Trở về
EmailPrintAa
07:59 12/07/2016

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còncó biết bao người thân vẫn đangtừng ngày trông ngóng những người con ,người chồng , người cha, người anh , người em từ các chiến trường trở về,dù chỉ là một phần hài cốt để có nơi tới thắp hương phúng viếng. Trong số hàng vạn gia đình người Việt, may mắn mới có một vài trường hợp trở về bằng xương, bằngthịt.Ông Đặng Uy là trường hợp may mắn đó.

Từ mùa khô năm 2000 - 2002, Bộ CHQS Hà Tĩnh phân công tôi giữ chức đội phó chính trị đội quy tập mộ liệt sỹ và là đoàn trưởng cùng 20 cán bộ, chiến sỹ đảm nhiệm địa bàn tỉnh Viêng Chăn - nước bạn Lào. Đội có nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn về nước. Trong quá trình hoạt động, đồng chí Khăm Mừng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban công tác đặc biệt tỉnh Viêng Chăn cho biết thêm thông tin:có ông Hải người Hà Bắc là bộ đội Việt Nam bị địch bắt, giờ đang sống trên địa bàn tỉnh.

Đã từng làm công tác chính sách, tôi nghĩ về trường hợp ông Hải: từ năm 1964 đến nay có thể đã báo tử công nhận liệt sỹ. Cuối tháng 4 năm 2000, chuẩn bị cho kế hoạch mùa khô năm 2000 - 2001, tôi cùng 2 cán bộ ban công tác của tỉnh Viêng Chăn trên chiếc xe UOAT, vượt chặng đường 120 cây số tới bản Xang, huyện Ca Si. Xe rẽ trái men theo con đường đất lầy lội, trơn trượt đến huyện Mẹt gần 90 cây số. Tới huyện, chúng tôi vào làm việc với các đồng chí lãnh đạo nơi đây. Ngoài việc nắm thông tin về phần mộ liệt sỹ tôi còn đề nghị cho được gặp ông Hải. Các đồng chí cán bộ huyện cho biết:nhà ông Hải ở bản Pạc Mẹt ,đường tới đó còn xa, đã vào mùa mưa các anh khó tới được bản. Nghe vậy, tôi rất băn khoăn nhưng khi nghe thông tin con gái ông Hải học ở gần đây, tôi liền tới gặp người cháu và hẹn với cháu sẽ có một ngày không xa gặp bố cháu.

Sáng ngày 06/12/2000 , đoàn khởi hành trên chiếc xe Zin Khơ chở theo 19 cán bộ - chiến sỹ và cán bộ của bạn theo quốc lộ 13 đến bản Xang - huyện Ca Si, men theo con đường mòn quanh sườn núi, ngồi trên thùng xe anh em phải cúi gập người để tránh cành cây va quệt, bụi tung mù mịt… Chúng tôi tới huyện vào 3 giờ chiều. Cho bộ đội nghỉ triển khai công tác hậu cần, tôi cùng 2 đồng chí cán bộ tỉnh vào làm việc với Ban Công tác huyện. Ngày 8/12, chúng tôi tổ chức lực lượng đi bản Na Pan để cất bốc 2 mộ liệt sỹ.

Ngày 9/12/2000, đồng chí Thân cùng 4 chiến sỹ và 2 cán bộ của bạn, đi bộ xuống bến có thuyền đi bản Pạc Mẹt, ngồi trên thuyền có gắn máy, chúng tôi xuôi theo dòng Nậm Mẹt. Xa xa hai bên bờ là nhà ở của bà con các bộ tộc Lào, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những mè (mẹ), những noọng (con gái) Lào váy kéo lên sát nách để lộ đôi vai trần rám nắng, ngâm mình trong làn nước trong xanh. Bản Pạc Mẹt nằm dọc theo hai bên bờ sông Nậm Mẹt  đổ ra dòng sông Mê Công, ngã 3 sông trải rộng, bên kia sông Mê Công là tỉnh Xaig Na Bou Li, bên này sông là tỉnh Viêng Chăn. Thuyền tới đầu bản, chúng tôi leo ngược lên bờ, đi được một lúc 2 cán bộ bạn cho biết phía trước là nhà ông Hải. Thấy có người đến, ông Hải chạy ra vồn vã chào mời, còn người đàn bà ngồi đó rụt rè, e ngại trên tay ẳm một cháu nhỏ. Qua chuyện trò, ông Hải nói: nó là vợ và con tao đấy. Gặp chúng tôi biết là bộ đội Việt Nam sang làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ, hôm nay tới thăm gia đình, nhìn cử chỉ vồn vã lóng ngóng cười nói lơ lớ tiếng Việt của ông khi gọi vợ, khi bảo con, chữ nhớ, chữ quên ngôn từ Việt - Lào lẫn lộn. Ông nói: Tao sống với người Lào đã 40 năm nay nên quên hết tiếng Việt rồi bay ạ. Chúng tôi cười nói: quên hết tiếng Việt sao vẫn biết dùng từ “bay ạ”.

