Tết xưa - Tết nay và bản sắc văn hóa Việt Nam
EmailPrintAa
09:13 05/02/2016

Việt Nam có nhiều cái tết nhưng Tết nguyên đán là Tết lớn nhất của đa số người Việt. Tết nguyên đán là khoảng thời gian vừa hết cữ tháng chạp, tuy mùa xuân đã nhẹ nhàng gõ cửa nhưng cái lạnh giá của đại hàn vẫn còn cố níu lại. Khoảng thời gian giao thời giữa lạnh và ấm, kết thúc và bắt đầu ấy đã tạo nên một không khí đậm đặc của tình cộng đồng, tình thân gia đình, sự cộng cảm giữa thiên nhiên và con người. Cái riêng giao hòa vào cái chung với bao nhiêu nhân ái và thủy chung, niềm tin và hy vọng, đợi chờ và náo nức. Tất cả mọi người đều hướng về gia đình, cội nguồn tổ tiên, giao hòa với đất trời. Chính nét đặc biệt này đã khiến cho Tết Việt, dù là xưa hay nay đều có những điểm chung rất dễ nhận ra.
 

Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Đó là những hình ảnh điển hình của Tết xưa. Dẫu còn nhiều món ăn và vật phẩm khác như: giò chả, giả cầy, cốm, mứt gừng, tò he, tranh Đông Hồ... nhưng 6 thứ điển hình cả về vật chất và tinh thần ấy phục vụ cho một cái tết no đủ, ấm cúng, đầy hy vọng của người dân của một nước nông nghiệp là không thể thiếu. Khi phương thức sản xuất còn lạc hậu, năng suất thấp, mọi thứ đều thiếu thốn thì “thịt mỡ, dưa hành” và “bánh chưng” là phổ biến của mọi gia đình, dù giàu hay nghèo, thậm chí với một số người nghèo là cả một sự phấn đấu tột bậc mới có được. Vì thế mới có chuyện thầy bói “giỏi” đến mức biết được: số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà (ca dao châm biếm). Về hoa và cây cảnh thì một số ít gia đình có đào, có thược dược, lan hoặc quất cảnh nhưng đại đa số gia đình chỉ là hoa giấy. Thời bao cấp, nhà ai có một bình hoa tươi để trang trí, gói bánh quy sữa, kẹo Hải Hà tiếp khách là thuộc dạng vương giả, nói chi đến đủ loại đào thế, đào hồng, đào thắm và muôn hồng ngàn tía các loại hoa, cây cảnh, mứt kẹo, bánh trái như ngày nay. Đó là nói về vật phẩm Tết.

Về các hoạt động tín ngưỡng tết thì xưa hay nay đều giống nhau về tính chất, dù có thể khác nhau về cách hành lễ và lễ vật. Mở đầu là lễ cúng ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp. Lễ này xuất phát từ sự tích ông Bếp và nó cũng rất phù hợp với phong tục người Việt là coi trọng gian bếp, nơi sum vầy no đủ của cả nhà. Với tinh thần nhân văn của một nước có nhiều người dân theo đạo Phật, lễ còn thêm cả việc phóng sinh cá trong quan niệm dùng cá chép tiễn ông Táo về trời. Một lễ rất quan trọng diễn ra vào ngày cuối cùng của năm là lễ cúng ông bà tổ tiên vào trưa hoặc chiều ba mươi Tết. Trước đó con cháu phải lên nghĩa trang thắp hương mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Mâm cỗ trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau là để con cháu ăn một bữa thỏa thuê ngày cuối năm nên khá linh đình, ngoài xôi và bánh chưng thì thức ăn chủ yếu là các món mặn, từ giò, chả, thịt đông, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, giả cầy, cá, đến các loại rau củ xào và không thể thiếu dưa hành, dưa cải có vị chua làm giảm sự ngầy ngà của các loại mỡvà món canh để dễ ăn. Sự bày biện mâm cỗ tất niên cũng rất được các bà các cô chú ý sao cho mọi người đều quây quần và dễ gắp đồng thời thể hiện sự tôn trọng người cao tuổi. Mâm cao cỗ đầy tùy gia cảnh nhưng không khí thiêng liêng, sum vầy ấm áp ngày cuối năm là không thể thiếu. Người già vui vì con cháu đông đủ, trẻ con vui vì được áo mới và quà tết, dù chỉ là con tò he, đồng xu đánh đáo hay vài chiếc cặp tóc. Ngày nay cuộc sống đủ đầy, áo quần, đồ chơi không thiếu nhưng tâm lý có áo Tết và tiền lì xì thì trẻ con thời nào cũng như nhau.

