Thông tin sinh hoạt chi bộ
EmailPrintAa
14:53 03/08/2016

* Kết quả quan trọng Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 04 đến 07/7/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ ba để bàn và quyết định một số nội dung quan trọng. Các đồng chí tham dự Hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Bộ Chính trị đã tiếp thu các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, sau đó Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, nhất trí thông qua:

Thứ nhất, về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII:

So với khóa XI, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa này đã được sửa đổi, bổ sung một số điểm mới, cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư... Đặc biệt, Quy chế lần này bổ sung thêm nhiều điểm mới quan trọng về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, về định hướng, quan điểm, mục tiêu và một số giải pháp lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống trên một số lĩnh vực cụ thể. Đồng thời bổ sung một số điểm mới về việc chuẩn bị tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội...

Đây là những văn bản rất quan trọng, cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thứ hai, về Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng: Trên cơ sở báo cáo tổng kết thi hành Điều lệ Đảng khóa XI, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và trước đòi hỏi của thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến quy định rõ hơn những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn vướng mắc, bất cập. Trung ương đã thống nhất việc bổ sung, hướng dẫn cụ thể, rõ hơn về các vấn đề như: về thẩm quyền thi hành kỷ luật của chi bộ; về sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở và chi bộ; về thời gian dự bị của đảng viên để tính tuổi đảng; về phân cấp trong xem xét, giải quyết khiếu nại; về điều kiện chỉ định đảng viên ngoài đảng bộ tham gia cấp ủy; về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận; về hình thức khen thưởng trong đảng, về công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, về nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp; về thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật, về khiếu nại kỷ luật đảng... Đây là những vấn đề quan trọng thuộc phương pháp, quy trình thủ tục và nghiệp vụ của công tác Đảng cần phải được tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 để trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XIV bầu hoặc phê chuẩn; bầu bổ sung một đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu và cho ý kiến vào Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ hai đến Hội nghị lần thứ ba và một số vấn đề quan trọng khác. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí Trung ương để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy những kết quả, ưu điểm đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và cả năm 2016.

* Những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta 6 tháng đầu năm 2016

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2016 ở nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và môi trường biển. Rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Kết quả đạt được thể hiện ở một số lĩnh vực sau:

(1). Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI tháng 06/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,35 % so với đầu năm và CPI bình quân 6 tháng tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.

(2). Vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng ổn định: Thu hút vốn FDI tăng trưởng khả quan, tổng vốn đăng ký 6 tháng đầu năm 2016 là 11,28 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó FDI thực hiện trong 6 tháng 2016 lên mức gần 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.                                                                             

(3). Tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, lãi suất có xu hướng giảm, thanh khoản ổn định; tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến ổn định trở lại so với cuối năm 2015; thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Tính đến hết ngày 20/6/2016, tăng trưởng tín dụng bằng VND tăng 6,2%. Lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ (0,1-0,2%) sau 2 đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động (0,2-0,4%) của các ngân hàng trong tháng 2 và đầu tháng 4/2016.

(4). An sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2016 là 4.376 tỷ đồng; hỗ trợ các hộ thiếu đói 14 nghìn tấn lương thực.                                           

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều lĩnh vực cần phải có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới đó là:

 (1). Tăng trưởng kinh tế sụt giảm, GDP 6 tháng đầu năm 2016 tăng 5,52% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (6,32%). Với tốc độ tăng trưởng này thì GDP của cả năm khó đạt theo kế hoạch (6,7%).

(2). Động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và khu vực FDI. Các doanh nghiệp FDI chiếm gần 70% tỷ trọng xuất khẩu và 59% tỷ trọng nhập khẩu. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước (gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) tạm ngừng hoạt động, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016 là 31.119 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

(3). Cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) còn khó khăn, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước tính đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm. Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước tính đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm. Như vậy, bội chi NSNN 6 tháng đầu năm 2016 ước 85,7 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 34% dư toán năm, chiếm gần 4,4% GDP 6 tháng đầu năm.

(4). Đời sống nhân dân ở một số nơi còn khó khăn, 6 tháng đầu năm, cả nước có 201,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 832,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 10,1%.

Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có giải pháp phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp, nhất là chế biến hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phuc những bất cập từ biến đổi khí hậu. Khẩn trương khôi phục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở các địa phương có sự cố môi trường biển.

Thứ tư, khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khâeu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm ngheo bền vững. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

* Dư luận báo chí nước ngoài về việc Việt Nam công bố nguyên nhân hải sản chết ở vùng biển miền Trung

Ngay sau khi Việt Nam họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng hải sản chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, nhiều tờ báo nước ngoài đã đưa đậm nét thông tin liên quan đến vụ việc này với tiêu đề "Việt Nam phạt doanh nghiệp Đài Loan 500 triệu USD". Nội dung nhiều bài viết phản ánh khá trung thực kết luận của các cơ quan chức năng Việt Nam về nguyên nhân cá chết. Đáng chú ý như Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin nhân dân Việt Nam phần lớn đồng tình vơi việc xử lý doanh nghiệp xả thải. Nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ làm như vậy là đúng đắn và mong răng khoản tiên phạt có thê giúp xử lý môi trường và cải thiện cuộc sống của những hộ dân chịu ảnh hưởng. Tin tức tham khảo của Tân Hoa xã, Việt Nam đã huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đê thu thập, phân tích dữ liệu, sau đó còn có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế để xác định nguyên nhân cá chêt... Bloomberg (Mỹ) ngày 1/7 cho rằng cuộc khủng hoảng cá chết giống như một phép thử với Chính phủ phải cân bằng mong muốn tăng đầu tư nước ngoài, song cũng phải chứng tỏ rằng họ không bị các công ty nước ngoài "dắt 'mũi. Báo Nikkei (Nhật Bản) có bài viết với tiêu đề: “Formosa Plastics bị phạt 500 triệu USD do làm nhiễm độc nước tại Việt Nam". Tờ báo bình luận đây được coi là khoản phạt cao nhất từ trước đến nay áp dụng đối với một công ty hoạt động tại Việt Nam....

