Phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng Nghi Xuân sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phía Bắc của Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:04 26/10/2015

Huyện Nghi Xuân nằm ở mạn Nam cầu Bến Thủy - cửa ngõ giao thương phía Bắc Hà Tĩnh, có thế đất quý của núi sông và biển cả chung tụ, nơi hội tụ nhiều yếu tố để phát triển kinh tế, văn hóa.

Nằm trên quốc lộ 1A (gần 14km), phía Nam Sông Lam, cạnh Thành phố Vinh (đô thị loại 1) của Nghệ An; huyện Nghi Xuân được bao bọc bởi núi sông và biển cả, một địa thế “Tam hợp” sơn thủy hữu tình: Vành đai núi bao trọn phía Tây và Nam với gần 30km, phía Bắc là Sông Lam với gần 25km và bờ biển trải dài 32km ở phía Đông tạo cho Nghi Xuân có một địa hình theo kiểu vệt sóng. Cấu trúc địa chất khá phong phú: vừa có bãi bồi ven sông, bãi ngang cát trắng ven biển, bán sơn địa ven chân núi Hồng Lĩnh, đồng bằng ở khu vực trung tâm.

Đặc biệt, nói đến Nghi Xuân, chúng ta không thể không nhắc tới mảnh đất có bề dày về truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của người dân, nơi đô hội của các bậc hiền nhân Xứ Nghệ. Đây cũng là mảnh đất với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng: Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ Tướng công Nguyễn Công Trứ, làng Ca trù Cổ Đạm... hay các khu di tích lịch sử tâm linh (Đền Chợ Củi, đền Hội Thống, đền Huyện, chùa Diên Phúc... gắn với Thiền viện trúc lâm Hồng Lĩnh, Ngàn Hống - vực Thuồng Luồng - Khu di chỉ khảo cổ Phô Phối (có thuyết cho rằng Ngàn Hống là kinh đô của người Việt cổ)... Trên góc độ phát triển kinh tế, văn hóa và so sánh lợi thế vùng, có lẽ không nhiều địa phương của Hà Tĩnh lại được như Nghi Xuân.

Những năm gần đây, Nghi Xuân luôn nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở,ban, ngành của tỉnh. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị bình quần năm 2015 ước đạt 15,68% (5 năm gần đầy đạt 13,25%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 39%; thương mại - dịch vụ 33,8%; nông - lâm - thủy sản còn 27,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt trên 28 triệu đồng, tăng gần 2,2 lần so với năm 2010. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010.

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và các xã sớm về đích nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, từng bước đa dạng hóa mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi theo hướng hàng hóa – chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình lúa - khoai lang - lạc cao sản kết hợp chăn nuôi đã được hình thành, phát triển cho thu nhập cao ở 8 xã ven chân núi Hồng Lĩnh; mô hình nuôi tôm trên cát và trồng rau, củ, quả có liên kết ở 10 xã bãi ngang, kết hợp đánh bắt thủy, hải sản với giá trị tổng sản lượng đạt hàng trăm tỷ đồng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá; du lịch có khởi sắc, hoạt động thương mại, dịch vụ có bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ bản được đẩy mạnh. Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo quyết liệt; đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân kết hợp với phong trào thi đua xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và một số đề án khác được thực hiện nghiêm túc, bước đầu đạt kết quả khả quan, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường được chấn chỉnh; vấn đề xử lý rác thải, chất thải rắn, đảm bảo vệ sinh môi trường tiếp tục được quan tâm.

Công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát triển rộng khắp, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được phát huy (nhất là việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, ca trù, trò Kiều, hát sắc bùa và một số lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn, phát triển). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng có hiệu quả. Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm chỉ đạo với việc duy trì kết quả phổ cập tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi; các phong trào thi đua được phát động sôi nổi trong các nhà trường; truyền thống hiếu học luôn được khơi nguồn và phát triển. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện. Công tác y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tích cực, góp phần không để xẩy ra dịch bệnh trên địa bàn. Các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm.

Tuy nhiên quá trình phát triển của Nghi Xuân vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng, lợi thế: Việc xây dựng quy hoạch còn chậm, thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (nhất là quy hoạch đô thị); việc công bố quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân khó khăn trong việc tiếp cận, nghiên cứu và khai thác các quy hoạch. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Là huyện có đa dạng về thổ nhưỡng nhưng chưa đa dạng được cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; có ven sông, ven biển dài và rất lợi thế nhưng nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản chậm phát triển và đang manh mún. Có biển đẹp, có núi rừng và hệ thống đền chùa nổi tiếng nhưng chưa phát triển được “ngành công nghiệp không khói”; cửa ngõ phía Bắc của tỉnh và phía Nam của Thành phố Vinh - Nghệ An nhưng chưa trở thành đầu mối giao dịch thương mại... Nói cách khác là tiềm năng, thế mạnh của một huyện có vị trí địa lý kinh tế chiến lược với đa dạng, phong phú về địa hình, có bề dày về văn hóa, có cảnh quan kỳ vĩ, có con người cần cù, chịu khó... nhưng thực sự chưa được đánh thức.

Để đánh thức tiềm năng, lợi thế của huyện nhà, cũng như phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tạo ra bước phát triển với tốc độ cao trong kinh tế - văn hóa xã hội, 5 năm tới Nghi Xuân quyết tâm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận quyết tâm cao trong nhân dân; mở rộng hợp tác, giao lưu mời gọi đầu tư liên kết nội lực với ngoại lực và đặc biệt là tập trung quyết liệt thực hiện 3 khâu đột phá:

1. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng và nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây con chủ lực (các loại giống mới, hiệu quả cao như: rau, củ, quả công nghệ cao, lợn, bò, tôm, cá), ưu tiên các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa lớn và tiêu thụ sản phẩm; năng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt thủy sản.

3. Đẩy mạnh phát triển đô thị; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh.

Với những thành quả đã đạt được cùng những khâu đột phá đã xác định, chắc chắn rằng một Nghi Xuân đầy tiềm năng sẽ được khơi dậy để sớm trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa phía Bắc của Hà Tĩnh.

Trần Báu Hà - TUV, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân


    Ý kiến bạn đọc