Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh
EmailPrintAa
09:52 12/07/2016

Đồng chí Nguyễn Xuân Linh là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ trì của tỉnh Nghệ Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian dài. Đồng chí đã đảm nhận chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong hai giai đoạn, 1951 - 1954, 1959 - 1972. Với 18 năm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Xuân Linh đã trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta.

Nguyễn Xuân Linh, lúc hoạt động cách mạng lấy các bí danh Lang, Hợi, Cung, người làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, nay là xã Nam Quang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông là con cụ Nguyễn Xuân Xưởng (1876 - ?) đỗ Cử nhân khoa Kỷ dậu, năm Duy Tân thứ 3 (1909) làm Giáo thụ phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Xuân Linh sinh năm 1906, nhưng theo lý lịch tự khai thì ông sinh ngày 09/9/1909 tại quê nhà.

Mẹ là bà cụ Nguyễn Thị Yên, mất sớm, từ nhỏ, ông đã theo cha sang sống ở Đức Thọ. Lúc đầu, ông học chữ Hán với cha, rồi học trường Pháp - Việt, Đức Thọ, tốt nghiệp, được bổ về dạy ở trường Thái Yên, một trong mấy trường sơ học mở sớm nhất ở Đức Thọ(1).

Là một thanh niên giác ngộ cách mạng sớm, Nguyễn Xuân Linh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 4/1930, được phân công hoạt động ở huyện Hương Khê.

Tháng 10/1930, ông bị bắt trong khi đi rải truyền đơn cộng sản ở Đức Thọ, bị kết án 3 năm tù giam và một năm quản chế (sau Khâm sứ Trung Kỳ gia thêm 8 tháng tù giam - Bản án số 139 - 14/10/1930), nhưng chỉ bị giam ở nhà lao Vinh đúng 1 năm thì được tha.

Ra khỏi tù, ông được phân công làm Bí thư Khu ủy Đặc khu Vinh - Bến Thủy, nhưng chỉ hơn một năm sau, tháng 9/1932, ông lại bị bắt, bị kết án 13 năm khổ sai và 6 năm rưỡi quản chế (Theo bản án số 246 ngày 22/11/1932 của Tòa án Nghệ An), bị giam ở Vinh, rồi đày đi Lao Bảo, Buôn Mê Thuật. Vào dịp 14/7/1939, ông được giảm án hai năm, rồi được trả tự do ngày 21/9/1943 và ngày 21/9 năm ấy được giải từ Buôn Mê Thuật về Vinh quản chế. Được ông Nguyễn Xuân Thượu bảo lĩnh, ông ở nhà số 7, Triệu Ẩu, buôn nước mắm và tiếp tục hoạt động, xây dựng lại cơ sở Đảng, tham gia thành lập Xứ ủy Trung Kỳ. Đêm 17 rạng 18/4/1944, ông lại bị bắt ở Diễn Châu (Theo lệnh truy nã số 1889 ngày 1/3/1944 của Sở mật thám Huế), bị giam ở Vinh cho đến tháng 3/1945 mới ra khỏi nhà lao.

Ông Đặng Thí (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Liên khu ủy 4) kể lại: Khi ở nhà lao Buôn Mê Thuật, do đấu tranh của tù nhân, địch nhượng bộ, cải thiện một phần chế độ nhà tù, nên nhiều chính trị phạm có tư tưởng cầu an; lại khi quân Đức tấn công Liên Xô, nhiều người tỏ ra dao động... thì Nguyễn Xuân Linh, Ngô Tuân, Nguyễn Đoành, Trương Văn Lĩnh... gánh vác nhiệm vụ chăm lo công việc nhà đày, tổ chức các hoạt động văn hóa, đấu tranh chống những tư tưởng lệch lạc, khuynh hướng sai lầm. Lúc có các tù mới đến, ông gần gũi trao đổi ý kiến, tạo nên sự đoàn kết với tù cũ...

Ông cũng là người ham học, ham hiểu biết. Ông Đặng Thí cho biết: Chính qua việc học tiếng Trung Quốc mà quen biết ông Linh.

Ông lại là người yêu thơ, thích làm thơ. Thơ, với ông lại cũng là vũ khí; thơ ông biểu hiện niềm tin, ý chí cách mạng kiên định của mình (như bài Qua lỗ nhỏ xà lim), động viên, khuyến khích đồng chí (Thơ vui tặng một số đồng chí nằm xà lim), đấu tranh, phê phán những người làm việc cho địch (Thân phận, Con vịt bầu...).

Ông kể lại: “Mình làm thơ từ lúc ở trong tù. Phải có thơ nhanh mới kịp với các tình huống xẩy ra; làm thơ để nói với mình, nói với đồng chí, nói với các bạn tù. Không thể tranh luận mãi, làm thơ dễ nói với nhau hơn, nhẹ nhàng, kịp thời, thế mà sâu sắc, nhiều khi rất có tác dụng...”(2). Đối với ông, làm thơ không để làm văn chương, mà là một hoạt động cách mạng.

