Phát huy giá trị văn hóa khu di tích quốc gia Ngã ba Đồng Lộc
EmailPrintAa
07:55 12/07/2016

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc có ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến đường 15A nối với đường Trường sơn. Từ năm 1964 đến năm 1972 khi tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch đánh phá và chia cắt hoàn toàn, quân và dân ta chuyển hướng giao thông từ Bắc vào Nam theo quốc lộ 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc, mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam phải đi qua tuyến đường này. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của tuyến giao thông vận tải Bắc - Nam. Vì vậy, địch tập trung đánh phá để hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn Miền Bắc với tuyền tuyến lớn Miền Nam. Với diện tích khoảng 0,6 km2, chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống mảnh đất này 48.600 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rocket và đạn 25mm, bình quân mỗi m2 đất phải gánh chịu 3 quả bom, đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bọm chồng lên hố bom.
 

 

Làm việc và chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Công an, Dân quân du kích… làm nhiệm vụ cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm đảm bảo an toàn cho những đoàn xe chi viện vào chiến trường Miền Nam. Nhiều làng quê Hà Tĩnh đã nhường nhà, nhường vườn làm bãi dấu xe dấu hàng, sẵn sàng dỡ nhà để lót đường chống lầy cho xe qua.

Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, các lực lượng tham gia chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc ngày đêm bám trụ mặt đường, sống và làm việc dưới làn mưa bom bão đạn, thường xuyên đối mặt với cái chết. Biết bao nhiêu xương máu của các chiến sỹ và nhân dân đã đổ xuống để làm nên Đồng Lộc quang vinh, bất tử. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng.

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba, nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc quật khởi vươn lên giữa mưa bom lửa đạn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Hơn nửa thế kỷ qua, lực lượng TNXP Việt Nam đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hàng vạn TNXP đã gan dạ, dũng cảm, mưu trí có mặt khắp nơi trên các tuyến đường trọng yếu của đất nước để làm nhiệm vụ; họ đã gác lại tình yêu, tuổi xuân của mình - tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường, hàng vạn người bị thương tật suốt đời, rất nhiều nữ TNXP đã trở về sống cô đơn không chồng, không con... Chính họ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ TNXP toàn quốc. Ngày 09/12/2013, Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường sơn - đường Hồ Chí Minh.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trong của Khu di tích, trong những năm qua Ban quản lý đã phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm để tôn tạo, xây dựng Khu di tích ngày càng khang trang, tôn nghiêm và khẳng định được vị thế là Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, xứng đáng với tầm vóc lịch sử và sự hy sinh to lớn của lực lượng TNXP, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho đồng bào, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Du khách về với Ngã ba Đồng Lộc ngày càng đông, mỗi năm Ban Quản lý Khu di tích đón tiếp, hướng dẫn cho hơn 300 ngàn lượt khách thăm quan; đón tiếp nhiều đoàn khách cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các đoàn khách quốc tế, lãnh đạo một số tỉnh thành trong cả nước về dâng hương. Công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, nội dung thuyết minh, thái độ đón tiếp đã có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn; với tinh thần hiếu khách, tận tình, chu đáo đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi về với Ngã ba Đồng Lộc.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di tích quốc gia đặc biệt, trong thời gian tới Ban Quản lý sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Làm tốt công tác vệ sinh cảnh quan môi trường và an ninh trật tự. Phát triển hệ thống dịch vụ, quầy hàng lưu niệm. Chỉnh trang trong tổng thể khu di tích. Huy động nguồn vốn nâng cấp nhà truyền thống, sắp xếp trưng bày có hệ thống các hiện vật, nâng cấp sa bàn điện tử. Đầu tư xây dựng hệ thống đường tránh, đường vành đai, xây dựng hồ sinh thái cảnh quan. Tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn vốn xây dựng các công trình văn hóa tâm linh như Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, phục dựng các công trình vết tích chiến tranh và nhiều công trình khác. Đặc biệt là xây dựng kết nối các “tua”, tuyến du lịch với Ngã ba Đồng Lộc, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Khu Di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thu hút khách tham quan về với Ngã ba Đồng Lộc - một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh, Khu di tích Quốc gia đặc biệt.

Trần Đình Ước
                                        Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc


    Ý kiến bạn đọc