Công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
EmailPrintAa
15:08 26/10/2015

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Đây là một trong các phương thức lãnh đạo và là bài học kinh nghiệm để bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát góp phần bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất và dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tránh các nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa dân, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
 

Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, nhiệm kỳ 2010 - 2015 Ảnh: P.Q

 

Nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao.

Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có nhiều chuyển biến rõ nét. Hầu hết cấp ủy đã thực sự xem công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên, là chức năng lãnh đạo của Đảng, từ đó, đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời, thường xuyên trong tất cả các khâu của công tác kiểm tra, giám sát.

Trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp kiểm tra 3.162 tổ chức đảng và 4.691 đảng viên; giám sát chuyên đề 1.986 tổ chức đảng, 4.625 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 657 tổ chức đảng cấp dưới và 2.171 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề 5.998 đảng viên, 2.856 tổ chức đảng; kiểm tra 4.052 tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; kiểm tra 42 tổ chức về chi ngân sách, xây dựng cơ bản và các chương trình dự án, 3.669 tổ chức về thu nộp, sử dụng đảng phí. Xem xét, giải quyết tố cáo đối với 21 tổ chức đảng, 368 đảng viên đảm bảo quy trình, nguyên tắc, thủ tục, kết luận chính xác, khách quan; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; những mũi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng; chính sách an sinh xã hội; cải cách hành chính; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các chủ trương của tỉnh về kỷ cương, kỷ luật hành chính. Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh vi phạm. Chất lượng, hiệu quả được nâng cao, đảm bảo thực chất, trách nhiệm, vì mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh.

Gắn với kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đã xem xét xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Trong nhiệm kỳ, các tổ chức đảng đã thi hành kỷ luật đối với 48 tổ chức đảng, 2.202 đảng viên; trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề nghị Ban Bí thư cách chức 01 đồng chí và quyết định kỷ luật cảnh cáo 01 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kỷ luật 01 Ban Thường vụ cấp ủy huyện và 12 đảng viên (trong đó có 7 đồng chí là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Việc xử lý kỷ luật đảm bảo nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng nguyên tắc, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình.

Tính giáo dục, phòng ngừa, cảnh báo trong công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động nắm tình hình tổ chức đảng, tình hình cán bộ, qua nhiều nguồn thông tin.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra đánh giá được tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, từ đó tham mưu, quyết định bổ sung một số chủ trương phù hợp; đồng thời, phát hiện và giải quyết kịp thời các vi phạm, những vấn đề phức tạp khi mới bắt đầu nảy sinh ngay từ cơ sở. Vai trò của kiểm tra, giám sát ngày càng được khẳng định ở từng địa phương, đơn vị; góp phần giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, dân chủ trong Đảng.

Những kết quả đó góp phần quan trọng vào việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng; ngăn ngừa, đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát còn có những mặt hạn chế, cần phải được khắc phục, đó là: nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra chưa cao; chưa thật sự gắn kiểm tra, giám sát với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng ở địa phương, đơn vị; nắm tình hình, phát hiện vi phạm còn hạn chế; trong các lĩnh vực về quản lý kinh tế, đất đai, khoáng sản, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ còn một số bất cập nhưng chưa kịp thời phát hiện vi phạm để ngăn ngừa, chấn chỉnh; năng lực, kinh nghiệm công tác của cán bộ kiểm tra nhìn chung chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ của công tác kiểm tra trong thời gian tới, Đảng ta đã xác định: “thực tiễn đang đòi hỏi, nhân dân đang mong chờ, công tác kiểm tra phải làm sao góp phần chặn đứng những biểu hiện tiêu cực để từng bước làm trong sạch đội ngũ của Đảng, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội”. Để phát huy toàn diện vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, thực sự là công cụ đắc lực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tăng cường việc học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong toàn Đảng bộ về công tác kiểm tra, giám sát, luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là một khâu của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với mục tiêu lấy cảnh báo, giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh chống suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng lãng phí, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm vụ chính trị, nhất là các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng đảng của địa phương, đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Chú trọng thực hiện đồng bộ cả kiểm tra, giám sát của cấp trên với tự kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và những lĩnh vực, địa bàn có nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, dễ xảy ra khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm, chú trọng các lĩnh vực được dư luận, cán bộ, đảng viên nhân dân quan tâm.

- Nâng cao chất lượng việc nắm bắt và dự báo tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để kịp thời giáo dục, phòng ngừa; phát huy được tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Kiên quyết kiểm tra làm rõ và xem xét, xử lý nghiêm những hành vi, đối tượng tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch tổ chức đảng và quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên.

- Từng bước đổi mới quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát theo hướng đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, tiến hành các quy trình kép, lồng ghép để cắt giảm thủ tục và thời gian nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc, tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát. Phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra Nhà nước, giám sát của hội đồng nhân dân, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

- Gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03 (khóa XI) của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhất là, từng tổ chức, cá nhân tập trung khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra qua tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt Quy định số 101 - QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên"; phát huy vai trò trách nhiệm, gương mẫu, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, đơn vị.

- Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, phẩm chất trong sáng, đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể lên hàng đầu, luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cấp ủy cần đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định, cải thiện điều kiện, phương tiện làm việc của ủy ban kiểm tra.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp quyết tâm thực hiện toàn diện công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Nguyễn Thị Gái - UVBTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc