Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc
EmailPrintAa
11:20 04/08/2016

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tăng cường quan hệ, hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng”(1), phong cách đó nói lên tình cảm lớn lao, tư tưởng sâu sắc mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ thường nhắc nhở đồng bào, đồng chí, đó là quan điểm về mở rộng quan hệ đối ngoại - hội nhập và đoàn kết quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc. Tư tưởng của Bác cũng soi rọi cho nền ngoại giao cách mạng hiện đại của Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta đã sớm khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dù là biên giới đất liền, trên không hay trên biển, đảo đều là bờ cõi giang sơn, là “phên dậu” của đất nước. Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; xác định đúng đắn vai trò quan trọng của biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo gắn liền với độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ; gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Làm theo tư tưởng của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta đã coi trọng và chủ động thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh; bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tuyến biên giới, vùng trời, biển, đảo. 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Cần khắc phục biểu hiện nhấn mạnh một chiều nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”(2). Bởi vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, biển, đảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển bền vững trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Trong tuyên bố về chính sách ngoại giao của Chính phủ ta gửi Chính phủ các nước trên thế giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”(3). Tư tưởng của Người đã thể hiện rất rõ lập trường nhất quán trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị nhưng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của nhau và mối quan hệ giữa các quốc gia phải bình đẳng, chống sự áp đặt, cường quyền. 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ mục tiêu đối ngoại và hội nhập quốc tế với 3 thành tố cơ bản: Một là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Hai là, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ba là, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong giải quyết những vấn đề nảy sinh trên biên giới, biển, đảo có liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, các địa phương và nhân dân trên tuyến biên giới, luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại của Đảng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên tinh thần bình đẳng, không áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, tạo ra sự đồng cảm, nhất trí cao. Đồng thời, thường xuyên tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan hệ với chính quyền địa phương đồng cấp của bạn để hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học kỹ thuật,… và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết, hai bên cùng có lợi. 

Để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, lực lượng vũ trang chuyên trách, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần trách nhiệm, ý thức quốc gia, quốc giới, chủ quyền, độc lập dân tộc và vận động nhân dân tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của bạn, ứng xử trên biên giới, biển, đảo với tinh thần bình đẳng, hữu nghị. Tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân tạo nên sức mạnh tại chỗ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo; đồng thời nâng cao vị thế của ta trong quan hệ đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là một bộ phận gắn liền với bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, khi nói chuyện với cán bộ cao cấp của lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Người đã căn dặn: “Một mảnh đất, một ngọn suối, một rừng cây, một đảo nhỏ nơi biên giới, vùng biển là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ta phải kiên quyết bảo vệ”. Đồng thời, Người cũng đề cao tình đoàn kết hữu nghị với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, Người viết: “Quan sơn muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”(4).

Đối với nhân dân Lào anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long; với nhân dân Campuchia, Người chỉ rõ: Hai dân tộc luôn đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung; với nhân dân Trung Quốc, Người cho rằng: vừa là đồng chí vừa là anh em. Những mối quan hệ truyền thống ấy phải được duy trì, củng cố, phát triển để làm cơ sở cho quan hệ hợp tác quốc tế cho các thế hệ sau. Tư tưởng của Hồ Chí Minh là những giá trị chân lý, bài học kinh nghiệm quý báu để lại cho dân tộc ta và quân đội ta. Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta luôn kiên định về nguyên tắc phải giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, đồng thời phải có những biện pháp, giải pháp và đối sách linh hoạt, mềm dẻo; tùy trường hợp cụ thể mà xác định mặt hợp tác, mặt đấu tranh cho phù hợp, không nên chỉ chú trọng đến đối sách đấu tranh mà quan trọng là cần nắm bắt được chiều hướng phát triển của vấn đề - sự kiện, phán đoán và dự báo được khả năng phát triển của tình hình trên khu vực biên giới, biển đảo để chủ động đề xuất những phương án giải quyết trước mắt và lâu dài vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được quan hệ hữu nghị với các nước có chung đường biên giới, biển, đảo.

Hai là, giải quyết các vấn đề trên biên giới, biển, đảo bằng đàm phán thương lượng. 

