Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Chỗ dựa tin cậy của các nạn nhân
EmailPrintAa
15:02 04/08/2016

Lịch sử không bao giờ quên ngày 10/8/1961, ngày đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin trên chiến trường Việt Nam, khơi mào cho một cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất (1961 - 1971), gây ra hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Cuộc chiến tranh đó đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm CĐDC, hơn 3 triệu người là nạn nhân đang sống quằn quại với những bệnh tật dày vò, dị dạng, tật nguyền.

Với Hà Tĩnh, theo thống kê có gần 20 ngàn người tham gia hoạt động kháng chiến và con cháu họ bị phơi nhiễm CĐDC, trong đó có trên 7 ngàn người đã được công nhận hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, còn hàng chục ngàn người chưa được hưởng chế độ. Gần 3,5 ngàn người mắc bệnh cần phải điều trị, trong đó có hàng trăm người mắc bệnh nan y và bệnh hiểm nghèo; gần 2 ngàn người cần được phục hồi chức năng, nuôi dưỡng tập trung, học nghề và giải quyết việc làm. Hàng trăm gia đình sinh con ra bị quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh, không biết nói, biết cười, không nhìn được, không đi lại được, nhiều người đã 25 - 30 tuổi mà cân nặng chỉ 10 - 15 kg, phải sinh hoạt tại chỗ, đa số không tự phục vụ được bản thân, nhiều người phải sống thực vật. Hơn 1,5 ngàn gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.

Trước thực tế đó, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, ngày 08/8/2006, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Hà Tĩnh được thành lập và đi vào hoạt động. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Xác định công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đồng thời là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Hội các cấp. Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể nhân dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ nạn nhân CĐDC/dioxin. Tất cả các đợt vận động đều thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần tiếp thêm sức mạnh, giúp cho Hội hoạt động có hiệu quả. Từ nguồn Quỹ vận động được gần 40 tỷ đồng, Hội đã thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân như: đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị một Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, xông hơi, giải độc cho nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh với tổng trị giá gần 12,5 tỷ đồng; làm mới và sửa chữa 424 ngôi nhà tình thương, trị giá trên 10,8 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất 185 suất, trị giá hơn 684 triệu đồng; tặng học bổng 1.178 suất, trị giá 617 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn 695 suất, trị giá hơn 710 triệu đồng; hỗ trợ thiên tai, bão lụt 552 suất, trị giá hơn 707 triệu đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh 1.878 suất, trị giá trên 586 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà nhân lễ tết và ngày 10/8 hàng năm trên 33.528 suất, trị giá hơn 10,2 tỷ đồng; hỗ trợ nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, xông hơi, giải độc 594 lượt nạn nhân, trị giá trên 1,2 tỷ đồng; các hỗ trợ khác trị giá trên 872 triệu đồng và một số hiện vật như: gạo, mỳ tôm, đường sữa, bánh kẹo và hàng trăm bộ quần áo, chăn màn, xe lăn, xe lắc... Kết quả hỗ trợ tuy chưa được nhiều so với những mất mát mà các nạn nhân CĐDC đang phải gánh chịu, nhưng phần nào đã giúp cho họ vơi bớt nỗi đau về tinh thần và thể xác, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm phát triển tổ chức hội và trở thành cầu nối giữa hội viên - nạn nhân với cấp ủy đảng, chính quyền, với các tổ chức, doanh nghiệp, các đoàn thể nhân dân, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân về mọi mặt. Khi mới thành lập, Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2006 - 2013) chỉ với 65 cán bộ, hội viên, đến nay đã có 100% tổ chức hội ở ba cấp từ tỉnh đến cơ sở, với tổng số hội viên toàn tỉnh là 12.568 hội viên, trong đó hội viên là nạn nhân 7.403 người và 5.165 hội viên danh dự. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, Hội cơ sở xã, phường, thị trấn chưa được công nhận đặc thù, kinh phí hoạt động, phụ cấp, cơ sở vật chất và nơi làm việc đều chưa có. Cán bộ hội chuyên trách các cấp đều là những người nghỉ hưu, phần đông là từ quân đội, nhiều người là thương binh, bệnh binh, nạn nhân CĐDC, tuổi cao sức khỏe hạn chế, nhưng luôn phát huy phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, không tính toán thiệt hơn, tất cả vì nạn nhân chất độc da cam, vì đồng đội yêu thương. Đó là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy tổ chức Hội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Hàng năm có trên 60% tổ chức Hội cơ sở đạt vững mạnh, còn lại là đơn vị khá, không có yếu kém và 100% tổ chức Hội cấp huyện đạt vững mạnh, trong đó có trên 40% đơn vị đạt vững mạnh xuất sắc. Thông qua các hoạt động của Hội đã góp phần đáng kể trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân cả vật chất lẫn tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các nạn nhân CĐDC và thân nhân của họ. Cũng từ đó nhiều nạn nhân đã vượt khó vươn lên chính mình, tham gia lao động sản xuất cải thiện cuộc sống bản thân, gia đình, góp phần ổn định an sinh xã hội và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Qua 10 năm hoạt động, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hà Tĩnh đã được Trung ương Hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh nhà ghi nhận; cán bộ, hội viên, nạn nhân tin tưởng, đánh giá cao. Hội đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 5 bằng khen cho 3 tập thể, 2 cá nhân; Trung ương Hội tặng 26 bằng khen cho 9 tập thể, 17 cá nhân, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng 2 bằng khen cho 2 cá nhân; Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng bức trướng mang dòng chữ "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC/Dioxin"; UBND tỉnh tặng 63 bằng khen (29 tập thể, 34 cá nhân); Ủy ban MTTQ tỉnh tặng 15 bằng khen (7 tập thể, 8 cá nhân), và hàng chục tập thể, cá nhân Hội cấp huyện, cấp xã được UBND cấp huyện, cấp xã tặng giấy khen.

Mười năm hoạt động đã qua 2 kỳ Đại hội, khoảng thời gian chưa dài, nhưng Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hà Tĩnh đã trưởng thành nhanh chóng. Hội thực sự là tổ ấm, mái nhà chung và là chỗ dựa tin cậy của các nạn nhân CĐDC trong tỉnh. Tin tưởng, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn, góp phần giúp đỡ nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn, xóa bỏ mặc cảm, tự ty, vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội.

Nguyễn Quang Tiến

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh


    Ý kiến bạn đọc