Đảng bộ Hà Tĩnh trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh
EmailPrintAa
10:14 04/09/2015

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ - Tĩnh là một sự kiện lịch sử mở đầu các cao trào cách mạng; Là điểm khởi đầu cho mọi thắng lợi của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam; là trang sử vẻ vang của Đảng ta. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 đóng góp quan trọng của nhân dân Nghệ Tĩnh cho phong trào cách mạng chung của cả nước. Tầm ảnh hưởng của phong trào không dừng lại ở cách mạng Việt Nam mà còn được khẳng định đối với các phong trào cách mạng trên thế giới.
 
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh ở huyện Can Lộc   Ảnh: Quang Vinh  

Tháng 3/1930, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Ra đời trong khi mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với đế quốc, phong kiến đã phát triển gay gắt đến cực độ, phong trào đấu tranh của quần chúng đã chín muồi chỉ chờ dịp bùng lên mạnh mẽ, Đảng bộ đã kịp thời phát động một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt trong toàn tỉnh làm lung lay nền thống trị của thực dân và phong kiến tay sai.

Kỷ niệm Ngày quốc tế lao động (01/5/1930) Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chủ trương phát động nhân dân tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đây là hoạt động đầu tiên của Đảng bộ mang tính thống nhất trong toàn tỉnh kể từ khi ra đời. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hình thức kỷ niệm, phổ biến nhất là hình thức treo cờ đỏ, rải truyền đơn, mít tinh diễn thuyết. Ngày 01/5/1930 cờ đỏ đã phấp phới bay trên đỉnh Rú Cơm, trên nóc nhà thờ trước cửa huyện Nghi Xuân, cầu Đò Trai (Đức Thọ), Rú Nầm (Hương Sơn), cầu Trung (Cẩm Xuyên), ở núi Bàn Độ (Kỳ Anh)…; hàng nghìn tờ truyền đơn được rải ở Dĩ Long (Hương Sơn), Lạc Thiện (Đức Thọ), các tổng Lai Thạch, Phù Lưu (Can Lộc), Lạc Xuyên, Thổ Ngoạ, Mỹ Duệ (Cẩm Xuyên)…; các cuộc mít tinh diễn thuyết diễn ra ở Cải Lương (Hậu Lộc), Đỉnh Lự (Tân Lộc) thuộc huyện Can Lộc, ở Đồng Môn (Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh), Đan Hộ (Thạch Long, Thạch Hà), Yên Dương (Cẩm Hoà, Cẩm Xuyên)… quần chúng ở huyện Nghi Xuân vượt sông Lam sang Vinh phối hợp đấu tranh với công nhân Trường Thi - Bến Thuỷ, tại Phù Việt (Thạch Việt, Thạch Hà) nông dân tuần hành thị uy đả đảo hào lý, tay sai trong làng bóc lột, ức hiếp nông dân…

Sau ngày 01/5/1930, các cấp bộ Đảng tiếp tục sử dụng hình thức cổ động, tuyên truyền để khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng. Phong trào tiếp tục dâng cao. Tháng 07/1930, các cuộc mít tinh, tuần hành liên thôn, liên xã được tổ chức có hàng trăm người tham dự. Hệ thống tổ chức đảng được củng cố, các tổ chức quần chúng được mở rộng, lực lượng tự vệ được xây dựng và phát triển nhanh chóng. Để đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới, ngày 09/7/1930, Tỉnh uỷ gửi thông báo cho các cơ sở đảng trong tỉnh quyết định phát động nhân dân đấu tranh kỷ niệm ngày quốc tế đỏ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ngày 1/8/1930 hàng loạt các cuộc mít tinh, biểu tình đã nổ ra ở nhiều huyện trong tỉnh, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Can Lộc. Tại đây, nông dân 2 tổng Phù Lưu và Lai Thạch đã gương cao cờ Đảng và biểu ngữ rầm rộ kéo về huyện lỵ. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, tri huyện Can Lộc hoảng sợ phải cúi đầu ký nhận bản yêu sách đòi giảm sưu, hoãn thuế của đoàn biểu tình. Lần đầu tiên sức mạnh của quần chúng cách mạng đã buộc bọn thống trị phải nhượng bộ. Thắng lợi này có tiếng vang lớn động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh tiến tới cao trào.

