Thiên nhẫn - Lục niên thành
EmailPrintAa
09:04 05/02/2016

Ngày xưa các tao nhân, mặc khách mỗi lần về thăm núi Thiên Nhẫn, ai cũng tò mò muốn biết sự lý giải vì sao cổ nhân lại đặt tên cho dãy núi này là "Thiên Nhẫn". Người thì cho xuất phát từ độ cao của núi có đến trên nghìn thước. Người thì dựa vào thế núi điệp trùng, đứng xa trông giống như một lưỡi cưa, có hàng nghìn mũi muốn cưa bầu trời nên gọi là Thiên Nhẫn. Người thì dựa vào truyền thuyết núi có 999 đỉnh,"nghìn mũi nhọn tua tủa chọc lên trời mà gọi là Thiên Nhẫn". Còn dân Hương Sơn lại thường gọi núi Trăm Ngàn. Các cụ xưa lại căn cứ vào câu chuyện "Nghìn con chim phượng về đậu núi này...", đặt cho núi một tên đẹp hơn: Phượng Hoàng sơn (núi Chim Phượng). Lại cũng có người cho rằng Thiên Nhận (nhận dấu nặng) là một nghìn nhận mà mỗi nhận là 6 thước (?).

Cử nhân Phạm Lê Cung, quê làng Tri Lễ (nay là Sơn Tiến), trong Bài ca làng Tri Lễ đã có những câu khái quát về Thiên Nhẫn:

                   Núi non Thiên Nhẫn một dây

                   Tổ sơn vốn tự Tam Thai kéo về

                   Phía Đông Bắc giáp kề tỉnh Nghệ

                   Kề Nam Đàn lại ghé Thanh Chương

                   Phía Tây Đông Lộ gần miền

                   Phía Nam địa phận gần bên Xuân Trì....

Dãy Thiên Nhẫn trải dài trên địa phận bốn huyện, thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bao gồm Thanh Chương, Nam Đàn, Đức Thọ, Hương Sơn. Khởi đầu từ làng Bích Triều (Thanh Chương, Nghệ An), chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và kết thúc ở chân núi Chùa (còn gọi là cụm núi Việt Sơn), cao hơn 50 mét, đứng sát bờ nước bến Tam Soa, ba phía là ba ngôi làng nổi tiếng nhất vùng Tùng Lĩnh - La Giang, đó là làng Đậu Xá và Tân Sơn thuộc huyện Hương Sơn ở phía Tây Bắc, làng Vĩnh Khánh, xã Việt Yên Thượng ở phía Đông và làng Tùng Ảnh thuộc xã Việt Yên Hạ phía Đông Nam. Trong số hàng ngàn đỉnh núi có độ cao bình quân từ 150 đến 200m, bỗng vọt lên ba đỉnh cao nhất mà nhân dân địa phương gọi là "Tam Thai", gồm đỉnh Động Bút cao 240m, đỉnh Động Trọ Voi cao 253m và đỉnh Động Thiên Nhẫn (còn gọi là ngọn Hoàng Tâm) cao 254m. Trong ba đỉnh nói trên thì đỉnh Động Trọ Voi là ngọn động chủ, có địa hình khá hiểm trở, phía Đông và phía Đông Nam có bờ đá dựng đứng cao hơn 20 m, khe nước trong lòng núi chảy qua bờ đá tạo nên một thác nước tuyệt đẹp trông như một tấm lụa bạch, rủ xuống trải dài. Ngoài ra núi Thiên Nhẫn còn có những địa danh đẹp nổi tiếng như: Khe Tằm, chảy từ ngọn Việt Sơn, nước trong mát quanh năm, nhân dân địa phương quen gọi là Khe Tây, vì người Pháp ngày xưa đóng đồn ở Linh Cảm và có đồn mãi tận Núi Thành (Nghệ An) vẫn cho người đến đây lấy nước về dùng. Đặc biệt, do thế núi Thiên Nhẫn trùng điệp như bức trường thành, nên tổ tiên ta ngày xưa thường lấy núi Thiên Nhẫn làm căn cứ chống giặc ngoại xâm.

 

Ngọn Hoàng Tâm, một trong ba ngọn cao nhất, tựa lưng vào sát tả ngạn sông Phố. Trên núi này có thành Lục Niên, nơi đóng bộ chỉ huy tối cao của nghĩa quân Lam Sơn. "Dọc theo dãy núi Thiên Nhẫn là "con đường thượng đạo", đường được dãy núi che khuất. Con đường và dãy núi cùng với đường hào của sông Lam, hình thành một hệ thống phòng thủ tự nhiên mà Lê Lợi đã đóng giữ suốt thời kỳ cuộc "chiến tranh sáu năm", chống tướng quân nhà Minh (1418 - 1423). Thời kỳ ấy chiến trận chính là An - Tĩnh. Từ cuộc chiến đấu này, chỉ huy sở của Lê Lợi đã lấy tên Lục Niên Thành, nghĩa là thành sáu năm" (An Tĩnh cổ lục, trang 161, NXB Nghệ An). Đây cũng là nơi ở ẩn của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), là nơi dựng Sùng Chính viện Nam Hoa dưới thời Quang Trung nhà Tây Sơn, một trung tâm Quốc gia dịch sách chữ Hán ra tiếng Việt. Viện này đã tập trung nhiều học giả nổi tiếng xứ Nghệ như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Tiến sĩ Phan Bảo Định, Nguyễn Công, Nguyễn Thiên...., làm việc dưới sự chỉ đạo của Phu tử La Sơn - Nguyễn Thiếp.

Dãy Thiên Nhẫn qua truông Mèn nối liền với rừng núi Thanh Chương. Bên truông Mèn có ngọn Rú Rọc (Độc Sơn), thuộc làng Đông Lễ (nay là xã Sơn Tiến), cũng là đồn lũy của quân Lam Sơn. Điều thú vị là ở thôn Bạch Sơn gần Rú Rọc, có xóm Côn Sơn, chùa Côn Sơn và khe Nhị Khê (những địa danh liên quan đến Nguyễn Trãi). Chùa Côn Sơn có câu đối:

                   Thiên Nhẫn thiên niên lưu thắng địa

                   Chí Linh cựu tích diệc hà thù

                   (Thiên Nhẫn ngàn năm lưu thắng địa

                   Chí Linh dấu cũ khác nào đâu)

Đứng trên Thiên Nhẫn điệp trùng, phóng tầm mắt bao quát hình sông thế núi, học giả Bùi Dương Lịch đã cảm tác bằng một bài thơ chữ Hán, xin tạm dịch:

                   Đất giáp ba sông hiểm,

                   Núi như ngàn ngựa phi,

                   Chương - Hương chia hai lộ,

                   Lam - Phố hợp ba chi,

                   Hoan - Đức khoe trấn mạnh,

                   Trà - Cao chắn biên thùy,

                   Việc bình Ngô thủa ấy

                   Nhân nghĩa dựng binh uy.

Thiên Nhẫn cũng như rừng núi đại ngàn Hương Sơn không những chỉ tạo dựng những kỳ quan, danh thắng mà còn là nơi để lại một mật độ dấu ấn lịch sử dày đặc mà nay sử sách vẫn còn ghi:

- Cốc Sơn: Căn cứ khởi nghĩa của Nguyễn Tuấn Thiện.

- Núi Hoa Bảy, động Tiên Hoa: Một bản doanh rất quan trọng của Bình Định vương Lê Lợi.

- Núi Phù Lê (Rú Đá, Rú Trụn, Rú Nhón...): Tiền đồn của Hoa Bảy, Tiên Hoa, là nơi mai phục của nghĩa quân Lê Lợi, đồng thời cũng là cửa tử của giặc Minh xâm lược.

- Rú Chuối - Tiêu Sơn: Nơi Lê Duy Mật tập hợp lực lượng chống lại chúa Trịnh lộng quyền (1738 - 1769).

- Vùng núi Bà Mụ: Căn cứ của Lê Hữu Tạo (1818 - 1821), chống lại chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

- Cồn Hèo (Sơn Lễ), nơi đã từng in dấu chân vua Hàm Nghi.

- Cồn Chùa (Sơn Giang, Sơn Lâm): Nơi Cao Thắng, Cao Đạt tập hợp lực lượng, luyện rèn võ thuật.

- Truông Mèn (phía Tây Bắc Sơn Lễ): Năm 1817 - 1818, bùng nổ cuộc nổi dậy chống thuế của nông dân thời Gia Long.

- Cồn Rèn (Sơn Lễ): Một vùng cao ráo, kín đáo, được Cao Thắng và đồng sự chọn làm nơi dựng lò rèn đúc súng đạn.

- Tràng Sim (Truông Sim), thuộc xã phúc Dương, cơ sở đồn bốt, xưởng rèn vũ khí của Nghĩa quân Phan Đình Phùng.

- Vùng núi Sông Con: Căn cứ khởi nghĩa của quân Cờ Vàng (Đội Lựu - Trần Quang Cán), với khẩu hiệu "Đánh cả Tây lẫn Triều" khi triều đình để mất sáu tỉnh Nam Bộ vào tay giặc Pháp.

- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều nơi trong rừng núi Hương Sơn là an toàn khu, là nơi đóng quân, là đường hành quân, là thao trường, là kho tàng.... để trung chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến.

Nói đến Trường Sơn ai cũng liên tưởng ngay đến "Đường mòn Hồ Chí Minh", con đường Trường Sơn lịch sử và huyền thoại. Con đường ấy qua đất Hương Sơn có hai tuyến: Tuyến Trường Sơn Đông dài gần 20 km và tuyến Trường Sơn Tây gần 10 km. Ngoài ra còn có rất nhiều tuyến phụ nối về tuyến chính, trong đó nổi bật phải kể đến tuyến 15A.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để tránh sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhân dân ta đã xây dựng tuyến đường 15A, một trục của đường mòn Hồ Chí Minh, dọc theo chân núi Thiên Nhẫn. Suốt trong tám năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đường 15A trở thành một huyết mạch giao thông quan trọng, ngày đêm rầm rập người xe ra tiền tuyến.....

Từ xa xưa, Thiên Nhẫn hùng vĩ không chỉ là một vùng "rừng vàng" đầy ắp những kho báu phong phú mà lịch sử còn để lại ở đây dấu ấn của những chiến tích không thể nào phai. Cho đến thời hiện đại, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì "Phượng Hoàng sơn" thơ mộng vẫn là một vùng “Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Lê Văn Tùng


    Ý kiến bạn đọc