Thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái những thành công
EmailPrintAa
09:23 26/10/2015

Thu hút đầu tư nước ngoài là yếu tố hết sức quan trọng để huy động nguồn lực, mở rộng hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và cơ chế chính sách nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nói chung và nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.

Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đến nay đã có trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt đầu tư tại Hà Tĩnh, thu hút được 64 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký lên đến 20 tỷ USD, trong đó Dự án Khu liên hợp luyện cán thép và Cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa - Đài Loan có vốn đầu tư giai đoạn I là 10,580 tỷ USD, giai đoạn II 16 tỷ USD; vận động và thu hút được 45 chương trình, dự án phát triển chính thức (ODA), gần 100 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Chỉ tính giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt 287.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nước ngoài chiếm đến 71,51%. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, vốn nước ngoài đạt 36.750 tỷ đồng (1,75 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 79,7% tổng vốn đầu tư, tăng 62% so cùng kỳ. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

 
Tàu FPNC cập cảng Vũng Áng tháng 10/2015. Ảnh: PV  

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực sự đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong công nghiệp, tăng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuât phân phối điện, khí đốt từ 66,43% (năm 2010) lên 69,69% (năm 2015), giảm dần công nghiệp khai khoáng từ 17,77% (năm 2010) xuống 5,59% (năm 2015); hình thành nhiều ngành kinh tế công nghiệp mũi nhọn như: luyện thép, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến giai đoạn 2011-2015 tăng 38,3%, vượt kế hoạch Đại hội (KH 35%).

Giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được nâng cao, giai đoạn 2011-2015 giá trị xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu và cảng biển trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,911 tỷ USD, riêng năm 2015 ước đạt 3.34 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 34,6% cao gấp 3,4 lần so với gia đoạn 2006-2010.

Vốn đầu tư từ nước ngoài đã tạo thêm nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm, tăng năng suất và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra việc làm cho trên 45.000 lao động, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2010; cơ cấu lao động đã có sự chuyển biến, giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của người dân, bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, từng bước tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tiếp cận hoạt động chuyển giao công nghệ; hình thành và phát triển một số ngành kinh tế chủ lực của địa phương như: Luyện thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu… Đặc biệt, dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã kéo theo các dự án vệ tinh, các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho dự án nên số lượng doanh nghiệp và các dự án đầu tư tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.800 doanh nghiêp, chi nhánh và văn phòng đại diện; gần 900 HTX hoạt động kinh doanh; thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Tĩnh với 426 dự án (có 362 dự án đầu tư trong nước và 64 dự án đầu tư nước ngoài).

Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Giai đoạn 2011 - 2015 đã vận động thu hút được trên 30 chương trình, dự án ODA với giá trị đầu tư 7.600 tỷ đồng, đưa tổng số các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn lên 45 dự án với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng; hơn 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động và đã tài trợ trên 260 chương trình, dự án trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, chống biến đổi khí hậu…

Vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2011-2015 thu ngân sách ước đạt trên 40 ngàn tỷ đồng, năm 2015 dự kiến đạt trên 15.000 tỷ đồng tăng gấp 10 lần so với năm 2010, tạo nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án có tính công nghệ nguồn; hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra chậm và không rõ nét; tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Một số tác động lan tỏa khác như: gia tăng cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đối với khu vực doanh nghiệp trong nước hay việc hình thành chuỗi cung ứng và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế.

Để tiếp tục thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thời gian tới cần có các giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả và có tính thực thi cao.Đó là: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện tốt công tác lập và quản lý quy hoạch để thu hút đầu tư; cải tiến một cách căn bản phương thức thu hút đầu tư theo hướng từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa; tập trung hoàn thiện đồng bộ kết cấu cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng dịch vụ, xã hội; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Trần Tú Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc