Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất và đời sống
EmailPrintAa
09:12 26/10/2015

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Nhiều kết quả nghiên cứu trên các lĩnh vực được ứng dụng tốt vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự ổn định, phát triển của tỉnh theo hướng bền vững.

Trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã có nhiều công trình nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội đặt ra; đồng thời đề xuất những giải pháp góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc sắp xếp hợp lý hệ thống các trường phổ thông và mầm non trên địa bàn tỉnh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo ứng dụng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường phổ thông và mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, từ chỗ 816 trường nay sắp xếp lại còn 727 trường, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo; việc nghiên cứu giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Giáo dục công dân đã được ứng dụng ở các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh, nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh.

Lĩnh vực văn hóa được đánh dấu bởi kết quả nghiên cứu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng Trường Lưu đã đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của làng Trường Lưu nói chung và của Mộc bản Trường Lưu nói riêng. Kết quả đề tài đã và đang tiếp tục phát huy vào việc xây dựng bộ Hồ sơ đăng ký xếp hạng Di sản văn hóa.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đã tạo tiền đề để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp ở Hà Tĩnh. Hay kết quả nghiên cứu nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình dự án ở tỉnh Hà Tĩnh là cơ sở khoa học để Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn; đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách sát đúng với tình hình thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tất cả những kết quả nghiên cứu trên đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nhiều công trình nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh, nâng cao trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật của các ngành, các địa phương. Các đề tài, dự án về khoa học, công nghệ đã  chuyển giao thành công các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật như kết quả nghiên cứu bài thuốc y học cổ truyền Amossear đã có tác dụng tốt trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng.

Đặc biệt, các công trình nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như: việc ứng dụng công nghệ Thái Lan trong chăn nuôi lợn siêu nạc đã được phổ biến đến tận ngưòi dân trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp có quy mô từ 100 - 5.000 con, chủ yếu theo hình thức liên kết với Tổng công ty Khoáng sản &Thương mại Hà Tĩnh và Công ty CP Việt Nam, nâng tổng đàn lợn lên trên 700.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng đạt trên 60.000 tấn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Việc nghiên cứu phát triển nghề sản xuất nấm tại Hà Tĩnh đã hình thành cơ sở sản xuất và chế biến nấm tại Trung tâm phát triển nấm ăn, nấm dược liệu Hà Tĩnh, đã tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ nhân giống và sản xuất nấm thương phẩm với các chủng loại: nấm sò, mộc nhỉ, linh chi, nấm rơm... Hiện tại cơ sở sản xuất này đang tiếp tục mở rộng và đã có hàng trăm cơ sở sản xuất nấm thương phẩm, sản lượng nấm hàng năm đạt 70 - 100 tấn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo nghề mới cho nhân dân.

Công tác du nhập và khảo nghiệm giống lúa mới đã khẳng định được một số giống lúa có tính vượt trội về năng suất và chất lượng như: XT28, DT52, RVT, OM4218, CXT30. Các giống này đã được nhân dân ứng dụng tốt vào thực tiển sản xuất, cho năng suất tăng 12-15% so với các giống lúa khác trong cùng trà, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với sản xuất đại trà. Nhiều giống lạc mới cùng với quy trình sản xuất tiên tiến đã được du nhập, khảo nghiệm, khẳng định và nhân rộng tốt trong sản xuất, điển hình là giống lạc L14, L20, L27 đã được ứng dụng tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, quy trình thâm canh lạc đạt năng suất cao (>4tấn/ha) của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã và đang được nhân rộng tại các xã: Thạch Châu, Thạch Lạc, Đức La, Hương Thủy. Kết quả nghiên cứu trên bưởi Phúc Trạch đã được ứng dụng và phát huy tốt hiệu quả trong thực tiển sản xuất (cắt tỉa cành tạo tán, thụ phần bổ sung, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, quản lý chỉ dẫn địa lý …), góp phần quan trọng nâng cao năng suất chất lượng bưởi Phúc Trạch, từng bước khắc phục sự suy giảm về năng suất và chất lượng bưởi Phúc Trạch trong nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu sản xuất rau chất lượng cao đã du nhập và triển khai nhiều giống rau có tiềm năng kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Điển hình là giống dưa chuột Chiatai và mướp ngọt Thái Lan năng suất đạt 50 tấn/ha, giống Bí xanh Tre Việt năng suất đạt 60 tấn/ha. Thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha, lãi ròng đạt >100 triệu đồng/ha.

Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chọn giống, khai thác và xử lý nước trong ao nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… vào xây dựng các mô hình như: mô hình nuôi tôm trên cát tại xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân, đạt năng suất 30 tấn/ha/2 vụ/năm; mô hình nuôi nghêu Bến tre tại xã Mai Phụ huyện Lộc Hà, cho sản lượng 120 tấn/4ha/vụ, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng bằng lồng trên sông tại Thành phố Hà Tinh đạt hiệu quả cao. Các mô hình đang tiếp tục triển khai nhân rộng tại các địa phương thuộc huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Thành phố Hà Tĩnh.

Ngoài ra, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nhân giống và nuôi ong lấy mật đã chuyển giao được các tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống, chăm sóc, quản lý, khai thác mật ong cho nhân dân trong vùng; xây dựng thành công mô hình nhân giống và nuôi ong lấy mật tại các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Hiện nay tổng số đàn ong lên đến hàng ngàn đàn, hàng năm cung ứng ra thị trường hàng ngàn lít mật ong, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân nhất là các xã miền núi có nhiều khó khăn.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm đã rút ngắn thời gian chế biến từ 11 - 12 tháng xuống còn 6 - 7 tháng, giảm chi phí lao động, chất lượng nước mắm có độ đạm cao hơn so với sản xuất nước mắm truyền thống tại địa phương. Mô hình đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2011; đạt giải khuyến khích tại Hội thi Ý tưởng xanh toàn quốc. Kết quả đề tài hiện đang tiếp tục được chuyển giao nhân rộng tại nhiều cơ sở sản xuất nước mắm trong và ngoài tỉnh như: Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Lộc Hà (Hà Tĩnh), Quân khu 4 (Nghệ An). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh đã đào tạo cán bộ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức sản xuất thành công chế phẩm sinh học HATIMIC xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết quả đề tài là cơ sở khoa học để UBND tỉnh ban hành đề án Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020.

Những kết quả nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có đóng góp quan trọng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp công nghiệp hoá của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu của đời sống xã hội.

         

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN

 

Một là, tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các kết quả nghiên cứu để đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao; tôn vinh các tập thể và cá nhân có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN. Thực hiện tốt vai trò của Hội đồng khoa học và Sở KH&CN trong việc hướng dẫn, lựa chọn, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Chú trọng hình thức đặt hàng, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiên nhiệm vụ, khoán kinh phí đến tận kết quả nghiên cứu.

Ba là, tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật trên mọi phương tiện thông tin, góp phần nâng cao nhận thức về KH&CN cho nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Coi trọng và phát huy quyền sở hữu trí tuệ đối với các cá nhân nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

Bốn là, quan tâm phát triển Doanh nghiệp KH&CN và thị trường KH&CN để kích thích các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ và lao động sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng, trao đổi KH&CN.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà Khoa học và người sản xuất trong việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Sáu là, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; đa dạng hóa hình thức, đối tác và lĩnh vực hợp tác; liên kết chặt chẽ với các Viện, Trường, Trung tâm khoa học có uy tín để huy động nhân tài, vật lực nhằm giải quyết các nhiệm vụ KH&CN mà tỉnh đang cần, tạo ra các sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao, có khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Ưu tiên các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, vật liệu mới....

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, tin tưởng trong thời gian tới việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học & công nghệ trong sản xuất và đời sống ngày càng được nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN


    Ý kiến bạn đọc