Tuổi cao ý chí càng cao
EmailPrintAa
08:38 26/10/2015

13 năm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Xuyên, 5 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội người bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Cẩm Xuyên; bước sang tuổi xưa nay hiếm (77 tuổi), dù được nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài, trăn trở với hoạt động hội. Người chúng tôi đang nhắc đến là cựu chiến binh Nguyễn Đình Lộc (khu phố 4, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên).

Ý chí người cựu chiến binh…

Năm 1962, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Đình Lộc xung phong vào chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum..

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được điều về biên giới Tây Nam, làm Tham mưu phó tỉnh Kiên Giang, chỉ huy chiến đấu ở Thạch Động, Hà Tiên. Tháng 1-1979 chuyển về làm Lữ trưởng Lữ đoàn Pháo binh Quân khu 9... Sau đó, về Lữ đoàn 455 - Bộ Tư lệnh. Năm 1981, ông được cử đi học đào tạo tham mưu chiến dịch chiến lược, tốt nghiệp ra trường lại được phân công về làm Lữ trưởng Lữ đoàn Pháo binh Quân đoàn 1 trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Đến giữa năm 1990, do sức khỏe yếu vì vết thương tái phát, ông xin nghỉ hưu trở về địa phương.

Trong suốt gần 20 năm tham gia đánh giặc ở hầu khắp các chiến trường, đã có không biết bao lần ông bị thương tích từ đạn bom. Để đến bây giờ, khi rời quân ngũ về quê hương ông là thương binh hạng 2, mang trong mình chứng tích của chiến tranh là những vết sẹo và một viên đạn nằm trong đầu gối.

Với ông Lộc, được trở về là may mắn tột cùng so với nhiều đồng đội đã phải nằm lại nơi chiến trường. Ông cũng thấu hiểu hơn ai hết những đau thương, mất mát này. Chứng kiến nỗi đau mà đồng chí, đồng đội mình rồi gia đình, người thân của họ phải gánh chịu từ hậu quả nặng nề do chiến tranh, ông Lộc lại miệt mài với công tác ở Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi huyện Cẩm Xuyên.

 Nặng lòng với nạn nhân da cam

Được làm việc, được cống hiến sức lực của mình trong công tác Hội là cơ hội để tôi xoa dịu nỗi đau, tri ân đồng chí, đồng đội đã từng chiến đấu. Tôi phải làm và làm thật tốt vai trò của mình” - Ông Lộc chia sẻ.

Bởi vậy, ngay khi trở về quê hương, ông nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Xuyên. Đến năm 2003, do mắc bệnh hiểm nghèo ông buộc phải viết đơn xin nghỉ công tác. Năm 2008, huyện Cẩm Xuyên thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông được bầu là người đứng đầu tổ chức này. Sau 5 năm công tác, năm 2013, ông Lộc được nghỉ hưu. Mặc dù đã về nghỉ chế độ, nhưng ông chưa bao giờ nghỉ việc. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn dõi theo từng hoạt động của Hội và sẵn sàng kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các hội viên những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Người dân Cẩm Xuyên vẫn luôn nhắc nhau về hình ảnh ông Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam người cao gầy, không quản nắng mưa, quên cả ốm đau, bệnh tật, ngày ngày cần mẫn trực tiếp đến gần 2.200 hộ dân có người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC ở 230 thôn, xóm trên địa bàn toàn huyện để tìm hiểu hoàn cảnh từng đối tượng, xác định đối tượng nào đủ điều kiện, rồi về phối hợp với Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện, tỉnh làm hồ sơ hưởng chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước cho họ.

Tuổi đã cao nhưng tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với những nạn nhân chất độc da cam trong ông không hề giảm. Ông đọc vanh vách những con số liên quan đến nạn nhân, ông nhớ rõ từng hoàn cảnh, từng đối tượng. Ông kể: “Trong số 2.163 gia đình tôi đến có 1.865 gia đình cựu chiến binh có người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tôi đến từng nhà, rà từng đối tượng và đã giúp đỡ được gần 700 đối tượng hưởng chính sách, đồng thời, kiên quyết loại bỏ những hồ sơ khai không đúng”.

Không những thế, ông còn tìm mọi cách để kêu gọi, vận động sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đến với những mảnh đời mang trong mình nỗi đau da cam. Ông tự bỏ kinh phí một mình lặn lội từ Nam ra Bắc xin tài trợ, số tiền giúp đỡ các nạn nhân, gia đình nạn nhân đến nay lên đến gần 10 tỷ đồng bằng các việc cụ thể như: xây dựng nhà tình nghĩa, trao tặng quà, xông hơi, giải độc cho nạn nhân, mở các lớp dạy nghề cho người khuyết tật...

Đặc biệt hơn, chính ông Lộc cũng là người dành nhiều công sức kêu gọi cộng đồng, góp phần xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề nạn nhân chất độc da cam tỉnh (đặt tại Thị trấn Cẩm Xuyên); trở thành ngôi nhà chung của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Bằng tất cả tấm lòng của mình, ông đã và đang thắp lên nguồn sáng cho biết bao gia đình, trả lại nụ cười, niềm hạnh phúc cho những số phận không may bị nhiễm chất độc da cam.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: Anh Lộc thực sự là hình ảnh người cán bộ Hội mẫu mực để chúng tôi học hỏi. Tâm huyết, trách nhiệm, hết mình vì nạn nhân không chỉ lúc đương nhiệm mà bây giờ khi về hưu, anh vẫn luôn sát cánh cùng hoạt động Hội, giúp Hội kết nối với các mạnh thường quân. Anh còn đề xuất nhiều giải pháp, lời khuyên ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Hội.

Trong số hàng ngàn nạn nhân CĐDC mà ông Lộc trực tiếp cứu giúp, trường hợp em Nguyễn Thị Oanh (SN 1992, ở xóm 1, xã Cẩm Vịnh) khiến ông cảm động nhất. Bố đẻ của Oanh đi bộ đội bị nhiễm CĐDC nặng, lấy vợ sinh ra 3 người con đều bị dị tật, dị dạng (2 người đã chết, chỉ còn lại Oanh với khối u khổng lồ bao trùm gần hết cả khuôn mặt, Oanh học rất giỏi và chăm ngoan). Thương cảm cho gia đình, ông Lộc chạy vạy vay mượn tiền rồi tìm đến các cơ quan thông tin đại chúng nhờ đăng tải tin tức, hình ảnh kêu gọi giúp đỡ. May mắn đến, khi có 2 bác sĩ người Hàn Quốc liên lạc sang Việt Nam tìm tới gia đình hỗ trợ phẫu thuật miễn phí gần 200 triệu đồng cắt bỏ khối u trả lại khuôn mặt gần bình thường cho cháu. Ông cũng là người xin cho Oanh theo học lớp văn thư, vi tính và còn hỗ trợ 13 triệu đồng mua cho Oanh một máy tính xách tay. Cô bé bệnh tật ngày nào nay trở thành giáo viên dạy tin ngay tại Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC tỉnh.

Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, di chứng bệnh tim hành hạ nhưng người cựu thương binh vẫn canh cánh với hoạt động của Hội. Mỗi khi có điều kiện, ông Lộc vẫn tiếp tục kêu gọi nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước giúp đỡ các nạn nhân da cam. Nhận vô số bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến cơ sở, được vinh danh là gương điển hình thi đua yêu nước toàn tỉnh và sắp tới ông cũng là một trong những gương điển hình đại diện cho Hà Tĩnh dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc nhưng với ông Lộc hạnh phúc không chỉ ở đó. Dường như cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc của ông là khi được đi, được san sẻ, được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Thu Hà


    Ý kiến bạn đọc