Trưa hôm ấy, gia đình ông Hải làm cơm đãi chúng tôi. Nhấm nháp chén rượu trắng đạm bạc mà ấm cúng, ông Hải như nắng hạn gặp mưa, đã kể hết cho chúng tôi nghe về cuộc đời lận đận vất vả của mình. Qua tâm sự, chúng tôi biết được chính xác về ông. Ông tên thật là: Đặng Uy (Đặng Sơn Hải là tên ông khai khi bị địch bắt). Quê ông Xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, Tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Sinh năm 1939, nhập ngũ vào quân đội năm 1963, trước khi nhập ngũ ông chỉ còn mẹ, bố đã mất, còn có 2 anh ruột. Sang Lào chiến đấu năm 1964 ở đơn vị: Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 335. Trong một ngày vào tháng 9 năm 1964, trung đội ông được giao nhiệm vụ đi trinh sát đánh đồn địch ở Pắc Xế, đến phu Xăng Nọi bị địch phát hiện đưa lực lượng đến bao vây, ông cùng đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 6 đồng chí hy sinh, còn lại 8 người bị địch bắt trong đó có ông. Địch đưa về tỉnh Viêng Chăn giam cầm, một thời gian sau đó lần lượt 7 đồng đội bị địch tra tấn đến chết, riêng ông may mắn vẫn còn sống sót.

Sau hiệp định Pari về Việt Nam, tình hình chiến sự ở Lào cũng có nhiều thay đổi, ông được thả ra, nhưng vẫn bị quản thúc tại Viêng Chăn. Ông nói “đã có lần tìm đường trở về Việt Nam nhưng không thành”. Ở đây ông làm nghề xây dựng kiếm kế sinh nhai chờ cơ hội tìm đường về Tổ quốc. Rồi ông bén duyên với người con gái Lào xinh đẹp. Đến năm 1975, cùng với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đất nước Lào được giải phóng. Để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, Chính phủ Lào chủ trương buộc những người ngụ cư trái phép không phải người bản xứ phải rời khỏi Viêng Chăn. Ông theo vợ về huyện Mẹt sinh sống. Đến năm 1982, duyên phận lận đận, không con cái, người vợ xấu số đã lìa bỏ ông vì căn bệnh sốt rét ác tính. Cuối năm đó ông lấy vợ thứ 2. Vợ ông  là người dân tộc Lào Cang. Hai vợ chồng sinh được 9 người con (8 gái, 1 trai).

Ngày 11/12/2000 ban công tác huyện Mẹt làm lễ truy điệu 2 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, Chuyên gia Việt Nam hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Trưa hôm đó Huyện tổ chức liên hoan chia tay đoàn, ông Uy cũng ra tham dự. Tôi  hỏi: giờ ông có ý định về Việt Nam hay không? Ông nói : Tao muốn về lắm chứ, giờ không biết mẹ tao còn không? Các anh chị em dòng họ hiện nay như thế nào?. Hồi đó, tôi không dám hứa với ông là sẽ có ngày đưa ông về Việt Nam, mà chỉ nói với ông là sẽ liên lạc với gia đình. Ngày 12/12/2000 đoàn rời huyện Mẹt, hôm sau, tôi cầm bút viết 2 lá thư: một gửi cho UBND xã Tân Thịnh, một gửi ông Đặng Văn Ngữ (anh trai của ông Uy), báo tin ông Đặng Uy còn sống, anh em trong đoàn quy tập đã trực tiếp gặp.

 Cuối tháng 5/2001 đoàn kết thúc nhiệm vụ mùa khô năm 2000 - 2001 hành quân về nước, chiều ngày 28/05/2001 tôi đã có mặt tại gia đình, vợ tôi kể lại: Hồi tháng 3 có người nhà ông Đặng Uy quê Bắc Giang vào Bộ CHQS tỉnh, được anh Toàn - Ban Chính sách dẫn tới nhà ta và có để lại số điện thoại. Tối hôm đó, tôi điện cho gia đình người thân ông Uy và qua người nhà ông Uy tôi biết được: ông Đặng Uy đã có giấy báo tử công nhận liệt sỹ năm1968, mẹ mất năm 1980, hiện còn 2 bác: Đặng Quốc Ngữ và Đặng Quốc Trị cũng đã già yếu .

