Thiêng liêng đường biên, cột mốc
EmailPrintAa
09:58 05/02/2016

Những bước chân không mỏi…những kính cẩn nghiêng mình…những ghi dấu tình hữu nghị…cho đến việc hồi sinh những cuộc đời lầm lỗi…nâng bước trẻ thơ đến đường…những chiến sỹ mang quân hàm xanh không chỉ bảo vệ sự bình yên nơi biên giới xa xôi mà còn mang đến sự đổi thay của biết bao mảnh đất, cuộc đời..Bằng trách nhiệm, bằng tấm lòng của mình, những chiến sỹ biên phòng đã làm nên sự thiêng liêng nơi đường biên, cột mốc.

Biên giới giữa Hà Tĩnh của nước Cộng hòa xã hội chũ nghĩa Việt Nam với hai tỉnh Bô-ly-khăm-xay và Khăm Muộn của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào dài 145 km, được bắt nguồn từ cột mốc 462 thuộc xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn và kết thúc tại mốc 515 thuộc Bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê. Cột mốc đầu tiên ở Hà Tĩnh được cắm tại khu vực biên giới xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, giáp với tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Sau nhiều năm phân định, đầu năm 2009, các cột mốc trên biên giới của Hà Tĩnh với nước bạn Lào lần lượt được cắm xuống. Sau hơn 5 năm băng rừng, lội suốt, cơm đùm, cơm nắm, lực lượng cắm mốc của 2 nước đã cắm xong 55 cột mốc. Phiên dấu của Tổ quốc đã được định hình, sừng sững nơi biên cương. Kể sao hết vất vả, gian lao mà những chiến sỹ biên phòng đã nếm trải…Và giờ đây khi mà, không khí Xuân, hương vị Tết đã gõ cửa thì các anh vẫn bền bĩ, kiên trì với công việc trên từng đường biên, cột mốc. Chính là niềm tự hào dân tộc ăn sâu trong tiềm thức mỗi người lính biên phòng nên các anh sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng, làm cho vùng biên cương trở nên thiêng liêng. Đại úy Phan Thái Hùng - Đội trưởng vũ trang - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết: “Tết đến, Xuân về tâm tư của người cán bộ, chiến sỹ ai cũng muốn sum họp bên gia đình, người thân để chia sẻ những khoảnh khắc những trách nhiệm của người lính thì nén niềm xúc động đó, nỗi nhớ đó để yên tâm chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.

Đất trời giao thoa, lòng người bồi hồi đón chào xuân mới…phút liêng thiêng ấy, ai lại không muốn bên gia đình, người thân…Nhưng cũng chỉ vì muốn cho bao em thơ yên giấc ngủ ngon, cho lúa reo vui trên đồng nắng mới, cho cây lá rừng già biên giới thêm xanh…nên các anh, những chiến sỹ biên phòng vẫn đang vững đôi chân, chắc tay súng ở miền biên viễn. Chính là lúc này, chính là lúc mà gian lao chồng lên gian lao, nỗi nhớ thêm nhớ nhiều hơn  thì cột mốc, đường biên như là hiện hữu của tất cả tình thân,tình yêu. Xuân sẽ có ý nghĩa hơn, Tết sẽ đáng nhớ hơn khi mà trong niềm vui ấy, có sự âm thầm, lặng lẽ cống hiến của các anh.

145 km đường biên với 55 mốc giới…không thể thiêng liêng nếu chỉ có sự nhìn nhận, giữ gìn của chiến sỹ biên phòng. Nhận thức như vậy nên các anh đã quyết tâm mang đến sự đổi thay cho một dải biên cương rộng lớn. Cũng vì gắn bó máu thịt, cũng vì đồn là nhà, biên giới là quê hương nên các anh biết rằng đồng bào nơi đây còn khó khăn nhiều lắm. Trong điều kiện như vậy, làm sao họ có thể góp sức mình bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ phiên dấu Tổ quốc. Niềm trăn trở khôn nguôi của cán bộ, chiến sỹ đó chính là tình trạng nghiện ma túy ở khu vực biên giới Việt – Lào khiến cho bao cuộc đời lầm lỗi, bao vùng quê mất đi sự yên bình. Vì thế, từ tháng 6 năm 2010 , Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã xây dựng câu lạc bộ tình thương. Từ 4 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có 46 thành viên. Trong mái nhà chung đó, khi nhận được sự thương yêu, đùm bọc của chiến sỹ biên phòng, mỗi người đã bắt đầu làm lại cuộc đời để rồi mỗi mùa xuân đến là thêm nhiều cuộc đời lầm lỡ nở hoa hạnh phúc.

