Ngân hàng Agribank Cẩm Xuân đầu tư các mô hình vay vốn hỗ trợ lãi suất ở xã Cẩm Quan |
Ưu tiên tối đa nguồn vốn
Trong hầu hết các cuộc họp ngân hàng những năm gần đây, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến thường xuyên nhấn mạnh với các ngân hàng về nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt là dồn sức chỉ đạo, ưu tiên tối đa nguồn vốn cho các địa phương xây dựng NTM.“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang được triển khai rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu của mục tiêu phát triển sản xuất chính là mảnh đất mà các TCTD phải gắn chặt trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó khi thực sự được mỗi cán bộ ngân hàng thấm nhuần và tâm huyết sẽ giúp đầu tư tín dụng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững”- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh nói.
Đầu tàu trong cho vay nông thôn mới trên địa bàn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Tĩnh với lợi thế mạng lưới rộng gồm gần 40 điểm giao dịch ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Diên cho biết, mục tiêu lớn được đặt ra trong cho vay các xã NTM đã được chuyển tải tới hệ thống chi nhánh cấp huyện, phòng giao dịch và hàng trăm cán bộ làm công tác tín dụng. Từ đó, các ngân hàng huyện đã bám sát quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM ở các địa phương; giám đốc các ngân hàng huyện trực tiếp tham gia thành phần Ban Chỉ đạo chương trình NTM huyện để xây dựng các giải pháp chỉ đạo đầu tư tín dụng sát đúng, hiệu quả. Đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Hà Tĩnh đạt trên 8.460 tỷ đồng, chiếm gần 92% tổng đầu tư tín dụng trên địa bàn; cho vay các địa phương xây dựng NTM 7.659 tỷ đồng, chiếm trên 82% tổng dư nợ.
Thực tiễn sinh độngtrong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thu hút sự tham gia của phần lớn các tổ chức tín dụng, trong đó nhiều ngân hàng thương mại lớn trước đây chủ yếu chỉ cho vay doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nay đã chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều dự án đầu tư lớn, có hiệu quả. Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển(BIDV) Hà Tĩnh- Kiều Đình Hòa cho biết: Năm 2015 đánh dấu sự tăng trưởng đột phá về đầu tư tín dụng của Chi nhánh với tốc độ tăng 46%, trong đó chủ yếu là đầu tư vốn cho nông nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất trong NTM. Đến cuối năm 2015, BIDV đã giải ngân cho dự án chăn nuôi bò 417tỷ đồng để thực hiện nhập 30 ngàn con bò và trồng hơn 500 ha cỏ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã sớm cử cán bộ tín dụng đến các xã vùng biển tiếp cận sớm ngư dân, nhờ đó đã ký cam kết cho vay với 6 chủ tàu và đã giải ngân 13,5 tỷ đồng vốn đóng mới 4 tàu vỏ thép”.
Chủ động tiếp cận, hỗ trợ và ưu tiên nguồn đối với các xã xây dựng NTM, nguồn vốn tín dụng đã đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giúp các xã trên địa bàn hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.Năm 2015, doanh số cho vay235 xã xây dựng NTM đạt 15.376 tỷ đồng, tăng 21,99% so cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay đối với 235 xã đến 31/12/2015đạt 14.206tỷ đồng, tăng 21,56% so với đầu năm, chiếm 91,30% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn .
Bền bỉ thực hiện các chương trình hỗ trợ
Chính sách hỗ trợ lãi suất cho các mô hình phát triển sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do UBND tỉnh ban hành đến năm 2015 là năm thứ 4 triển khai thực hiện đã tiếp tục thu hút sự vào cuộc tích cực của các TCTD. Với các điểm mở rộng hơn sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Quyết định 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh được các ngân hàng tích cực triển khai. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tuyên truyền chính sách, chủ động tìm kiếm khách hàng và hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các quy trình thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất, các TCTD tiếp tục đưa cơ hội nguồn vốn lãi suất ưu đãi đến với hàng ngàn hộ nông dân, tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương. Năm 2015, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 1.155 tỷ đồng với 9.179 lượt khách hàng được vay; số tiền lãi hỗ trợ đạt 60 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Agirbank Cẩm Xuyên Đặng Xuân Hải cho biết: “Khách hàng được hỗ trợ lãi suất sẽ được giảm 50% lãi suất so với thị trường, tương đương với mức chi phí vay vốn chỉ 4- 5%/năm. Với mong muốn đưa cơ hội này đến với hộ kinh doanh,giúp họ giảm chi phí lãi suất, tăng hiệu quả của dự án, chúng tôi đã tích cực vào cuộc, tận tình hỗ trợ người dân quy trình thủ tục. Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong phát triển các mô hình sản xuất theo định hướng các sản phẩm chủ lực, Cẩm Xuyên đã trở thành một trong những địa phương có doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lớn nhất”.
Nhiều ngân hàng thương mại trong quá trình vào cuộc thực hiện cho vay các địa phương xây dựng NTM đã nhận định chính sách hỗ trợ lãi suất cũng chính là cơ hội để ngân hàng tăng trưởng tín dụng một cách bền vững. Từ đó những con đường tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với cách làm bài bản, sâu sát đã được mở rộng hơn với nông dân. Ông Phạm Văn Cảnh (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết, khi ông tìm đến phòng giao dịch Vietcombank Cẩm Xuyên để đề xuất nhu cầu vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, cán bộ ngân hàng không khỏi băn khoăn bởi lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp còn khá mới mẻ, trong khi đó, tài sản thế chấp của khách hàng chưa đáp ứng đủ theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên xem xét kỹ phương án sản xuất và năng lực của gia đình ông, những người chịu trách nhiệm cấp tín dụng đã quyết định đồng hành với khát vọng vươn lên làm giàu của ông chủ trang trại. Và hành trình hợp tác đã mở ra với sự sâu sát, kiên trì của cán bộ ngân hàng trong suốt quá trình thẩm định, hướng dẫn thực hiện hồ sơ vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn và tư vấn tài chính cho khách hàng. Trang trại được triển khai nhiều mũi sản xuất đa dạng: chăn nuôi lợn liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP(Thái Lan) quy mô 1.200 con/lứa, mỗi năm 3 lứa; 7 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, 6 ngàn con gà/năm. Mỗi năm, trang trại đã cho doanh thu hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 3, 5 triệu đồng/người/tháng. Trang trại ông Cảnh trở thành mô hình điểm của huyện Cẩm Xuyên trong phong trào phát triển sản xuất, xây dựng NTM.
Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực cho biết: Việc phát triển mạng lưới đến các huyện, thị, thành phố đang tạo điều kiện cho Vietcombank bước sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều dự án cho vay hiệu quả. Vietcombank Hà Tĩnh là ngân hàng được lựa chọn triển khai thực hiện chính sách cho vay thí điểm trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, chi nhánh đang triển khai hợp tác đầu tư tín dụng với Mitraco với 3 dự án (trồng rau - củ - quả trên đất cát, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco), số vốn cho vay cam kết là 192,14 tỷ đồng. Đến 31/12/2015 Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh đã giải ngân được 46,09 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi.
Tín dụng 2016 đang mở ra chặng đường mới với những dự báo về sự dịch chuyển nguồn vốn lớn, sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Như dòng suối mát, nguồn vốn đang tiếp sức cho khát vọng, ước mơ làm giàu của những người nông dân, từ đó góp phần làm thay da đổi thịt, tô điểm những sắc màu tươi sáng cho vùng quê nông thôn mới.
Mai Thủy
Tin mới cập nhật
- Diễn văn bế mạc Đại hội XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ( 05/02)
- Đảng bộ Hà Tĩnh có 2 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ( 05/02)
- Tạo thế và lực mới để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại ( 05/02)
- Hà Huy Tập - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động cách mạng sắc sảo của Đảng ta ( 05/02)
- Năm mới, khí thế mới, quyết tâm đưa Nghị quyết XII của Đảng vào cuộc sống ( 05/02)
- Phát huy sức mạnh của văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ( 05/02)