Kết thúc nhiệm vụ Mùa khô 2001 - 2002, chuẩn bị cho công tác bàn giao đưa tiễn hài cốt liệt sỹ Việt Nam về nước và kết luận địa bàn tỉnh Viêng Chăn, đồng chí Khăm Mừng hỏi tôi : trường hợp ông Hải, giờ giải quyết như thế nào? tôi nói: những trường hợp quân nhân bị địch bắt tù đày, sau này Chính phủ Việt Nam đều có chủ trương giải quyết chế độ chính sách: cho giám định thương tật, cấp thẻ thương binh, bệnh binh và thuộc diện người có công với cách mạng. Tôi nói thêm: ông Hải bây giờ đã  nặng duyên với bà con nhân dân các bộ tộc Lào, nặng nghĩa với vợ con, việc về Việt Nam  phải có điều kiện và thời gian, trước mắt chỉ tạo cơ hội cho ông Hải về thăm quê hương và gia đình, việc này trong tầm tay của chúng ta.

Ngày ký kết và bàn giao hài cốt Liệt sỹ giữa hai tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Hà Tĩnh, kết thúc nhiệm vụ mùa khô 2001-2002, đồng chí Khăm Mừng nói: Anh Sáu ơi, tôi đã cho anh em làm giấy thông hành cho ông Hải rồi, anh đưa ông Hải về nhé. Ngày 05/05/2002, đoàn xe đưa tiễn hài cốt quân tình nguyện - chuyên gia Việt Nam lên đường về nước, tôi cho ông Uy ngồi cùng Cabin, tới thị xã Pạc Xan đoàn nghỉ tại Ban CHQS huyện.Tôi tranh thủ sang trụ sở công ty 185 - QK 4 xin nhờ điện thoại về gia đình ông Đặng Uy và hẹn chiều ngày 8/5/2002 cho người vào nhà tôi đón ông Uy về. Đúng hẹn, chiều hôm đó sau khi làm xong thủ tục bàn giao hài cốt Liệt sỹ tại nghĩa trang Nầm - Hương Sơn - Hà Tĩnh, người nhà của ông Uy đã có mặt. Chú cháu chạy nhau ra ôm chầm lấy nhau trong niềm vui hạnh phúc và đầy nước mắt. Một tuần sau ông Đặng Uy quay lại nhà tôi cùng đứa cháu, ông nói: bàn thờ tao ở nhà vẫn còn, về thắp 3 nén hương, khấn cầu mong cho mình vẫn luôn mạnh khỏe, để sau này có dịp cùng con cháu về thăm quê hương, xong rồi tự tay dỡ bỏ bàn thờ, cất bằng Tổ quốc ghi công giữ làm kỷ niệm và sáng hôm sau ông ngược biên giới Tổ quốc trở lại với gia đình, vợ con, với bà con nhân dân các bộ tộc Lào. 

Năm 2005, lãnh đạo chính quyền tỉnh Viêng Chăn đã xây dựng cho ông Uy một ngôi nhà tình nghĩa trị giá trên 150 triệu tiền kíp, tương đương 300 triệu đồng tiền Việt tại Trung tâm huyện Mẹt, ông đã đưa gia đình ra huyện sinh sống. Tính đến nay đã hơn 14 năm, xa ông Đặng Uy, con trai út của ông năm nay cũng đã hơn 16 tuổi. Qua cán bộ tỉnh Viêng Chăn, tôi vẫn luôn hỏi thăm ông Uy và gia đình, được biết: hiện ông đã già bệnh nặng, con cái đã trưởng thành. 2 người con út của ông đã sang Việt Nam theo học Đại học ở Hà Nội và Thái Nguyên. Cả nhà ông đã tìm đường đến với họ hàng thân thuộc ở Lạng Giang - Bắc Giang .

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương chiến tranh của bao vạn người Việt, sự mất mát, chia ly, đau thương vẫn còn đó, nhưng dù sao trường hợp ông Đặng Uy - quê Bắc Giang với gia đình vẫn còn chút mau mắn, hạnh phúc. Kỷ niệm về hành trình đi tìm và đưa anh về với Tổ quốc, với người thân vẫn luôn hiện diện trong tôi như mới ngày nào, việc tuy nhỏ nhưng cũng đã làm vơi bớt đi sự mất mát chia ly dù chỉ là trường hợp của một gia đình.

Đậu Văn Sáu


    Ý kiến bạn đọc