cách mạng vừa mang tính nhân văn nên đã động viên được mọi tầng lớp nhân dân xông lên giành chính quyền.

Có thể nói sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam có tổ chức, có lãnh đạo trong nhận thức và hành động, luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân, anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở chỗ đã tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa, số lượng đảng viên của cả nước lúc đó chưa đến 5.000 người, một số trong đó đang bị cầm giam ở các nhà tù, các tổ chức Đảng nhiều nơi bị địch đánh phá chưa kịp kiện toàn. Nhưng khi biết có chủ trương Tổng khởi nghĩa thì chính quần chúng đã đứng lên giành chính quyền. Như ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh từ ngày 16/8/1945 một số thanh niên, trí thức biết được có chủ trương khởi nghĩa từ Hội nghị quốc dân ở Tân Trào nên đã cùng nhau xông vào huyện đường và nhanh chóng lan toả ra khắp huyện để giành chính quyền trọn trong một ngày. Cũng vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám bùng nổ thì Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chưa được kiện toàn, để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn bộ do phân ban Nam Hà của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh đảm nhiệm.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân. Đó là kết tinh của sức dân, lực dân, tài dân vì mục tiêu cao cả là giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là kết tinh tinh thần, khí thế cách mạng ở trình độ cao của giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc, từ đó biến thành sức mạnh vật chất khổng lồ của hàng triệu quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền vì mục tiêu cao cả giải phóng giành độc lập, tự do.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam thì Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi mang tầm thời đại. Sau Cách mạng Tháng Tám dân tộc ta còn phải đương đầu với bao thử thách sống còn, nhưng nhờ đã rút ra được những bài học quý giá từ Cách mạng Tháng Tám nên chúng ta đã vượt qua được. Từ việc đánh thắng hai kẻ xâm lược mà một thời nghe đến là cả thế giới khiếp sợ đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến sự kiện hệ thống XHCN sụp đổ đã kịp thời đề ra đường lối đổi mới để đứng vững và phát triển như ngày nay, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo những bài học của lịch sử, trong đó có bài học về nắm vững thời cơ, đoàn kết toàn dân tộc và quan tâm đến xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ngày nay sự nghiệp đổi mới đã đem lại những thành quả to lớn và quan trọng, song cách mạng còn là phía trước cần tiếp tục có sự tìm tòi sáng tạo để giải quyết và xử lý các mâu thuẫn cũng như những cản trở trên con đường tiến lên. Tin tưởng rằng Đảng ta với bề dày lịch sử và kinh nghiệm của mình, với những bài học đã trích lũy được trong quá trình đấu tranh cách mạng nhất định sẽ vững vàng vượt qua mọi thử thách, tiếp tục đưa nước nhà tiến bước trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được nêu ra trong Luận cương chính trị năm 1930 và trở thành hiện thực từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

T.S Đặng Duy Báu (TCTTTT số 31)


    Ý kiến bạn đọc