Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh : Đưa sự đổi thay đến với làng quê nghèo
EmailPrintAa
08:41 26/10/2015

Năm 1999, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã có mặt tại Việt nam, trong đó Hà Tĩnh là tỉnh thứ 4 trong cả nước may mắn được tài trợ. Với tên gọi là Dự án phát triển nông thôn Hà Tĩnh, trong đó có tiểu hợp phần dịch vụ tài chính thuộc Ban Phát triển tín dụng quy mô nhỏ. Mục tiêu của dự án là cải thiện mức sống và thu nhập của những hộ dân nghèo đồng thời tăng cơ hội tham gia của người dân vào tiến trình phát triển.

Cuối năm 2005, dự án kết thúc, tuy nhiên với những thành công đạt được, UBND tỉnh đã đánh giá cao và tin tưởng giao cho Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Tĩnh tiếp tục quản lý và điều hành nguồn vốn 28.410.095.0000đ của UBND tỉnh. Sau khi nhận được Quyết định bàn giao nguồn vốn của, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Tĩnh đã thành lập Ban Quản lý "Quỹ phát triển vì phụ nữ nghèo". Đến năm 2008 cùng với sự hỗ trợ của Công ty tư vấn phát triển cộng đồng Bình Minh, Hội LHPN Hà Tĩnh đã mạnh dạn nâng cấp mô hình quản lý quỹ từ 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) sang mô hình quản lý 2 cấp (tỉnh, huyện), từ hệ thống kế toán đơn sang hệ thống kế toán kép và đổi tên thành "Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh".

Gần 10 năm nay, Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh cứ như một dòng sông nhỏ âm thầm chảy qua khắp xóm làng, lặng lẽ đóng góp phần vào công cuộc xoá bỏ đói nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với 128.000 lượt hộ được vay vốn, trong đó chủ yếu là phụ nữ nghèo, cận nghèo, quỹ đã giúp 17.000 hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, tỷ lệ thu hồi vốn đạt 100%. Trong sự thành công của công cuộc giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 30% năm 2010 xuống còn 7,42% năm 2014 có một phần không nhỏ công sức của Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh. Hơn thế nữa, hoạt động cho vay vốn phát triển kinh tế đã giúp hội phụ nữ các cấp tăng tỷ lệ tập hợp hội viên từ 80% năm 2010 lên 86% năm 2014. Theo đó, vai trò, vị thế của hội phụ nữ trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ngày càng được khẳng định.

Với mục tiêu hoạt động là cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt hướng đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2015, Hội LHPN Hà Tĩnh còn được UBND tỉnh giao cho nguồn vốn tín dụng tiết kiệm thuộc Dự án IMPP với tổng số tiền là 20.359.000.000đ . Cũng trong thời gian đó, UBND tỉnh đã ký Hợp đồng vay phụ với Bộ tài chính tài trợ cho hợp phần dịch vụ Tài chính nông thôn của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh và giao cho Hội LHPN Hà Tĩnh thông qua Quỹ phát triển phụ nữ thực hiện hợp phần dịch vụ tài chính nông thôn, với tổng số tiền tài trợ là 1.546.000USD. Trong đó: 546.000USD giải ngân cho 21 xã, thuộc 3 huyện vùng cao Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang thuộc dự án và 1.000.000 USD đầu tư thêm cho quỹ để tăng nguồn vốn cho vay.

Bà Đoàn Thị Nhuỵ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hiện nay, Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh đã trở thành người bạn đồng hành của 17.816 hộ gia đình trên địa bàn 106 xã thuộc 12 huyện, thị,thành. Bằng việc cung cấp các sản phẩm Tín dụng - Tiết kiệm nhỏ, quỹ đã cho các thành viên vay vốn thông qua nhóm bảo lãnh, không cần thế chấp tài sản, mà tín chấp thông qua hội phụ nữ, thực hiện thu, phát vốn trực tiếp tại các xã. Với sản phẩm đa dạng và cách thức vay lớn trả nhỏ, vay một lần trả dần trong nhiều tháng (mức vay từ 500.000đ - 48.384.000đ), không những dễ vay dễ trả mà hết chu kỳ vay lại có một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ, phù hợp với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập thấp nên được chị em hưởng ứng rất nhiều”.

Song song với việc phát triển các sản phẩm Tín dụng - Tiết kiệm nhỏ, Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh còn tăng cường tìm kiếm với các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các sản phẩm phi tài chính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ thu nhập thấp và đã được các tổ chức tài trợ, như: Dự án Planet Finance (2011) triển khai đào tạo, tập huấn tại 11 huyện, thành về giáo dục tài chính cho người dân;Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng miền trung (ADB) triển khai tại 3 xã huyện Lộc Hà và sắp tới sẽ triển khai tiếp tại 4 xã thuộc huyện Thạch Hà. Dự án này không chỉ hỗ trợ thành viên vay vốn với thời hạn dài (60 tháng) với lãi suất ưu đãi (0.5%/tháng) để xây dựng công trình phụ mà còn tổ chức các chương trình truyền thông về vệ sinh môi trường, giúp người dân nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Với những nỗ lực không ngừng, sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quỹ, trong nhiều năm liền, Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh được Ngân hàng nhà nước- Quỹ City bank, Tổ chức tài chính Vi mô Việt Nam vinh danh, trao tặng 5 năm liên tục danh hiệu "Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu City- Việt nam". Ngoài ra còn có 2 cán bộ được trao tặng danh hiệu "Cán bộ tín dụng xuất sắc" và 9 thành viên được vinh danh và trao tặng "Doanh nhân vi mô tiêu biểu". Với tất cả thành quả đó, ngày 10/9/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh.

Với tính thiết thực của các sản phẩm vay, với sự nhiệt tình tận tâm của các bộ quỹ, những phụ nữ nghèo trên khắp các vùng quê đã vượt lên được sự mặc cảm, tự ti để mạnh dạn vay vốn, táo bạo đầu tư làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Bằng con tim, bàn tay và khối óc của mình, những người phụ nữ giản dị, mộc mạc đã trở thành những người nông dân sản xuất hàng hoá giỏi giang. Không ít người trong số họ đã thoát nghèo bền vững thậm chí trở thành triệu phú, tỷ phú, trở thành tấm gương sáng cho nhiều người học tập.

Anh Hoài


    Ý kiến bạn đọc