Vùng biên mạnh lên thì niềm tự tôn dân tộc cũng như được nhân lên… chẳng hiểu sao và chẳng biết tự bao giờ, chiến sỹ biên phòng Hà Tĩnh làm nhiệm vụ nơi biên cương xem đó, như là một chân lý. Chính vì vậy, các anh cho rằng phải huy động được sự chung tay giúp sức của người dân để vùng biên luôn được bình yên và phát triển. Từ những suy nghĩa như vậy, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã ký kết nghĩa với Trường Tiểu học Thị trấn Tây Sơn thực hiện chương trình “Biên cương gắn với học đường”. Vậy là, từ đó, những cô giáo, thầy giáo, những em học sinh, bấy lâu cữ ngờ rằng chủ quyền an ninh biên giới là việc của chiến sỹ biên phòng thì nay, mọi người đã hiểu rằng các anh không thể thực hiện tốt nhiệm vụ nếu không có sự chung sức, đồng lòng. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, với tâm niệm như vậy, trường tiểu học thị trấn Tây Sơn đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục cho các em học sinh hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia và hệ thống đường biên cột mốc. Còn với các anh, những chiến sỹ biên cương ngày đêm ngày âm thầm chịu đựng gió sương đã chia sẻ những đồng lương, phần thưởng của mình để thực hiện chương trình nâng bước đến trường.

Hà Tĩnh, mảnh đất sớm chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với biết bao niềm thổn thức bởi dẫu biết rằng công cuộc này sẽ mang đến sự đổi thay cho người dân, cho biết bao tên đất, tên làng…vậy  nhưng lấy sức dân để lo cho dân thật không dễ, khi mà sức dân đang yếu. Thế là, những chiến sỹ biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc đã xác định vai trò xung kích đi đầu của mình. Từ việc học bàn kế hoạch đến việc cầm tay chỉ việc, rồi cùng lao động làm nhà, làm đường, nuôi lợn, nuôi gà…cho đến việc kêu gọi các nguồn tài trợ…bất cứ công việc cũng có bàn tay của các anh…Từng ngày trôi đi, bao vất vả được đền đáp khi mà Sơm Kim 1 là xã biên giới đầu tiên trong toàn quốc về đích nông thôn mới trước 1 năm. Như những cánh chim không mỏi, các anh lại đang tiếp tục dốc sức mình cùng với những xã biên giới còn lại nhanh chóng về đích nông thôn mới.

Đường biên, cột mốc…luôn là điều thiêng liêng nhất mà khi nhắc đến làm cho triệu triệu trái tim rưng rưng, bồi hồi…Trong mâm cỗ sum vầy ngày Tết, trong tiếng nói cười không ngớt của trẻ nhỏ…chính trong thời khắc ấy biết bao chiến sỹ biên phòng vẫn đang dầm mình nơi rừng thiêng, nước độc. Những người con đất Việt, hãy vui vẻ chào đón Xuân sang, nơi đây đã có các anh, không chỉ chắc tay súng cho sự bình yên của dân tộc mà các anh đang giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của người dân Việt Nam cũng như người dân Hà Tình bằng chính sự thân thiện, cởi mở, tình cảm, sẻ chia…Chị Lê Thị Hoa - Tỉnh Quảng Bình cho biết: “Làm thủ tục xuất, nhập cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tôi thấy các anh bộ đội biên phòng rất nhiệt tình, dù mưa, gió và trời rất rét nhưng ai cũng rất vui vẻ, niềm nở. Và người Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào về các anh bởi các anh đã làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó”.