Tiếp đó là lễ cúng gia tiên, cúng Phật, cúng trời đất để đón năm mới vào thời khắc giao thừa. Có gia đình thì cỗ xôi con gà, ngũ quả, cau trầu, rượu nước, cũng có gia đình cúng chay theo nghi thức nhà Phật gồm xôi chè, hương đăng, hoa quả. Nhưng dù chay hay mặn, điều không thể thiếu được là sự thành tâm kính cẩn trong cách bày biện và hành lễ, làm sao để trời Phật, long thần thổ địa chứng giám và phù hộ cho gia chủ một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng. Trong thời gian chuẩn bị đón giao thừa, nhiều gia đình nấu bánh chưng, bánh tét, bánh ngào. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong không khí ấm áp, huyền ảo rất đặc biệt của đất trời, trong mùi trầm hương ngào ngạt và tiếng pháo rộn rã vang lên khắp mọi miền quê, người ta cảm nhận được mùa xuân đang tràn vào trong mỗi gia đình và làm lay động từng cành cây ngọn cỏ. Ngày nay, việc đốt pháo đã bị cấm, thay vào đó là những màn pháo hoa rực rỡ lung linh, những chương trình ca nhạc đặc sắc và màn hình tivi, loa đài thì luôn phát đi những bản nhạc sôi động. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn và tin nhắn trên mạng viễn thông, mạng internet thì liên hồi.

Tuy tết xưa nghèo nhưng hội làng tại thôn xóm, làng bản được tổ chức nhiều hơn ngày nay. Tùy theo vùng miền và điều kiện địa lý, có thể là ngày hội đua thuyền, đánh đu, kéo co, đi cầu kiều, thi vật, leo núi hoặc ném còn (miền núi). Cũng có thể là cờ người, cờ thẻ. Nhưng điểm chung là đều thu hút được rất đông người tham gia, đặc biệt là nam thanh nữ tú. Nhà thơ Hồ Xuân Hương nhờ tham gia hội xuân mà có bài thơ “Đánh đu” nổi tiếng:

Trai du gối hạc lom khom cật

Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

Về lễ thì có các lễ tế tổ sư các nghề, lễ hội chùa, đền, lễ hội danh nhân. Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống với gần 100 lễ hội dân gian gồm cả lễ hội chùa đền và lễ hội danh nhân, lễ hội cộng đồng. Hiện nay, nhiều lễ hội được phục hồi như lễ hội đền Bích Châu (Bà Hải), lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Chân Tiên, lễ tế thánh thợ Trung Lương, đua thuyền sông La, hội vật Thuần Thiện... Tuy nhiên, những năm gần đây, lễ đền chùa được người dân hưởng ứng nhiều còn các lễ hội văn hóa mang tính vui chơi giải trí truyền thống thì người tham gia chưa được nhiều. Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật và giải trí trên các phương tiện thông tin đại chúng đã kéo con người rời xa các hội làng truyền thống, trừ các môn thể thao đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền, kéo co.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, ngoài các phong tục Tết của gia đình và dòng họ, rất cần sự nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương để các hội làng truyền thống được duy trì, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và không khí vui tươi sôi nổi tại các làng quê, giúp giới trẻ có một không gian văn hóa hấp dẫn, tránh xa các trò chơi thiếu lành mạnh trên internet.

Một nét đẹp cần gìn giữ của Tết xưa, đó là viết câu đối. Ngày xưa, nhà nào cũng chọn cho mình đôi câu đối đỏ treo chỗ trang trọng nhất với những giá trị tinh thần lớn lao. Ngày nay, nét đẹp ấy không còn. Ngoại trừ các tờ báo vẫn sử dụng câu đối của người cao tuổi thì các gia đình không ai còn sử dụng “câu đối đỏ”và “cây nêu, tràng pháo”. Thay vào đó, gần đây có việc mua các chữ thư pháp “Phúc, Lộc, Thọ”, “Tâm” nhưng cũng chỉ những gia đình trí thức mới có. Những “ông đồ” xưa vì thế trở thành “người muôn năm cũ”.

Tết Nguyên đán cũng là dịp để gia đình, anh em, bạn bè đoàn tụ, nâng cốc chúc nhau sức khỏe và mừng năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc nâng chén chúc nhau trong ngày Tết hiện nay đang bị lạm dụng, nhiều người uống rượu, bia không có chừng mực, dẫn đến tai nạn giao thông hoặc gây gỗ đánh nhau, làm thiệt hại về người và tài sản, làm mất tình cảm anh em, bạn bè, ảnh hưởng đến không khí ngày tết. Vì vậy, mỗi người cần nêu cao ý thức tự biết "tửu lượng" của mình, uống rượu có chừng mực, để bảo vệ sự an toàn cho mình và cho mọi người ngay trong chính hành vi ăn tết, chơi tết. Bên cạnh đó, những người khi đã uống rượu, bia thì không nên tự điều khiển các loại phương tiện lưu thông trên đường, bởi trong dịp Tết người tham gia giao thông rất đông đúc. Nếu mỗi người đều có ý thức thực hiện tốt những điều này sẽ góp phần làm cho ngày đoàn tụ đầu xuân của mỗi gia đình thêm tươi vui, hạnh phúc và sẽ đón cái tết an toàn và tiết kiệm.

Tết xưa, Tết nay, dù đơn sơ hay đủ đầy thì tính chất hướng nội và sự giao hòa với thiên nhiên, tinh thần cộng đồng của người Việt cũng thể hiện rất rõ. Làm sao để Tết Việt luôn là hai tiếng thiêng liêng để mọi người con đi xa luôn muốn trở về và luôn yêu nhớ đất nước Việt Nam thân yêu, đó không chỉ là việc làm của một người mà của rất nhiều người, không chỉ của một nhà mà là của mọi gia đình Việt Nam.

Bùi Minh Huệ


    Ý kiến bạn đọc