Rèn luyện phẩm chất đạo đức là nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng
EmailPrintAa
10:32 14/12/2015

Có thể nói vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra thường xuyên, được nêu ra trong các văn kiện của Đảng và vận dụng vào việc xem xét tư cách cán bộ, đảng viên trong thực tiễn. Lần này gắn với những bổ sung về kinh tế, văn hoá, xã hội…, trong tiến trình hoàn thiện sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã bổ sung một nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng đó là trong điều kiện Đảng cầm quyền phải chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là điểm bổ sung phù hợp và cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng.

1. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Trước khi thành lập Đảng, vào năm 1927 khi viết “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề cốt lõi của cách mệnh là: “Phải ít lòng ham muốn về vật chất để giữ chủ nghĩa cho vững”. Đó là sự đảm bảo cho người cách mạng khỏi biến chất về chính trị và đạo đức. Khi Đảng mới giành được chính quyền, từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra câu hỏi với cán bộ lãnh đạo: “Ăn ngon, mặc đẹp, sống xa xỉ, lãng mạn thiết hỏi tiền bạc đâu ra?”. Sau này trong tác phẩm: “Sửa đổi lề lối làm việc” (năm 1947) Hồ Chí Minh đã nêu ra 12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính, quy tụ lại cũng lấy đạo đức làm cốt lõi. Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người đã nêu ra một định nghĩa ngắn gọn về Đảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Là một Đảng lãnh đạo cách mạng, theo Hồ Chí Minh trước hết là phải xây dựng đạo đức cách mạng, phải lãnh đạo bằng tấm gương sáng, bằng tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ bằng đường lối, chủ trương mà phải bằng sự gương mẫu về đạo đức, lối sống bằng ứng xử và cư xử đối với đồng nghiệp, đồng chí, với quần chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh không có đạo đức thì Đảng không thể trong sạch, không vững mạnh, không có sức chiến đấu, lúc đó chính trị hay tư tưởng cũng chỉ còn là hình thức, không đủ sức mạnh để thực hiện. Không có những giá trị đạo đức ràng buộc, chính trị cũng chỉ là chính trị suông, thiếu sức thuyết phục và niềm tin trong thực hiện.

2. Trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường càng phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Trước một thực tế mà sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã bộc lộ ra một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm, vô cảm đã ở mức độ báo động; tệ tham nhũng vừa là nguy cơ vừa là quốc nạn đang trở nên phổ biến… nguy cơ đó đe doạ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Đảng ta đã nhận biết và cảnh báo. Vấn đề suy thoái về đạo đức đang đặt ra cho Đảng ta tình huống cần phải được xử lý một cách cấp bách và có hiệu quả. Vì vậy đổi mới tư duy về Đảng hiện nay chính là ở nhận thức thật đúng đắn và đầy đủ xây dựng Đảng về đạo đức. Từ trước đến nay chúng ta nhấn mạnh xây dựng Đảng trên ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, xem đạo đức là một nội dung nằm trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Điều này dẫn đến trong thực tế chưa đặt đúng mức vấn đề đạo đức trong Đảng, nên trước tình hình hiện nay cần phải nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của đạo đức, đưa đạo đức thành một nội dung riêng trong xây dựng Đảng là phù hợp. Vấn đề đạo đức, vấn đề phẩm chất người cán bộ đảng viên, nhất là ở người lãnh đạo gắn liền với niềm tin của nhân dân với Đảng. Khi mà đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ tác động trực tiếp đến niềm tin, điều mà Đảng ta có được với dân tộc với nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng từ khi ra đời cho đến hôm nay, gắn liền với sự sống còn của Đảng trong quá trình cách mạng.

3. Xây dựng Đảng về đạo đức đã được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, Người xem đó là đặc trưng của một chính đảng cách mạng. Người luôn nhắc nhở: “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn”, Người xem đạo đức là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, gắn liền với văn hoá chính trị của Đảng. Lúc nào cũng thế, Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải cần, kiệm, liêm, chính, phải nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, phải trung thực, khiêm tốn, không ham danh vọng, quyền lực. Hồ Chí Minh đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “một tấm gương sáng còn quý hơn trăm bài diễn văn”. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, phấn đấu theo nhũng chuẩn mực đạo đức đó và chính Người tự mình rèn luyện, nêu gương sáng để mọi người noi theo. Bởi theo Người lãnh đạo bằng gương mẫu là cách lãnh đạo thuyết phục nhất, hiệu quả nhất. Noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và từ thực tiễn hiện nay, lần này Đảng ta đưa vào Nghị quyết Đại hội XII nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là sự nhận thức đầy đủ về hoàn cảnh cụ thể, môi trường cụ thể của xã hội gắn với tình hình thực tế của Đảng ta. Với Đảng cầm quyền nhất là khi trong cơ chế thị trường, để đảm bảo cho chính trị và quyền lực chính trị không bị thoái hoá cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, cần làm rõ vai trò của đạo đức cùng với chính trị, tư tưởng và tổ chức trở thành nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng.

4. Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức cần phải nhận thức đúng đắn, có cách làm và biện pháp thiết thực, phù hợp với tình hình và đặc điểm hiện nay, đây là vấn đề cấn được tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện trong thực tiễn.

Trước hết cần khẳng định đạo đức mà chúng ta rèn luyện và tu dưỡng đó là đạo đức cách mạng, đạo đức của người cộng sản chiến đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân, vì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và nằm trong truyền thống đạo đức của dân tộc. Đạo đức đó gắn liền với chuẩn mực giá trị cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư, đối lập với chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa mà từ đó đẻ ra bao bệnh hoạn, nên Hồ Chí Minh yêu cầu phải “quyét sạch”, phải “tẩy bỏ” phải đánh bại căn bệnh đó, “căn bệnh đẻ ra trăm thứ bệnh hoạn, xấu xa, hư hỏng, lỗi thời”. Có như thế thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh được. Trong công tác xây dựng Đảng cùng với những tiêu chí như chính trị phải vững vàng, tư tưởng phải tiên tiến, hiện đại, tổ chức phải đoàn kết, thống nhất, có tính chiến đấu cao thì cần hết sức quan tâm đến đạo đức cách mạng trong sáng.

Xây dựng đạo đức phải gắn liền với tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ Điều lệ Đảng và những qui định đảng viên không được làm. Cần làm cho toàn Đảng nhận thức được xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với sự kiểm tra giám sát của nhân dân, với quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực từ xã hội và người dân, gắn liền với công tác chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên trong Đảng.

Cần có lộ trình để ngăn chặn giải quyết có hiệu quả tình trạng suy thoái về chính trị và đạo đức hiện nay. Trong đó tập trung xử lý những sai phạm, tiêu cực có trọng tâm, trọng điểm cả về tổ chức cả về con người để từng bước đẩy lùi được tệ tham nhũng, lãng phí từ trong cơ chế, chính sách đến thực thi ra xã hội. Cần công khai, minh bạch, kiểm soát và xử lý sự bất minh, bất chính về lợi ích quyền lực, thu nhập kinh tế mà phổ biến là từ lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” đang gây tổn hại cho uy tín của Đảng. Tạo được sự chuyển biến thực sự trong toàn Đảng để khôi phục và củng cố niềm tin của đảng viên, của nhân dân đối với Đảng bằng việc phấn đấu rèn luyện về đạo đức trong toàn Đảng mà đặc biệt hệ trọng là đối với những cán bộ đảng viên giữ trọng trách chủ chốt ở các cấp, như nội dung Nghị quyết TW4 đã nêu. Tấm gương đạo đức trong sáng, công tâm, tận tuỵ, hy sinh hết lòng phụng sự nhân dân của các đồng chí giữ trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó có ý nghĩa thuyết phục và luồng gió thúc đẩy mạnh mẽ về tinh thần đạo đức đối với toàn xã hội. Đảng ta vinh dự và tự hào có được Di sản đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã chỉ dẫn cả về nội dung và phương pháp thực hành đạo đức cách mạng, đã dày công trong việc xây dựng Đảng về đạo đức. Hơn thế Người còn nêu tấm gương sáng tuyệt vời về văn hoá đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Bởi vậy việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thực sự đi vào chiều sâu, phải thực chất và trở thành một nhu cầu văn hoá, một chuẩn mực mang lại kết quả thiết thực trong việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đó không chỉ là yêu cầu nội tại của Đảng, mà còn là điều mong muốn của toàn xã hội.

 

T.S Đặng Duy Báu

 


    Ý kiến bạn đọc