Dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế: Nỗ lực thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội
EmailPrintAa
09:03 26/10/2015

Sau 5 năm thực hiện Đề án“Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Hội Nông dân các cấp đã nỗ lực dành nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là đã tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, đem lại quyền lợi cho bà con, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và làm giàu cho xã hội.

Với tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trong tỉnh là 15,28 tỉ đồng, doanh số cho vay trong 5 năm là 28 tỉ đồng với 1920 lượt hộ vay. Thông qua việc cho vay từ quỹ hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 343 hợp tác xã (HTX) và 874 Tổ hợp tác (THT), góp phần  xây dựng được 7.500 mô hình có thu nhập từ một trăm triệu trở lên; nâng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi lên 83.800 hộ; giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,4%.

Hội đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan mở 854 lớp dạy nghề, xây dựng 11 mô hình giảm nghèo bền vững ở vùng đặc biệt khó khăn, thành lập 35 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, ký kết các chương trình về BHXH, BHYT, văn hoá, thể thao, du lịch, tuyên truyền Luật an toàn giao thông, xây dựng các chuyên trang chuyên mục tuyên truyền về các chính sách cho nông dân... Đặc biệt Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, chăn nuôi các cây, con chủ lực của tỉnh, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tiêu biểu là phối hợp với Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại xây dựng 65 tổ hợp tác trồng cỏ, nuôi bò với quy mô 5 - 20 con, chăn nuôi lợn quy mô 20 - 50 con, trồng rau củ quả công nghệ cao; triển khai chương trình chăn nuôi bò chất lượng cao tại 126 xã, phường, thị trấn và đã phối tinh được trên 2.500 liều tinh; phối hợp cung ứng 20.000 con lợn giống siêu nạc cho các tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết theo chuỗi và cung ứng trên 50.000 tấn thức ăn gia súc.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã nhận ủy thác từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số vốn 2.636 tỷ đồng, cho 85.350 hộ nông dân vay phát triển sản xuất; liên kết với doanh nghiệp cung ứng chậm trả 8.600 tấn phân bón các loại, 23.000 cây giống, 16.000 con giống, 1.850 máy cày các loạivà tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân; Trung tâm DN&HTND trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã đào tạo nghề cho 890 lao động nông thôn, phối hợp đào tạo nghề cho 3.510 lao động...  

Ngoài ra, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng được 3.161 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa được 643 km kênh mương nội đồng, hàng trăm trường học, trạm y tế, hội quán, nhà văn hóa và các công trình công cộng, có 52.140 hộ nông dân hiến 180,7 ha đất, trị giá 345,3 tỷ đồng góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần phải có định hướng khắc phục. Hội Nông dân tỉnh đã nghiêm túc đánh giá và rút ra một số bài học kinh nghiệm để không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đó là:          

Cần quán triệt sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ của Đề án trong cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, hội viên, nhất là người đứng đầu về vai trò của nông dân và tổ chức Hội Nông dân trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện với các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và có kiểm tra, giám sát thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời.

Phải nhận thức rõ vai trò tham mưu của Hội Nông dân các cấp có tính quyết định đến kết quả thực hiện.

Lồng ghép việc thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để huy động tối đa các nguồn lực cho việc thực hiện Đề án.

Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh là một trong những điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả Đề án 61.

          Để tiếp tục phát huy vai trò của nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tạo sự đồng thuận cao về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh.

Thứ hai, Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội Nông dân các cấp, chủ động xây dựng tham mưu các đề án của Hội trên các lĩnh vực hoạt động, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của tổ chức Hội, vai trò chủ thể của người nông dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, Tăng cường thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hội, đồng thời tổng kếtđánh giácác phong trào, các cuộc vận động để nhân rộng.

Thứ tư, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, dạy nghề, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, giống cây, giống con… để tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Thứ năm, Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” cấp tỉnh và đồng thời chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo cấp các huyện, thành, thị và cơ sở.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa toàn diện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đứng tốp đầu cả nước... Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của nông dân và tổ chức Hội vẫn chưa tương xứng với vị trí của nó trong nền kinh tế. Vì vậy, cần phải có những cơ chế mạnh mẽ, chính sách thoả đáng và tiếp tục hỗ trợ của Trung ương, địa phương cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đảm bảo Hà Tĩnh sẽ trở thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển trong tương lai không xa.

Trần Đình Gia - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc