“Chi bộ là gốc rễ của Đảng”
EmailPrintAa
08:37 05/02/2016

Nói về vai trò của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”; rằng “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.
 
Đại hội Chi bộ cơ sở ở Trường THPT Thành Sen. Ảnh: P.V  

Chức năng của chi bộ là lãnh đạo chính trị, khác với điều hành quản lý bằng pháp luật của Nhà nước (chính quyền). Nói đến lãnh đạo chính trị của chi bộ tức là xác định phương hướng, nhiệm vụ, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đôn đốc kiểm tra, giáo dục, thuyết phục đảng viên, quần chúng của chi bộ thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính”.

Theo Người, chi bộ có nhiệm vụ “Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng. Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ. Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân… Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng”.

Trong bài Chi bộ tốt, đăng báo Nhân Dân (ngày 20-11-1963), Người phân tích những kết quả, nguyên nhân của chi bộ tốt là do “nội bộ đoàn kết chặt chẽ. Nghiên cứu kỹ lưỡng và luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và của Đại hội Đảng toàn tỉnh”; đồng thời Bác cũng chỉ ra nguyên nhân, hạn chế của những chi bộ yếu kém là do: “trong chi bộ từ bí thư, thường vụ cho đến đảng viên không đoàn kết nhất trí, cán bộ và đảng viên không gương mẫu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết khái quát nghệ thuật, phương thức lãnh đạo chính trị đúng, sát thực tiễn, sát cơ sở cộng với đảng viên trong chi bộ tiên phong gương mẫu là nhân tố giúp chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vượt qua những khó khăn, thử thách. Người nói: “Nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng tốt”. Bên cạnh đó, Người cũng phê bình nghiêm khắc với những chi bộ yếu kém “Chúng ta cũng phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém. Ở những chi bộ ấy có những đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng”.

Xây dựng chi bộ, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trước tiên, Người yêu cầu: “Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên”. Mở rộng dân chủ kết hợp với tự phê bình và phê bình là phương sách tốt để tìm chọn những ý kiến hay, cách làm mới phù hợp quy luật, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, lọc bỏ những cách làm không đúng.  Đồng thời nhấn mạnh nhân tố tạo nên thành công chính là đoàn kết: “Chi bộ thật thà đoàn kết nhất trí thì lãnh đạo được nông thôn đoàn kết nhất trí”; “từ nay các huyện ủy, thành ủy, tỉnh ủy cần phải đi sâu đi sát đến các chi bộ, cần phải giúp đỡ các chi bộ một cách thiết thực và thường xuyên”- biện pháp không thể thiếu để chi bộ luôn trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đối với chính quyền, đoàn thể quần chúng.

 Nguyễn Thế


    Ý kiến bạn đọc