*

Tháng 3/1945, Nguyễn Xuân Linh được tha. Ông đã cùng các đồng chí khác, gồm những người đang hoạt động ở địa phương và những người mới ra tù, bắt tay ngay vào việc. Theo ông, lúc này cấp bách nhất là phát triển, mở rộng tổ chức Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh thành lập, ông được bầu làm Chủ nhiệm.

Trong một bài đăng trên báo Truyền thanh. Đặc san ra tháng 8/1946 ở Vinh, ông viết: “... Cuộc Pháp Nhật bắn nhau là một dịp để chúng ta củng cố lực lương, tăng thêm khí giới và nhất là cán bộ.

Ở Nghệ Tĩnh, các chiến sĩ ở tù ra, hợp lực với các chiến sĩ đã hoạt động lâu nay, chiêu tập cuộc Đại hội gồm các đại biểu của hai tỉnh, Việt Minh Nghệ Tĩnh thành lập.

Sau vụ truyền đơn hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh đồng bào cả hai tỉnh đều nô nức nhập vào hàng ngũ. Sau bốn tháng hoạt động, lực lượng Việt Minh Nghệ Tĩnh khá mạnh mẽ.

Ngoài những tổ chức riêng, Việt Minh đã khéo léo lợi dụng tất thảy những tổ chức của Chính phủ Trần Trọng Kim trong địa phương, khiến cho biến thành bộ phận của Mặt trận hoặc lôi cuốn vào tổ chức của Mặt trận... Từ ông Tỉnh trưởng cho tới các ông Phủ trưởng, Huyện trưởng, hầu hết đều xu hướng Việt Minh, và ủng hộ Mặt trận trong nhiều việc. Bởi vậy bọn Nhật và tay chân chúng trước phong trào mãnh liệt ấy, không thi thố được trò trống gì...”(3).

Vào hạ tuần tháng 6/1945, Đại hội Mặt trận Việt Minh liên tỉnh bàn việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Đại hội vừa giải tán thì được tin Nhật đầu hàng. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập do Nguyễn Xuân Linh làm Chủ tịch.

Trong một thời gian ngắn, các phủ, huyện rồi hai tỉnh lỵ Vinh, Hà Tĩnh đã hoàn thành việc hủy bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng.

Nguyễn Xuân Linh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Phó bí thư Xứ ủy Trung bộ, đến tháng 12-1949 thì chuyển làm Ủy viên Thường vụ rồi Phó bí thư Liên khu ủy IV, Chánh án Tòa án quân sự Liên khu, rồi được phân công vào làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Sau đó ông là Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy phụ trách dân vận và là Giám đốc Tổng Công ty Lâm thổ sản, rồi đi kiểm tra công tác sửa sai trong Cải cách ruộng đất.

Tháng 12/1959, ông lại được cử về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lần thứ hai, cho đến tháng 5/1972.

Tỉnh ủy mà ông là người chủ trì, đã đề ra các phương sách và kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, tăng cường quốc phòng, tạo được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của Hà Tĩnh.

- Xây dựng Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với mô hình Hợp tác xã Phan Đình Phùng (xã Cẩm Nam).

- Phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ và vừa, với những công trình thủy nông đầu tiên là đập Khe Lang, đập Thượng Tuy, trạm bơm Linh Cảm, hồ Bộc Nguyên... Đập Khe Lang là công trình đầu tiên, được lấy tên là “Bình Hà”, kỷ niệm việc “Kết nghĩa Bình Định, Hà Tĩnh”.

- Phát động phong trào sản xuất đạt 5 tấn/ha, với mô hình “Hợp tác xã 5 tấn Đại Thanh” (Đức Thanh).

- Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, tiêu diệt nhiều toán gián điệp, biệt kích, đánh thắng chiến tranh phá hoại (1964 - 1968) của Mỹ, mở đầu bằng “Chiến thắng trận đầu 26 và 31/3/1965, hạ 4 máy bay Mỹ ở trận địa núi Nài được cả nước ca ngợi.

- Xây dựng cơ sở và lực lượng giao thông vận tải, phục vụ tiền tuyến, tạo điều kiện để có những thành tích lớn trong chiến tranh phá hoại 1972 - 1973, để Hà Tĩnh làm tròn sứ mệnh là “Đất trung tuyến”.

- Phát triển sự nghiệp giáo dục - văn hóa, xây dựng lên một điển hình “Làng học Cẩm Bình” nổi tiếng cả nước.

Nguyễn Xuân Linh rất coi trọng giáo dục và văn hóa. Ông cho giáo dục - văn hóa có trọng trách trong việc xây dựng con người, giáo dục dạy người trong nhà trường, văn hóa dạy người ngoài nhà trường. Ông rất quý lực lượng sáng tác và biểu diễn văn nghệ. Chính ông và đồng chí Nguyễn Tiến Chương - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, và là những hội viên sáng lập Hội. Ông được tôn vinh là Chủ tịch danh dự của Hội. Ông lại rất quý trọng giới trí thức, đặc biệt là các nhà trí thức lớn như nhà giáo Trần Đình Đàn, luôn được giúp đỡ, và hỏi ý kiến về nhiều vấn đề để tham khảo.

