Một số kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ
EmailPrintAa
15:05 04/08/2016

Viết sử là tái hiện lại lịch sử bằng ngôn ngữ viết, là tổng kết lại lịch sử để rút ra những bài học có ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin sức mạnh giúp các thế hệ sau làm nên những trang sử mới tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên một cuốn sử dù công phu đến mấy vẫn không thể diễn tả hết lịch sử và không thể thoát khỏi dấu ấn phong cách, quan điểm, sự nhìn nhận của người cầm bút cũng như sự chi phối Ban chỉ đạo biên soạn cuốn sách. May chăng các nhà viết sử chỉ tái hiện được những nét cơ bản nhất, xuyên suốt chiều dài lịch sử để người đọc hiểu đúng bản chất của tiến trình lịch sử đã qua. Hơn nữa tùy theo tính chất từng loại sử mà mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử được tái hiện theo những góc độ, liều lượng khác nhau. Tất cả mọi cuộc tập huấn nghiệp vụ Biên soạn lịch sử bổ ích cũng chỉ là sự cung cấp những nguyên lý chung, phương pháp chung nhất chứ không thể nào làm thay được những người cầm bút trong những môi trường, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Chẳng hạn, mọi người nghiên cứu, biên soạn lịch sử đều phải theo phương pháp logic và phương pháp lịch sử. Nhưng logic những vấn đề gì, lịch sử đến mức độ nào của những sự kiện thì chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể định liệu được…

Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 61% số xã biên soạn và xuất bản được cuốn lịch sử Đảng bộ. Số còn lại chưa tổ chức biên soạn được chủ yếu tập trung vào ba nhóm đặc thù. Thứ nhất là thiếu đội ngũ cán bộ có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ biên soạn lịch sử Đảng; Thứ hai là thiếu nguồn tài chính cần thiết để tổ chức biên soạn; Thứ ba là nhóm Đảng bộ mới ra đời có sự biến động về mặt tổ chức…

Để giải quyết cụ thể cho từng loại hình Đảng bộ này, thực ra không phải là không thể nào làm được. Chúng ta có thể tìm đến cơ quan chuyên môn thuê người viết, tạo nguồn kinh phải bằng cách xã hội hoá, tìm nguồn tài trợ kết hợp với xây dựng kế hoạch tài chính từ đầu năm. Đối với những Đảng bộ còn ít thời gian thì có thể viết theo các thể loại khác như mấy năm hoạt động của Đảng bộ; sự kiện chủ yếu của Đảng bộ thay cho cuốn lịch sử Đảng bộ...

Từ thực tế theo dõi và trực tiếp tham gia biên soạn nhiều cuốn sách Lịch sử Đảng bộ, chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm về công tác nghiên cứu biên soạn như sau:

1. Đối với công tác tư liệu: Muốn tổ chức Biên soạn được Lịch sử Đảng bộ đúng nghĩa và đảm bảo yêu cầu thì việc làm cần thiết đầu tiên là làm tốt công tác tư liệu. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuốn sách. Bởi nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ có chuyên môn viết lịch sử Đảng bộ nhưng không có nguồn tư liệu cần thiết thì người viết giỏi mấy cũng đành bó tay. Tư liệu Lịch sử Đảng cần có là gì? Đó là toàn bộ các tài liệu báo cáo, nghị quyết, văn bản đệ trình, kết quả các kỳ Đại hội Đảng bộ; các loại báo cáo hàng năm gửi cấp trên; sổ ghi biên bản các nhiệm kỳ; tài liệu ghi chép một số sự kiện tiêu biểu, cách giải quyết bằng sự lãnh đạo của Đảng bộ, cấp ủy địa phương; sự kiện tạo ra bước ngoặt của Đảng bộ; Văn bản những ý kiến đánh giá chỉ đạo của cấp ủy cấp trên với Đảng bộ; Báo cáo hàng năm của chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong Đảng bộ; Danh hiệu đạt được, thành tích khen thưởng các loại... Nhìn vào danh mục đó, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt cuốn Lịch sử Đảng với mọi cuốn sách có dạng sử thông thường.

Đối với những Đại hội đã quá lâu không còn tài liệu chúng ta cần đi sưu tầm, thu nhận hồi ký, tổ chức thẩm định tài liệu; sau đó cấp ủy xác thực đóng dấu niêm phong. Viết Lịch sử Đảng phải theo tài liệu của Đảng, tuyệt đối không dựa vào hồi ký, nhớ lại, theo tài liệu của địch, tài liệu không được thẩm định, suy diễn... làm căn cứ gốc để viết. Đây là điều đáng tiếc cho những cuốn sử đã xuất bản không được tổ chức thẩm định khoa học.

2. Đối với cán bộ biên soạn: Hiện nay đội ngũ cán bộ sử học của Hà Tĩnh khá đông. Tuy nhiên đội ngũ này có rất nhiều chuyên ngành khác nhau ngoài chuyên ngành Lịch sử Đảng của Đại học Khoa học xã hội nhân văn (được đào tạo để nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng). Như thế không phải cán bộ nào cũng đều có sở trường nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng kể cả giảng viên Lịch sử Đảng. Do đó khi chọn lựa người viết nên chọn đúng chuyên ngành hoặc là những người đã có kinh nghiệm tham gia viết Sử Đảng. Một thực tế ở địa phương là không thể làm theo quy trình chính quy như: xây dựng ý tưởng, xây dựng đề cương sơ lược, đề cương chi tiết, hội thảo đề cương, viết bản thảo, tổ chức hội thảo nhiều lần... Có một kinh nghiệm quan trọng là khi có đủ tài liệu cần thiết, hợp đồng khoán trọn gói cho người chuyên trách viết Lịch sử Đảng hoặc tìm người viết thảo chi tiết, sau đó thuê chuyên ngành biên tập và nâng cấp. Khi đã có bản thảo nếu có thể được thì tổ chức hội thảo sửa chữa, bổ sung để bỏ qua được rất nhiều thời gian quá độ, đây là khâu then chốt quyết định chất lượng bản thảo.

3. Về mốc thời gian: Viết Lịch sử Đảng bộ là viết lại quá trình hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ bao gồm các chủ trương của Đảng qua các nghị quyết; việc tổ chức thức hiện các chủ trương ấy đúng sai thế nào; kết quả được thể hiện ở các tổ chức đoàn thể nhân dân và những bài học thành công hay chưa thành công của Đảng bộ. Vì thế, mốc thời gian của từng thời kỳ có phần gần nhau tương đối giữa các Đảng bộ, nhưng không có nghĩa là lịch sử của các Đảng bộ phân chia thời gian giống hệt nhau. Mỗi Đảng bộ tùy mốc lịch sử tạo bước ngoặt mà phân chia cho phù hợp. Thời gian dừng lại của mỗi cuốn sử cũng là vấn đề cần quan tâm; vì Lịch sử Đảng mang tính Đảng và do cấp ủy chịu trách nhiệm xuất bản. Cuốn sử viết ra thường gắn liền với dấu ấn của các cấp lãnh đạo vì thế không nên viết đến tận ngày hôm nay để đảm bảo tính khách quan khoa học và có giá tri lâu dài…

Còn rất nhiều kinh nghiệm khác cần trao đổi thêm. Vì ý nghĩa của việc biên soạn lịch sử Đảng, rất mong các tổ chức đảng luôn có sự phân công tạo thuận lợi cho công việc biên soạn thời gian tiếp theo.

   Trần Quang Trung


    Ý kiến bạn đọc