Để công tác phòng chống tham nhũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét
EmailPrintAa
14:41 26/10/2015

Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả, đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào thành công của đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch ở một số lĩnh vực được đẩy mạnh; thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng, lãng phí; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh củng cố niềm tin của người dân đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 

Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm trong công tác giữa Ban Nội chính các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế

 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Không ít cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Một số giải pháp phòng ngừa thực hiện chưa nghiêm, còn chiếu lệ, hình thức. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xem thường kỷ cương pháp luật, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng còn ít; tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng nói chung còn chậm, dẫn đến hạn chế tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm tham nhũng, gây ra hoài nghi trong dư luận. Một số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhũng nhiễu trong thực thi  công vụ, gây bức xúc trong nhân dân.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, góp phần lãnh đạo, tổ chức thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ năm 2015-2020, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tập trung thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các văn bản: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chỉ thị 33 - CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập”, Chỉ thị 32 - CT/TU ngày 01/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí”, Luật Phòng, chống tham nhũng… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đội ngũ báo cáo viên; tiếp tục thực hiện tốt việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Các báo, đài thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phản ánh những gương tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị  cần  phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương đưa nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN vào các cuộc họp thường kỳ hàng tháng, hàng quý của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị theo Chỉ thị 32 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận thông tin, giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng; phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích, dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, hoàn thiện các quy định theo hướng công khai, minh bạch, chặt chẽ nhằm khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như: quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách, thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, trước mắt tập trung vào các vụ án nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường thanh tra kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh, dứt điểm các kết luận thanh tra; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra ở giai đoạn tố tụng.

Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu cụ thể hoá các chủ trương, quy định về phòng, chống tham nhũng lãng phí của Trung ương, của tỉnh bằng các chương trình, kế hoạch, quy định của đơn vị, địa phương mình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cũng như biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Nguyễn Hữu Diệp - Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc