Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong xây dựng gia đình văn hóa nông thôn mới
EmailPrintAa
09:55 05/02/2016

Nhận thức sâu sắc vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Qua đó giúp hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Xác định trách nhiệm của tổ chức hội trong xây dựng gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho hội viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng dưới nhiều hình thức, trong đó tập trung thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Để giúp chị em phụ nữ xác định được vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình “ No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình văn hóa nông thôn mới, các cấp hội đã làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hòa giải... thông qua các hình thức tổ chức tập huấn, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, hội thi... Nhờ vậy cán bộ, hội viên phụ nữ được nâng cao kiến thức về kỹ năng và nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức nuôi dạy con....

Kế thừa truyền thống và tinh thần ba đảm đang, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động sáng tạo để phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa nông thôn mới thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, định hướng rõ những việc cụ thể để phụ nữ và các thành viên trong gia đình, cộng đồng phấn đấu, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình văn hóa, văn minh, hạnh phúc và bảo vệ môi trường sống của xã hội. Thông qua việc thực hiện nội dung của cuộc vận động sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, thực hiện tốt công tác gia đình và đảm bảo an sinh xã hội, làm cơ sở, nền tảng để đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đồng thời góp phần thực hiện vững chắc các tiêu chí nông thôn mới. Để hỗ trợ các gia đình thực hiện tốt các tiêu chí “5 không 3 sạch”, Hội LHPN tỉnh đã triển khai một số đề án chương trình như: Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”...

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động gắn với hướng dẫn cho hội viên phụ nữ và gia đình họ tự đánh giá việc thực hiện từng tiêu chí, xác định rõ các tiêu chí chưa đạt, nguyên nhân chưa đạt và các giải pháp thực hiện, đồng thời đăng ký xây dựng gia đình đạt các tiêu chí, chuẩn mực được các cấp hội thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nền nếp, nhằm phát huy sự chủ động của các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng trong thực hiện 8 tiêu chí “gia đình 5 không 3 sạch” và 4 chuẩn mực gia đình “ No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Nội dung thi đua xây dựng gia đình đạt 8 tiêu chí và 4 chuẩn mực được gắn với nhiều phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Phong trào tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; “Mái ấm tình thương”; “Nuôi dạy con tốt”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận trong các tầng lớp Nhân dân, các thành phần xã hội có xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, suy thoái về đạo đức lối sống, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và việc nuôi dạy con cái. Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thành lập được 162 mô hình Câu lạc bộ về xây dựng gia đình hạnh phúc như: Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không sinh con thứ 3”, “Gia đình 5 không 3 sạch”;  “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”; “Câu lạc bộ gia đình không có người vi phạm pháp luật”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba”; “Câu lạc bộ khi bố mẹ vắng nhà”; “Địa chỉ tin cậy”, “Câu lạc bộ tình thương”… Thông qua các buổi sinh hoạt đã góp phần giáo dục, vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình, trách nhiệm của phụ nữ và các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với đó Hội luôn quan tâm chăm lo cho hội viên phụ nữ trên các mặt đời sống, việc làm, thu nhập, tổ chức hoạt động “Giúp hộ nghèo có địa chỉ” bằng cách hướng dẫn tổ chức cuộc sống gia đình, lập kế hoach sản xuất, kế hoạch chi tiêu, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn, ngày công, tăng cường huy động nguồn lực, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn để phụ nữ tiếp cận các chính sách.

Với những hoạt động đó, đến nay, nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng về vai trò vị trí và trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng “gia đình hạch phúc 5 không, 3 sạch”, gia đình văn hóa nông thôn mới được nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình đạt gia đình 4 chuẩn mực và 8 tiêu chí “5 không 3 sạch” cuối năm 2015 là 72%, toàn tỉnh đã có 4347 mô hình “Nhà mẫu, vườn mẫu” ; “Nhà sạch vườn đẹp” ; 355 chi hội “ Xanh - sạch - đẹp- an toàn”; 42.633 hộ nghèo, cận nghèo được hội phụ nữ các cấp đăng ký giúp đỡ trong đó có 13.622 hộ thoát nghèo bền vững; 11.547 lao động nữ được học nghề, sau đào tạo các cấp hội đã chủ động tư vấn, hướng dẫn thành lập các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ con giống, máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm và đến nay đã có 1.189 mô hình phát triển kinh tế, 288 tổ hợp tác, 75 hợp tác xã do phụ nữ đứng chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó có 47 mô hình liên kết chuỗi đang hoạt động có hiệu quả, 18.800 hộ nghèo, cận nghèo được hội phụ nữ vận động, giúp đỡ làm công trình vệ sinh đạt chuẩn bộ y tế; 290 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trị giá 7 tỷ đồng đã được các cấp hội trao tặng... Hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc 5 không 3 sạch”, Gia đình văn hóa nông thôn mới đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội, trong cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Tĩnh đã thực sự trở thành nòng cốt tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa nông thôn mới ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với việc vận động,hướng dẫn phụ nữ thực hiện xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình “văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Dương Thị Hằng - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh


    Ý kiến bạn đọc