Bác Hồ “Tập Kiều”, “Lẩy Kiều”
EmailPrintAa
15:32 26/10/2015

"Tập Kiều" là mượn văn chương, chữ nghĩa Truyện Kiều để viết về bất cứ đề tài gì, chủ yếu là đề tài thời sự, hiện tại. Theo ông Thanh Minh trong "Thơ văn tập Kiều" (Ty Văn hóa Hà Tĩnh xuất bản, 1966) thì "tập Kiều" thông thường có mấy cách:

- Nếu làm thơ lục bát thì có thể lấy luôn cả hai câu lục bát của Truyện Kiều, hoặc lấy câu lục chỗ này, câu bát chỗ khác cùng vần và liền ý với nhau, ghép thành câu, cũng có thể thay đổi một số chữ trong câu lục hoặc câu bát để nói lên ý mới, nhưng vẫn giữ được vần điệu, âm hưởng của thơ Kiều.

- Nếu làm thể song thất lục bát thì hai câu thất có thể đặt lời mới, hoặc lấy chữ trong văn Kiều, còn hai câu lục bát thì tuân theo kiểu như đã nói trên.

- Nếu làm theo các thể khác như phú, câu đối, văn tế, thơ luật..., thì chọn một câu, nửa câu Kiều, hay một số chữ liền nhau (ít nhất là ba chữ) trong thơ Kiều ghép thành câu mới, thích hợp với thể loại mình đang dùng; có thể đảo xuôi, đảo ngược một số chữ của câu Kiều được mượn, cũng có thể thay đổi hẳn, hoặc thêm bớt một sỗ chữ cần thiết ở câu Kiều để nói được nội dung mới.

Tóm lại, "tập Kiều" là mượn câu, chữ có sẵn trong Truyện Kiều để nói về một nội dung mới mà mình muốn.

Văn thơ "tập Kiều" không chỉ những người sính Kiều, thuộc Kiều, những người có chữ nghĩa ham thích, mà ai cũng say mê, vì nó gây liên tưởng đến thơ Kiều, và vì, như nhiều người nói, đó là loại văn chương tài tử.

"Lẩy Kiều", "lẩy" nói theo giọng miền Trung, Nghệ Tĩnh là "lảy" (Ra vườn lảy một quả cam), "lảy" gần nghĩa với hái, bứt... "Lẩy Kiều" là lảy từ trong Truyện Kiều ra một hoặc vài câu, cũng có thể một đoạn, rồi đọc lên hoặc ngâm lên, hát lên một cách rất hợp tình, hợp cảnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta, rất trân trọng giá trị Truyện Kiều. Người thuộc Kiều, hiểu Kiều và thường khuyên dạy cán bộ ta đọc Kiều, học Kiều. Trong nhiều trường hợp nói, viết Người vận dụng thơ Kiều theo lối "tập Kiều", "lẩy Kiều", "phỏng Kiều" một cách hết sức linh hoạt và sắc sảo, kể cả trong những buổi lễ trang trọng như Đại hội Đảng, họp Quốc hội hay đón tiếp, đưa tiễn các nguyên thủ quốc gia…, Bác vẫn có thể "tập Kiều", "lẩy Kiều" một cách tinh tế và đầy ý nghĩa. Sau đây là một số câu thơ, đoạn thơ "tập Kiều", "lẩy Kiều" của Bác Hồ trong từng thời điểm cụ thể:

                             I.

                    Tình sâu mong trả nghĩa dày,

          Hoa kia đã chắp cành này cho chưa ?

                   Mối tình đòi đoạn vò tơ,

          Giấc hương quan luống mẫm mơ canh dài.

                   Song sa vò võ phương trời,

          Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

          (Đọc sau một giấc mơ về quê nhà lúc người ở Trung Quốc, 1930 - Theo sách "Trần Phú" của Sơn Tùng).

                   

                             II.

                   - Anh hùng thay ông Lý Bôn,

          Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người.

                   - Hai lần đại phá Nguyên binh,

          Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.

                   - Mấy phen sông Nhị, núi Lam,

          Thanh gươm yên ngựa Bắc Nam ngang tàng.

                   - Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau,

          Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.

                   - Tay bà thống đốc ba quân,

          Đánh luôn mấy trận địch nhân liệt là.

                   - Tội kia càng đắp càng đầy,

          Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng...

          (Rút trong "Lịch sử nước ta", Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản, 1942).

                  

                             III.

                   Cảm ơn người biếu gói cam,

          Nhận thì không đúng, từ làm sao đây.

                   Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

          Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

          (Thư cảm ơn nữ sĩ Hằng Phương biếu cam; Tết Bính Tuất,1946)

                  

                             IV.

                   Mạnh gì sợi chỉ con con,

          Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng.

          (Trích "Bài ca sợi chỉ").

 

                             V.

          Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao,

          Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

          (Trích lời khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa II, 1960).

 

                             VI.

          Công ơn Đảng như bể rộng, như non cao,

          Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

          (Trong bài nói Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, 1960).

 

                             VII.

                   - Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

          Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

                   - Chúng ta đoàn kết một nhà,

          Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu.

          (Trong bài nói nhân dịp về thăm quê Kim Liên).

 

                             VIII.

                   - Đến bây giờ mới thấy đây,

          Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

                    - Quan sơn muôn dặm một nhà,

          Bốn phương vô sản đều là anh em.

          (Lời khai mạc và lời tiễn đại biểu các Đảng anh em dự Đại hội III  - Đảng Lao động Việt Nam)

                             IX.

          Đáng lẽ tôi:

                   Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,

          Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao.

          Nhưng:

                   Khi nào Nam Bắc một nhà,

          Cho người thấy mặt là ta cam lòng.

          (Lời nói nhân ra mắt cử tri tại Hà Nội trong dịp ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa III).

         

                             X.

                   - Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,

          Vui mừng xin đợi ngày này tháng sau.

          (Nói nhân dịp tiễn Bác đi thăm các nước bạn).

 

                             XI.

                   - Bây giờ mới gặp nhau đây,

          Mả lòng đã chắc những ngày thanh niên.

                   - Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

          Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

          (Nói nhân lễ đón và lễ  tiễn Tổng thống Inđônêxia Xucácnô).

                             XII.

                   Còn non còn nước còn người,

          Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

                    (Trong lời Di chúc)

          ..........

Lê Văn Tùng 


    Ý kiến bạn đọc