Bác Hồ là người rất yêu chuộng hòa bình và suốt đời phấn đấu cho hòa bình độc lập của các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam; nhưng theo Bác, hòa bình phải gắn với độc lập, tự do và chủ quyền đất nước; kiên trì quan điểm lấy đối thoại thay cho đối đầu, đối thoại trên cơ sở tình, lý để phân giải các mối bất hòa. Người căn dặn: “Phải nắm vững nguyên tắc cứng rắn với sách lược nềm dẻo… lạt mềm nhưng buộc chặt”(5). Thực tiễn trên tuyến biên giới, biển, đảo chủ quyền của nước ta do lịch sử để lại còn nhiều vấn đề nhạy cảm dễ dẫn đến tranh chấp, xung đột vũ trang; hơn nữa, do điều kiện địa lý nên biên giới giữa nước ta với các nước là biên giới mở; các mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu giải quyết thấu đáo. Vì vậy, những nảy sinh trên biên giới giữa hai bên như: xâm canh, xâm cư, nhu cầu hưởng lợi từ nguồn nước trên sông, suối biên giới, thậm chí chỉ là những khu vực chăn thả gia súc trên biên giới,… cũng là những nguyên nhân có thể dẫn đến bất đồng trong quan hệ hai bên. Giải quyết những vấn đề trên phải bằng đối thoại trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đồng thời tạo ra bầu không khí cởi mở, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, giúp cho đàm phán giải quyết mọi vấn đề trên biên giới, biển, đảo được nhanh chóng, thuận lợi.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về giải quyết các vấn đề về biên giới, biển đảo quốc gia, chúng ta đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước đàm phán giải quyết với các nước về vấn đề biên giới; ở các địa phương, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã biên giới, vùng, biển, đảo quan hệ với chính quyền đồng cấp của bạn để trao đổi tình hình, bàn bạc giải quyết các vấn đề thấu tình, đạt lý. Trong quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước có chung biên giới với nước ta, Bộ đội Biên phòng đã phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định của mỗi nước để phối hợp lẫn nhau. Theo đó, quan hệ với Trung Quốc đã dựa vào quan hệ hữu nghị truyền thống và phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Với Lào phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt vốn có, củng cố vun đắp tình hữu nghị, đập tan mọi âm mưu lợi dụng vấn đề biên giới chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch. Với Campuchia, trong quan hệ cần khơi dậy mối quan hệ truyền thống trong chiến đấu chống kẻ thù chung, tranh thủ lực lượng tiến bộ của bạn làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây mất ổn định trên biên giới, vùng biển. 

Ba là, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo.

Hợp tác và đấu tranh là hai mặt của những quan hệ quốc tế trong tình hình hiện nay. Trong hợp tác, các đối tác chưa hẳn đã thống nhất nhau về lợi ích, vì vậy cần phải đấu tranh để bảo đảm lợi ích mỗi bên. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ chiến lược của công tác đối ngoại trong tình hình mới là: Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(6). Các quan điểm đổi mới trên bảo đảm tính nguyên tắc là một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, có tầm định hướng, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo. Nắm bắt được tính tất yếu của hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập”(7). Học tập và làm theo tư tưởng của Người là hợp tác không phải trên áp đặt, ảnh hưởng đến chủ quyền của nhau mà cần phải đấu tranh hạn chế tối đa những tác động xấu, tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Mặt khác, hợp tác là thân thiện, tương trợ, ủng hộ, giúp đỡ nhau tạo ra sức mạnh cộng đồng có lợi cho các bên.

Hoạt động đối ngoại biên phòng giải quyết các mối quan hệ trên biên giới, lãnh thổ, biển, đảo quốc gia theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh là nhiệm vụ quan trọng giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng và củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và bền vững lâu dài. 

Biên giới, biển, đảo của nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn định có thể dẫn tới tranh chấp, căng thẳng. Các thế lực thù địch luôn có âm mưu lôi kéo các nước láng giềng gây xung đột biên giới, tạo cớ can thiệt. Vì vậy, các đơn vị làm nhiệm vụ chuyên trách theo dõi, nắm chắc tình hình, vận dụng quy luật hợp tác, đấu tranh trong quan hệ quốc tế để giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới đất liền và trên biển, đảo với các nước láng giềng theo đúng luật pháp, tập quán quốc tế và bảo đảm lợi ích các bên. Trong đấu tranh phải giữ vững nguyên tắc, không thỏa hiệp, nhân nhượng, nhưng không cứng nhắc, rập khuôn; linh hoạt về hình thức, phương pháp, mềm dẻo về sách lược, lấy mục tiêu giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ làm mục tiêu cần đạt được. Đẩy mạnh tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để tạo mối quan hệ hòa hiếu hai bên, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực để đẩy lùi lấn chiếm, giảm tải căng thẳng đối đầu trên biên giới, biển, đảo. 

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ hợp tác và đấu tranh trên biên giới đất liền và các vùng biển, đảo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tạo được sự tin cậy lẫn nhau, tăng điểm tương đồng và hạn chế bất đồng, đó cũng chính là điều kiện môi trường để chúng ta xây dựng tuyến biên giới trên đất liền và biển, đảo hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và phát triển bền vững.

___________________________

(1) Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác biên phòng, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2001, tr. 262.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016 .tr, 147-148

(3) Thông tin tổng hợp, Nxb Thông tin lý luận chính trị, HN 1990, tr. 114.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2001, tr. 10.

(5) Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, HN 1999. tr. 95.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr. 153.

(7) Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác biên phòng, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2001, tr. 286.

Đại tá, PGS, TS KHQS. Trần Nam Chuân
Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng


    Ý kiến bạn đọc