Như một cha, người mẹ, người tập cho con từng nét chữ, người dậy con cách trồng lúa, trồng khoai, người đứng ra lo chuyện buồn, chuyện vui, người sẵn sàng xa vợ, xa con…để vì sự phát triển của một tộc người…đó là những câu chuyện phía trong đường biên, cột mốc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Nơi đây, những chiến sỹ biên phòng bằng tình yêu, bằng tấm lòng của mình đã mang đến sự đổi thay cho đồng bào dân tộc Chứt. Và thế là, biên cương dường như trở nên đẹp hơn, thiêng liêng hơn bởi có những nghĩa tình hòa quyện vào nhau, lặng lẽ tỏa hương.

Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, phút giao thoa của đất trời, những chiến sỹ biên phòng có một Tết rất riêng. Không phải là sự tất bật với mua sắm, với lễ lạt cuối năm, với những chuyến du xuân mà các anh đang ngược xuôi trên những cung đường mang hơi ấm biên cương đến với những gia đình, những hoàn cảnh cơ cực để Tết này không gia đình nào ở vùng biên phải chịu đói, chịu rét. Sau những chuyến hành trình ấy, các anh chào đón năm mới bằng chính những thành quả tăng gia sản xuất, bằng chính những cành hoa rừng tỏa hương nơi vách đá cheo leo. Thiệt thòi là vậy, gian lao là vậy nhưng từ trong tâm khảm của mỗi người, các anh lại xem đó là niềm hạnh phúc, là sự thiêng liêng nơi cửa ngõ tiền tiêu..Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nguyên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vui vẻ cho biết: “Là người lính biên phòng nơi biên ải, chúng tôi càng thấy được sự thiêng liêng đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đó cũng là niềm vinh dự, niềm tự hào lớn đối với người chiến sỹ biên phòng khi chúng tôi được đón cái Xuân trên biên giới. Xuân xa nhà nhưng ấm tình hậu phương bởi tình cảm của bà con nhân dân biên giới luôn dành cho người chiến sỹ biên phòng như không khí trong gia đình bởi với chúng tôi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bà các dân tộc là anh em ruột thịt. Chính vì vậy, khi Tết đến, Xuân về mặc dù anh em không được về bên vợ con, gia đình nhưng với đồng bào nơi biên giới, với tình hữu nghị quân dân, với bạn Lào thì chúng tôi càng cảm thấy Tết đến càng ấm cúng hơn và ý nghĩa hơn”.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ buổi bình minh của dân tộc cho đến hôm nay, cương giới, biên ải và các cột mốc chủ quyền luôn là những điều thiêng liêng nhất trong lòng mỗi người dân đất Việt. Bởi vậy, núi cao thì mặc núi cao, bảo vệ Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao…Dù là ai, thuộc dân tộc nào, tôn giáo nào, khoác trên mình sắc áo gì thì tất cả đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ từng tấc đất, từng cột mốc nơi biên cương. Điều đặc biệt là những chiến sỹ biên phòng của Hà Tĩnh làm nhiệm vụ ở vùng biên là các anh đã thổi được hồn mình vào lòng dân, để người dân không chỉ đồng hành cùng các anh, thao thức vì biên cương mà còn có ý thức thay đổi cuộc sống của chính mình cho một tương lai tốt đẹp hơn, cho mùa xuân rực rỡ hơn.

Đất nước vào Xuân với biết bao niềm vui, niềm tự hào và đất nước cũng trở nên linh thiêng hơn ở những nơi phiên dấu xa xôi – nơi những chiến sỹ biên phòng đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc và trăn trở mang đến sự đổi thay cho mỗi người, mỗi nhà. Biết ơn các anh, biết ơn những hi sinh thầm lặng của các anh vì non sông, mỗi chúng ta càng cảm thấy phải có trách nhiệm nhiều hơn trong cuộc sống hôm nay…

                          Nguyễn Tâm - Đài PT&TH Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc