“Hà Tĩnh phải nỗ lực hơn nữa để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”(*)
EmailPrintAa
10:40 14/12/2015

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tình cảm đặc biệt dành cho Hà Tĩn, đã có bài phát biểu quan trọng. Tạp chí Thông tin - Tư tưởng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thưa các đồng chí!

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã kế tục, phát huy được truyền thống đoàn kết, trí tuệ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để đưa Hà Tĩnh vươn lên và đạt những kết quả vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Một nhiệm kỳ để lại nhiều dấu ấn đậm nét là đã tạo ra sự bứt phá, quyết liệt với những thành tựu to lớn, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc phát triển của tỉnh nhà trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

Tại Đại hội này, tôi xin trao đổi với các đồng chí một số vấn đề sau: Về tốc độ tăng trưởng của Hà Tĩnh thời gian qua luôn đạt 18, 19, 20 và trên 20%, như vậy, bình quân 5 năm trên 18%. Những con số này đã được các bộ, ban, ngành công nhận. Điều đó phản ánh đúng với thực tế của Hà Tĩnh, vì Hà Tĩnh đi lên từ một tỉnh nghèo. Năm năm trước, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi đã thay mặt Bộ Chính trị vào chỉ đạo, cùng thảo luận với các đồng chí về vấn đề: Hà Tĩnh có phải là một tỉnh nghèo không? Có phải là tỉnh nông nghiệp không? Có phải là tỉnh nông dân là chính không? Hay là cứ hăng hái tiến theo con đường công nghiệp, bỏ rơi nông nghiệp?... Và sau thảo luận, Đại hội đã thẳng thắn xác định: Hà Tĩnh là tỉnh còn nghèo, phải làm nông nghiệp, phải xây dựng nông thôn mới, phải phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, phải cơ cấu lại… và làm cho đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng chỉ mới 5 năm, Hà Tĩnh trở thành một tỉnh gần trung bình của cả nước. Từ tỉnh nghèo thành trung bình, đây là một thành quả vượt bậc và hết sức có ý nghĩa. Vì thu nhập bình quân đầu người của chúng ta trước khi bước vào Đại hội mới đạt 17, 18 triệu đồng, đến nay đã đạt trên 44 triệu đồng, như vậy là tăng gần gấp ba lần. Trong đó, bình thu nhập bình quân của bà con nông dân là dưới 10 triệu đồng, nay là trên 20 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở hạ tầng từ đô thị đến xây dựng nông thôn mới đều phát triển, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; công nghiệp phát triển rất nhanh. Năm 2015, thu ngân sách của tỉnh gấp 7,6 lần so với năm 2010. Đầu nhiệm kỳ, chúng ta có con số 700, 800 tỷ đồng, bây giờ đã có con số trên 15.000 tỷ đồng - Đây là một sự nhảy vọt, vượt bậc. Những con số biết nói ấy là rất đáng tự hào. Có được thành tựu quan trọng đó là nhờ vào Đảng lãnh đạo, cả hệ thống chính trị nỗ lực, vào cuộc quyết liệt. Nhưng những người trực tiếp làm nên thành quả đó chính là nông dân, công nhân, người lao động, đội ngũ trí thức. Chúng ta được người dân cử ra đại diện để lãnh đạo, để tổ chức thành phong trào, làm sao cho toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới, cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thành công đó, mới thực sự có ý nghĩa. Và những thành công quan trọng này cũng là những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta.

Hiện nay, nếu nói Hà Tĩnh là tỉnh trung bình. Vậy chúng ta đánh giá, kiểm điểm xem thế nào? Đời sống dân ta thế nào? Bởi nói đến tỉnh, là phải nói đến dân, là phải nói đến đời sống Nhân dân, phải tập trung tất cả vì dân. Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đảng ta gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về sự lãnh đạo của mình, về quyết định của mình. Mọi tổ chức và đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng bộ phải tính xem đời sống Nhân dân Hà Tĩnh thế nào và tập trung thảo luận để xem Hà Tĩnh hiện nay đang đứng ở mức nào? Tôi xin trao đổi thế này: thu nhập bình quân theo đầu người cả tỉnh hơn 40 triệu đồng, cả tỉnh có 20% dân số có thu nhập trên 60 triệu đồng, 20% dân có thu nhập là 40 đến 60 triệu đồng, còn lại là thu nhập dưới 40 triệu đồng. Trong số 40 triệu đồng đó, nếu cứ tính dưới tính lên: 5% là nghèo, 9% là cận nghèo, 20% đang dưới 15 triệu, thậm chí dưới 10 triệu; 20% còn lại là 40 triệu. Nông dân bây giờ vẫn còn là 60 - 70%, bình quân thu nhập đầu người trong nông nghiệp mới hơn 20 triệu; như vậy, 1/3 là trên 20 triệu, 1/3 là dưới 20 triệu đến 10 triệu, 1/3 trong số đó là dưới 10 triệu… Như vậy, tỉnh ta đã giàu chưa? Đã khá giả chưa? Đã thực tế chưa?

Ngân sách Trung ương vẫn đang tài trợ cho Hà Tĩnh cân đối là 70% và theo xu hướng rút dần và bây giờ gần đảo ngược được con số đó. Đến năm 2015, Trung ương chỉ tài trợ cho Hà Tĩnh khoảng 30%,  như vậy, có nghĩa là tỉnh ta vẫn là tỉnh đang được Trung ương trợ cấp. Về lĩnh vực công nghiệp, các đồng chí đã làm được đúng như đồng chí Trưởng Ban quản lý các Khu Kinh tế tỉnh trình bày hay chưa? Những cái làm được thì rõ ràng chúng ta đã thấy, nhưng những cái đang làm sẽ còn nhiều khó khăn như: Công nghiệp sau thép, công nghiệp sau dầu, công nghiệp phụ trợ… để sản xuất ra vật tư, nguyên liệu, máy cái, máy con… cho khu vực, cho cả nước. Giải quyết được  những khó khăn đó thì công nghiệp của chúng ta mới có thể trở thành động lực cho vùng và cho cả nước.

Có thể khẳng định rằng, Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc, đã có những chuyển biến rất tích cực và đạt thành quả rất to lớn. Nhưng cho đến nay, thành quả ấy xét về mặt cân đối, bền vững thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, như: môi trường đầu tư thế nào? Mỏ titan đào lên bây giờ giải quyết xong chưa? Toàn bộ khu khai thác gang thép, quặng đó bây giờ thế nào? Vấn đề nước giải quyết thế nào rồi và sẽ giải quyết thế nào?... Một hiện trạng cứ lụt lên là Hà Tĩnh đầy nước, mưa lớn là ngập đường, đi lại rất khó khăn, kể cả khi đi cứu trợ đồng bào vùng lũ. Do đặc điểm địa hình của chúng ta gần biển, cửa sông lớn, hết lụt là hết nước ngọt, hạn lại cứ vẫn hạn, nắng lại cứ vẫn nắng; hệ thống nước ngọt của chúng ta đã đi ngang chưa hay vẫn đi dốc; hệ thống nước đảm bảo cho trồng trọt, sinh hoạt đã đủ chưa? Làm sao để nước dâng lên thì ta giữ lại được nước ngọt, mùa hạn cũng có nước để dùng, nước luôn luôn chảy trên cánh đồng của chúng ta; ba huyện miền cao cũng như mấy huyện đồng bằng làm thế nào để nước không chảy ra biển. Môi trường, rác thải đã xử lý đảm bảo chưa? Chúng ta chưa hội tụ đủ các yếu tố để khẳng định là một tỉnh có môi trường công nghiệp cân đối, yên tâm được, phát triển bền vững được. Mặc dù 5 năm đạt được nhiều thành quả, nhưng mà chung lại tỉnh ta vẫn còn nghèo.

Chúng ta có thể tự hào những việc chúng ta làm được, nhưng tốc độ phát triển, mức độ giàu có chưa thể tự hào và yên tâm được. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhất là các đồng chí trong Ban Chấp hành mới. Các đồng chí trong Ban Chấp hành cũ đã làm tròn, làm tốt trách nhiệm, bây giờ đến lượt các đồng chí trong nhiệm kỳ mới này phải làm sao cho Hà Tĩnh từ một tỉnh trung bình nhưng còn nghèo phấn đấu vươn lên trung bình, trung bình khá. Như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói:“đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Tức là đời sống vật chất và tinh thần ai cũng được bình đẳng như nhau thì mới gọi là tỉnh trung bình được. Rồi chúng ta phải phấn đấu lên trung bình khá, với điều kiện năm 5 tới đạt được các chỉ tiêu mà Đại hội lần này đã đề ra. Và từ mức trung bình khá phải phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh giàu có, văn minh, văn hoá hiện đại. Con đường đã chọn, tư duy phát triển của Hà Tĩnh trong thời kỳ mới được nêu trong Báo cáo chính trị là rất đúng: Phát triển nhanh hơn, phát triển bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại. Công nghiệp hiện đại tức là phải bền vững, phải năng suất cao, chất lượng cao và cạnh tranh tốt; hội nhập quốc tế được, đứng vững được trên chính mảnh đất quê hương của chúng ta mà phát triển.