Trước sức tấn công của các lực lượng cách mạng, chính quyền địch ở Hà Tĩnh bắt đầu rệu rã. Các huyện đường Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên hầu như bỏ trống, bọn hào lý ở nhiều làng xã nơm nớp lo sợ và bị vô hiệu hoá. Trước tình hình đó, các cấp bộ Nông hội đỏ đứng ra quản lý, điều hành công việc trong các làng xã, hình thành nên chính quyền cách mạng theo kiểu Xô viết. Các làng Xô viết ra đời. Trong những tháng cuối năm 1930, đầu năm 1931, ở Hà Tĩnh có tới 170 làng Xô viết. Lần đầu tiên trong lịch sử, người nông dân Hà Tĩnh đã được hưởng các quyền lợi thiết thực về kinh tế và chính trị do chính quyền Xô viết đem lại. Một cuộc sống mới hết sức tốt đẹp đang hình thành ở những vùng nông thôn trong tỉnh. Đó chính là cơ sở tạo nên niềm tin son sắt của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.

Hoảng hốt trước sự phát triển của cách mạng, thực dân Pháp và phong kiến tay sai tăng cường khủng bố trắng. Có nơi chúng đốt phá, triệt hạ cả làng (Phù Việt, Thạch Hà), có khi địch xã súng vào đoàn biểu tình tay không giết chết 42 người và làm bị thương hàng chục người khác. Thế nhưng bom đạn, súng máy, đồn binh… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh. Được sự quan tâm dìu dắt của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự hỗ trợ của phong trào cách mạng cả nước, Đảng bộ Hà Tĩnh vẫn kiên cường bám trụ, duy trì và giữ vững phong trào, chống địch khủng bố trắng bảo vệ thành quả cách mạng của các Xô viết. Tỉnh uỷ đã chú trọng chấn chỉnh, củng cố tổ chức cơ sở và bộ máy lãnh đạo từ cấp tỉnh đến chi bộ cơ sở, mối liên hệ với nhân dân ngày càng sâu rộng, được nhân dân ủng hộ, làm vỏ bọc bảo vệ Đảng và cơ sở cách mạng, đặc biệt chú trọng củng cố tổ chức đi đôi với củng cố tư tưởng, công tác tuyên truyền chính trị được chú trọng, đã tạo nên “làn sóng đỏ” lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc, trực tiếp lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh đánh đổ chính quyền thuộc địa nửa phong kiến ở các địa phương hướng tới giành độc lập, tự do trong toàn tỉnh.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh là một cao trào cách mạng có ý nghĩa rất quan trọng. Lần đầu tiên kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo quần chúng nhân dân dùng bạo lực chính trị tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt, dồn dập làm lung lay thành trì của chế độ thực dân phong kiến tay sai ở nhiều làng xã trong tỉnh, lập nên chính quyền cách mạng theo kiểu xô viết; người dân được hưởng những lợi ích kinh tế, chính trị mà các xô viết mang lại, tạo niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và cách mạng. Lần đầu tiên một Đảng ra đời ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đã nắm quyền lãnh đạo cách mạng, phát động được một phong trào quần chúng rộng lớn, mạnh mẽ chưa từng có để đánh thẳng vào nền móng của kẻ thù. Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân lao động mà trước hết là công nhân và nông dân và đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Đó là bài học về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở; bài học về xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, về vận động, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng, về thành lập mặt trận thống nhất, về thời cơ cách mạng, về đấu tranh chống tư tưởng tả khuynh và hữu khuynh trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng… Những bài học đó giúp cho Đảng ta kịp thời đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, tiếp tục tổ chức nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh tiếp theo giành thắng lợi.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tiếp bước hào khí của cao trào xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang tạo bước đột phá về kinh tế xã hội, chuyển mình đi lên, chủ động hội nhập và phát triển; đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu giành được những thắng lợi trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế - văn hoá xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; tích cực triển khai các công trình, dự án trọng điểm, nhất là các công trình, dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.... việc thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Thương mại, dịch vụ từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Quan hệ hợp tác đối ngoại được mở rộng, thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được chú trọng, tạo chuyển biến rõ nét; bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được tăng cường; đội ngũ cán bộ trưởng thành về mọi mặt; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Văn hoá - xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, giáo dục phổ thông nhiều năm liên tục đứng ở tốp đầu cả nước; phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả.

Tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng là niềm tin, là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển, xứng đáng là quê hương Xô viết anh hùng.

Hà Tiến Lam - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (TCTTTT số 31)


    Ý kiến bạn đọc