Phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp - Vấn đề cần quan tâm
EmailPrintAa
07:50 12/07/2016

Phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn; tuy nhiên bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác này còn gặp khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 5.000 doanh nghiệp, 1.200 hợp tác xã, trên 87.000 CNLĐ, đây vừa là thuận lợi, vừa là yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn. 

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH TW Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH”, Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cấp công đoàn của tỉnh đã vào cuộc tích cực, quyết liệt trong phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, đến nay toàn tỉnh có 1.609 CĐCS, với 68.254 đoàn viên. Kết quả 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh thành lập mới 37 CĐCS, phát triển mới gần 4.000 đoàn viên (bằng cả năm 2015; gấp 3 lần trung bình của các năm 2012, 2013, 2014). Thực tế đã khẳng định ở những doanh nghiệp sau khi có tổ chức công đoàn, quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ hơn; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được thực hiện tốt hơn; người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững hơn.

Tuy vậy, hiện tại toàn tỉnh vẫn còn trên 200 doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa thành lập được tổ chức công đoàn và vẫn còn 22.000 CNLĐ (chiếm 25% tổng số CNLĐ) chưa gia nhập tổ chức công đoàn. Nguyên nhân của tình hình trên có từ nhiều phía: thứ nhất, CNLĐ chưa hiểu biết đầy đủ về tổ chức công đoàn, chưa nhận thức được quyền lợi của mình khi gia nhập tổ chức công đoàn; mặt khác có một bộ phận CNLĐ mới chỉ quan tâm đến có việc làm và lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài của mình; thứ hai, chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ vai trò của tổ chức công đoàn, ngoài chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, thì công đoàn còn tham gia tích cực trong quản lý doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nên chưa thực sự phối hợp, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn; thứ ba, vai trò của một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và năng lực của một số cán bộ trong việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên còn bất cập, hạn chế, chưa bám sát doanh nghiệp và CNLĐ để làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn; thứ tư, ở một số nơi cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền chưa có phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện nên công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp gặp khó khăn.

Để làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tập trung tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH TW Đảng (khóa X), Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII), Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn. Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp chính quyền tăng cường phối hợp và tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức công đoàn phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với chủ sử dụng lao động và người lao động, làm cho họ hiểu và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, để từ đó người lao động tự giác gia nhập tổ chức công đoàn và chủ sử dụng lao động quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Thứ ba, Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, nhất là pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và công đoàn; làm cho chủ sử dụng lao động thấy được người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp, quan tâm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, nhận thức đầy đủ vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, từ đó coi trọng việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Thứ tư, Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn trong các doanh nghiệp, làm cho tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, đại diện, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đồng thời thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, qua đó đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Thanh
                                                                            TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh


    Ý kiến bạn đọc