Thực trạng và giải pháp cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay 2033
EmailPrintAa
09:08 26/10/2015

Quán triệt quan điểm: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hà Tĩnh đã được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Công tác quản lý nhà nước về dạy nghề từ tỉnh đến cơ sở từng bước được tăng cường; kịp thời tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về dạy nghề; kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đối với các cơ sở đào tạo nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 3 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 17 trung tâm dạy nghề và 3 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ngày càng được tăng cường; đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề từng bước được chuẩn hóa, tăng số lượng và nâng cao chất lượng, đã huy động được một số cán bộ kỹ thuật đang công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành bộ chương trình dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán sản xuất của người lao động và chỉ đạo thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

  Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/QĐ- UBND, ngày 11/2/2014 Quy định về việc phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó phân cấp rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn. Theo đó, ngay từ đầu năm các huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nội dung cụ thể, rà soát nhu cầu, xác định chỉ tiêu, ngành nghề gắn với đề án tái cấu trúc nông nghiệp, đề án phát triển sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, đơn vị; các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đào tạo các nghề nông nghiệp gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của tỉnh, của từng địa phương và gắn với các mô hình phát triển sản xuất theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã, phường, thị trấn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã công khai danh sách số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo các chính sách của Đề án, các cơ sở có đủ năng lực và điều kiện dạy nghề để các địa phương chủ động lựa chọn, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tổ chức ngày hội tư vấn học nghề và việc làm giúp người dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của việc dạy nghề, học nghề.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp tích cực, trong 5 năm qua, đã có 31.822 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, gồm 11.021 lao động học nghề phi nông nghiệp người và 20.801 lao động học nghề nông nghiệp người. Trong đó, đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác (nhóm đối tượng 1) có 8.347 người, chiếm 26%; lao động thuộc diện hộ cận nghèo (đối tượng 2) có 3.717 người, chiếm 12%; lao động nông thôn khác (đối tượng 3) có 19.758 người, chiếm 62%, với tổng kinh phí 51.170 triệu đồng. Việc đào tạo nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp cũng được chú trọng, các cơ sở dạy nghề đã hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp với số lượng 1.462 lao động, đồng thời có 649 lao động được hỗ trợ đào tạo theo hình thức truyền nghề, kèm nghề và bố trí việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng lúa, đậu, lạc, vừng, trồng rau sạch, trồng hoa, kỹ thuật hàn, điện, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp và giúp việc gia đình... Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác để tăng kinh phí và hiệu quả dạy nghề, huy động tổng hợp các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư trên địa bàn như Dự án IMPP, Dự án CB-TREE, Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg với số lượng 3.284 người. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp người dân được tiếp cận những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích. Nhiều học viên sau các lớp học nghề điện dân dụng, cơ khí nông nghiệp đã tự thiết kế, tính toán, lắp đặt mạng điện trong gia đình, áp dụng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn, tăng tuổi thọ dụng cụ thiết bị sử dụng trong sinh hoạt, biết cách bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng thông thường cho các loại máy móc, công cụ phục vụ sản xuất. Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Cùng với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sau đào tạo đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 23.9% năm 2011 xuống còn 7.42% năm 2014.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho người lao động. Sau học nghề đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc làm, dạy nghề ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp nên chưa phát huy được đặc thù, thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất ở địa phương để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; nguồn ngân sách địa phương thực hiện chương trình còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương thiếu thường xuyên, thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở một số địa phương còn thiếu tính cụ thể, giải quyết việc làm cho lao động chuyển đổi nghề sau đào tạo còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới, thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012

Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị số 51-CT/TU, ngày 18/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc làm, dạy nghề.  

Thứ hai, Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng tăng cường bài giảng tích hợp, phát huy năng lực, tăng cường tính chủ động, tích cực của người học nghề. Nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc điểm vùng miền, đề án tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và điều kiện của người học nghề.

Thứ ba, Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng; chuẩn hoá trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề; thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề, nông dân sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Thứ tư, Xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong hoạt động dạy nghề; thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng của thiết bị dạy nghề được đầu tư, xây dựng các phương án đảm bảo sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả.

Thứ năm, Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề. 

Thứ sáu, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện kiểm tra, giám sát đối với từng lớp đào tạo trước khi mở lớp, trong quá trình đào tạo, việc sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách của nhà nước đối với người học nghề, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo của người học góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động ở nông thôn hiện nay.

Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH


    Ý kiến bạn đọc