Nhà giáo Trần Quốc Nghệ, một trí thức tiêu biểu, có bài thơ Tặng đồng chí Bí thư già khi ông đến thăm “Trại Đồng Khơi” của ngành giáo dục:

Tuổi tác dù cao, dám nghĩ nhàn,

Hai vai mang khỏe gánh giang san.

Trông về núi Hống thông reo khắp,

Ngoảnh lại kênh La nước chảy tràn.

Nét bút hồng tươi trang giáo huấn,

Mái đầu trắng rạng ánh thời gian.

Trăm đường trung tuyến xe bon bánh,

Chuẩn bị xuân về, pháo nổ ran.

Tháng 5/1972, Nguyễn Xuân Linh được Trung ương Đảng và Quốc hội điều động ra Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội rồi Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến lúc về hưu, 1/1978.

Ông mất tại Hà Nội ngày 10/3/1988 thọ 82 tuổi.

*

Các cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Liên khu 4 đều quý mến và kính phục Nguyễn Xuân Linh.

“... Với tinh thần lạc quan, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi, anh đã cùng đông đảo các đồng chí trong nhà tù không chịu khuất phục, cùng nhau đoàn kết, đấu tranh...” “... Ở anh còn toát lên một đức tính quý báu nữa. Đó là phong cách tiếp xúc với các lớp người có chính kiến khác nhau. Cách xét người xét việc của anh vừa có tính nguyên tắc, vừa mềm dẻo..., vừa có tình, vừa có lý, vừa bình tĩnh, vừa kiên quyết. Nhờ vậy, anh đã cùng các đồng chí khác tập hợp được đông đảo lực lượng nhanh nhất, trước, trong và sau cách mạng Tháng tám 1945...” “... Bất cứ ở đâu, ở cương vị nào, anh luôn được đồng chí, cán bộ nhân viên và các cơ quan lãnh đạo tin cậy và yêu mến vì lòng trung thực, cách làm việc dân chủ..., vì tác phong sống gần gũi quần chúng, vì tình thương đồng chí chân thành. Anh còn là mẫu mực về lối sống giản dị, liêm khiết. Bản thân anh đã sống như vậy suốt cả đời mình, và đã giáo dục vợ con anh sống như vậy...” - Đồng chí Võ Thúc Đồng, Nguyên Bí thư Liên khu ủy IV, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

“... Công lao của anh Linh đóng góp cho Hà Tĩnh qua nhiều thời kỳ cách mạng là rất lớn. Gần 20 năm của cuộc đời, anh đã cống hiến tận tâm toàn ý vì nhân dân Hà Tĩnh. Từ năm 1930-1931, anh được bí mật cử về phụ trách phong trào cách mạng ở huyện Hương Khê. Đầu năm 1945, vừa ra khỏi tù, anh cáng đáng trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau năm 1950, anh lại trở về đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hai thời kỳ, thời kỳ 1959 đến 1972, một thời kỳ đầy bão táp. Phải nói anh là người được tín nhiệm vì trọng trách lãnh đạo số 1 của tỉnh trong thời gian lâu nhất...” - Đồng chí Nguyễn Lự, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh.

“Lần anh xa Hà Tĩnh (1972) đội ngũ cán bộ được anh dìu dắt, đào tạo, đã thay thế được anh. Chúng tôi coi anh là người đồng chí, đồng đội, người anh cả thân thiết...” - Đồng chí Nguyễn Tiến Chương, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Những tình cảm thân yêu và tôn kính mà cán bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh dành cho ông đủ chứng minh Nguyễn Xuân Linh là nhà cách mạng trung kiên, tài năng và đức độ, nói như ông Nguyễn Hữu Trinh, nguyên ủy viên UBND, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hà Tĩnh: Ông “Xứng đáng là học trò của Bác Hồ”.

Thái Kim Đỉnh

______________

(1) Trường Thái Yên, nay ở xã Thái Yên, Đức Thọ, trong phong trào cách mạng 1930-1931 là nơi nổ ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt, bị Pháp đàn áp rất dữ, chiếm trường lập đồn binh. Tôi biết các ông Nguyễn Viên, Trần Hanh ở xã Tùng Châu là học trò ông Linh và đều là đoàn viên học sinh đoàn ở đây. Có thể lúc này ông Linh cũng là một trong những người tổ chức, lãnh đạo.

(2) Theo bài viết của ông Nguyễn Tiến Chương, đó là lời ông Linh thường kể với ông.

(3) Bài viết đăng báo Truyền thanh nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám.


    Ý kiến bạn đọc