Hà Tĩnh  có một nền văn hóa tốt, một nền dịch vụ tốt, có một nền công nghiệp tốt. Công nghiệp hiện đại là công nghiệp ở trong nông nghiệp, lâu nay chúng ta đã đi đúng hướng, đưa doanh nghiệp vào cuộc, đưa trình độ khoa học công nghệ vào, đưa chế biến và các giống mới vào trong trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo đất cát để trồng rau, củ quả và cho hiệu quả rất tốt… Thì tới đây phải tiếp tục đưa công nghiệp, đưa chất xám, đưa năng suất chất lượng cao vào nông nghiệp nữa. Bởi vì sản phẩm nông nghiệp bây giờ phải có khả năng cạnh tranh cao, muốn thế phải đưa công nghiệp vào nông nghiệp, phải đưa công nghiệp vào các ngành dịch vụ của tỉnh. Công nghiệp trong du lịch sẽ ra sao, nếu các bãi cát ven biển cứ trồng rau củ quả? Phải thực hiện tốt bài toán quy hoạch, vì nếu không thì bãi biển Hà Tĩnh chỉ toàn rau, củ, quả và chăn nuôi thì du lịch biển còn đâu? Về du lịch đến giờ này, Hà Tĩnh đã có khách sạn nào 5 sao chưa? Về khai thác nguồn lợi hải sản, Hà Tĩnh đã có các đội đánh bắt xa bờ chưa? Về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, toàn bộ hệ thống chính quyền, doanh nghiệp, bộ máy… đã internet và điện tử hóa chưa? Điện và hệ thống hạ tầng điện đã tốt chưa? Nguồn nước và hệ thống thuỷ lợi đã đảm bảo tưới tiêu và yên ổn chưa? Đừng đề thuỷ lợi thành “thuỷ hại”?!). Công nghiệp trong nông nghiệp, công nghiệp trong các ngành dịch vụ đều phải phát triển và công nghiệp trong công nghiệp. Công nghiệp hóa công nghiệp thì chúng ta phải sản xuất được ngành cơ khí. Nghĩa là từ thép phải thành máy cái, máy con, máy phay, máy bào, máy cày, máy thuỷ điện…những sản phẩm này phải phục vụ các ngành công nghiệp, các nhà máy trong tỉnh, trong vùng, trong cả nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế… Đó chính là mục đích phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.

Chúng ta phải tính xem, công nghiệp hiện đại ở tỉnh ta trong vòng 5 năm, 10 năm, 20 năm tới sẽ như thế nào, làm bằng cách nào? Tôi đề nghị, Đại hội tập trung trí tuệ, thảo luận, làm rõ.

Trước hết, cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, làm sao người nông dân, công nhân, kỹ sư, trí thức hiểu được công nghiệp hiện đại mà các đồng chí định làm và chúng ta phải làm được, các ngành phải làm được thì Nghị quyết của chúng ta mới đi vào cuộc sống.

Đại hội lần này chúng ta có một thay đổi nhân sự đáng kể, có một sự kế thừa của lớp sau đối với lớp trước và thay đổi cũng khá nhiều. Trong Đảng, công tác lãnh đạo là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Trong quá trình thay đổi nhân sự như vậy, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường gắn bó hơn, đoàn kết hơn, xây dựng Đảng mạnh hơn. Đoàn kết trong Ban Thường vụ, đoàn kết trong Ban Chấp hành, đoàn kết trong Đảng để có thể phát huy được trí tuệ tập thể, tạo ra được tư duy mới trên nền Nghị quyết Đại hội thì chúng ta sẽ tạo ra được sức mạnh tập thể tốt như Bác Hồ từng căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công”. Điều đó đã được lịch sử cách mạng Việt Nam khẳng định qua nhữngthành quả đạt được và lịch sử cách mạng của Hà Tĩnh cũng đã chứng minh rõ. Lần này,các đồng chí trong Ban Chấp hành mới phải tự mình nỗ lực vươn lên, tự mình tư duy và phải nói cho dân biết bao giờ thì tỉnh ta lên được mức trung bình, mức khá, và mức giàu có, văn minh, hiện đại. Sau này triển khai Nghị quyết cũng vậy, chúng ta luôn luôn phải đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên, luôn phấn đấu phục vụ vì Nhân dân và vì Nhân dân mà phục vụ, mà làm việc…

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Để phát triển đô thị, thì bản đồ của Hà Tĩnh trong năm 5 tới, 10 năm tới phải vẽ lại cho một tỉnh phát triển bền vững, cho một tỉnh khá của cả nước, cho một tỉnh giàu có, văn minh và hiện đại. Vậy thì chỉ có nông thôn, có đô thị, có vùng biển, có đồi rừng thôi. Chúng ta phải thiết kế, tính toán hạ tầng, phát triển căn cơ. Đã gọi là hiện đại thì cái nhà của nông dân bây giờ cũng phải tính, quy hoạch phải tính khác, không giống như tiêu chí nông thôn bây giờ, tiêu chí bây giờ cũng mới chỉ được 30%. Còn tiêu chí một nông thôn văn minh, hiện đại trong một tỉnh giàu có văn minh, hiện đại khoảng chừng đến năm 2040, 2050, thì ngay từ bây giờ, chúng ta đã phải tính. Tính từ việc quy hoạch, việc phát triển đô thị, nông thôn. Đô thị văn minh, nông thôn mới hiện đại là thế nào? Giữa đô thị và nông thôn phải gắn kết thành một bản đồ liên tục, đưa yếu tố du lịch, văn hoá, con người vào… Để vùng nào đã đạt nông thôn mới thì tiếp tục xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh. Văn minh từ con người, văn minh từ trong nhà, văn minh thôn, xóm, xã, huyện… Cả tỉnh bây giờ thành nông thôn mới, thì cả tỉnh đã đạt trung bình khá rồi, nếu được văn minh hiện đại nữa thì tỉnh ta trở thành tỉnh giàu có, văn minh, hiện đại. Các đồng chí tính xem đến năm 2020, tỉnh ta đã được như mức mục tiêu đặt ra, 2030 có được trung bình khá với cả nước không? 2050 giàu có, văn minh hiện đại được không?...

Tinh thần của Hà Tĩnh là tinh thần của một quê hương cách mạng, của một quê hương giàu truyền thống văn hoá, địa linh nhân kiệt. Đội ngũ lãnh đạo của Hà Tĩnh là đội ngũ lãnh đạo kiên cường qua nhiều thế hệ, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Điều đáng mừng là đội ngũ lãnh đạo bây giờ có sức bật, sức trẻ. Trình độ đại biểu dự đại hội lần này rất cao, hầu hết là trên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; trình độ chính trị ở mức cao. Chúng ta hãy vì sự thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc của đồng bào Hà Tĩnh mà phục vụ. 5 năm một chặng đường, 10 năm một chặng đường, mỗi nhiệm kỳ là một chặng đường vinh dự và vẻ vang. Làm sao để khi trao cờ cho thế hệ sau là vui vẻ, phấn khởi. Điều này chúng ta đã làm được trong nhiệm kỳ, vừa kế tục nhiệm kỳ trước vừa thể hiện được rõ nét. Nhiệm kỳ sau phải tiếp tục phát huy, trao cờ phấn khởi là phải có của ăn, của để. Có như vậy chúng ta mới thành công.

Cuối cùng, tôi đề nghị Đại hội cần thảo luận: làm thế nào để Nghị quyết này 5 năm tới được thực hiện thành công. Đại hội trước chúng ta nói còn nghèo, phải xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn mới, nhưng bây giờ chúng ta đã thành tỉnh non trung bình, thì chúng ta nói là thành công. Còn 5 năm tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII làm báo cáo trước Đảng, trước dân, nói được thành công mới là bước đi ngoạn mục. Chặng đường tới rất khó khăn và đầy thử thách, tôi mong các đồng chí nỗ lực, phấn đấu để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng hiện đại trong 5 năm tới. Lúc đó chúng ta gặp nhau ở đây, được nghe Ban Chấp hành báo cáo: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã được Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn các đồng chí!

                                                                   B.B.T

____________________

(*) Tít bài do Ban Biên tập đặt


    Ý kiến bạn đọc