Tuy nhiên, bên cạnh những tờ báo đưa thông tin trung thực và khách quan về nguyên nhân cá chết cũng như những giải pháp mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực từng bước khắc phục sự cố thì vẫn còn không ít tờ báo, trang mạng nước ngoài (ĐanChimViet.info, RFI, VOA) khai thác ý kiến cá nhân của một số người có quan điểm không đồng tình với kết luận nguyên nhân cá chết và mức bồi thường; xuyên tạc những giải pháp của Chính phủ và những cam kết tiếp tục giải quyết hậu quả sự cố về môi trường của Công ty Fomosa Hà Tĩnh; kích động người dân đi biểu tình và kiện ra tòa để đòi bồi thường... Đây là các trang mạng lâu nay luôn xuyên tạc, bôi xấu về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam nhất là trong các dịp Đại hội XII của Đảng, Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua.

* Xung quanh việc Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện giữa Phip-lip-pin và Trung Quốc

Một số diễn biến chính của vụ việc: Ngày 22/01/2013 Phi-lip-pin bắt đầu đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Ngày 19/2/2013, Trung Quôc bác bỏ đơn kiện của Philippin và không tham gia vào vụ xử của PCA. Ngày 21/6/2013, PCA khẳng định họ có đủ thẩm quyền phân xử vụ kiện theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS. Tháng 8/2013, Trung Quốc gửi công hàm cho PCA để tái khẳng định quan điểm “không chấp nhận” phán quyết của PCA. Ngày 29/10/2015, PCV ra thông báo đủ thẩm quyền phán quyết đối với khoảng một nửa số đệ trình của Phi-lip-pin, đồng thời bác bỏ các phản bác của Trung Quốc. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ kiện giữa Cộng hòa Phi-lip-pin và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Toàn văn phán quyết của PCA gồm 497 trang, trong đó có một số nội dung đáng quan tâm, đó là: (1) PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); (2) Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”; (3) Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế; (4) Trung Quốc đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Phi-lip-pin tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông; (5) Những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Phi-lip-pin trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Vphản ứng của các nước khi PCA ra phán quyết:    

Đối với Trung Quốc: thời điểm trước khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã tăng cường công tác tuyên truyền về vụ kiện thông qua kênh ngoại giao. Nhiều đại sứ của Trung Quốc ở các nước (Anh, Mê-xi-cô...) đã viết bài, trả lời phỏng vấn trên các báo, đài nước sở tại... nội dung chính đều thể hiện thái độ “3 không”: Trung Quôc không tham gia, không công nhận và không thi hành phán quyết của Tòa. Sau khi Tòa ra phán quyết, ngay lập tức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra Tuyên bố 5 điểm gồm: (1) Lập trường của Trung Quốc rõ ràng và nhất quán là Tòa Trọng tài không có thẩm quyền và Trung Quốc không chấp nhận tham gia vụ kiện. Phán quyết này là vô hiệu, không có tính ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết. (2) Hành vi đề xuất trọng tài của Phi-lip-pin là ác ý và vi phạm luật pháp quốc tế bởi: (3) Hành vi cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài là không công bằng và không hợp pháp, nhìn nhận sai lầm hiệu lực pháp lý của cam kết liên quan trong DOC, bỏ qua một cách ác ý tuyên bố loại trừ của Trung Quốc theo điều 298 trong UNCLOS. (4) Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Biển Đông trong bất kỳ tình huống nào đều không bị ảnh hưởng bởi phán quyết, Trung Quốc phản đối và không chấp nhận bất kỳ chủ trương và hành động dựa trên phán quyết trọng tài này. (5) Trong vấn đề lãnh thổ và tranh chấp phân định biển, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phương thức giải quyết nào của bên thứ ba, không chấp nhận bất kỳ phương án giải quyết tranh chấp áp đặt nào đối với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khẳng định: “Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết”.

Về phía Phi-lip-pin, Ngoại trưởng Phi-lip-pin gọi phán quyết là một quyết định “lịch sử quan trọng”, phán quyết sẽ đóng góp quan trọng để giải quyết các tranh chấp biển hiện nay, đồng thời kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế và bình tĩnh”.

Đài Loan, phản đối phán quyết và cho rằng, phán quyết liên quan đến đảo Ba Bình (đảo duy nhất do Đài Loan kiểm soát ở Trường Sa) đã “làm suy yếu nghiêm trọng” các quyền lãnh thổ của Đài Loan; khẳng định Đài Loan có quyền và lợi ích đối với các đảo tại Biển Đông theo luật biển và luật quốc tế.

Các nước: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa, Ốt-xtrây-li-a,... ủng họ phán quyết của PCA và khẳng định phán quyết của Tòa là phán quyết mang "tính ràng buộc pháp lý và các bên liên quan phải tuân thủ”; khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc pháp trị và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng bức trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Về phía Việt Nam, “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển va đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

        * VĂN BẢN MỚI


Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định gồm 06 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016. Một số quy định chủ yếu của Quyết định:

- Mức trợ cấp một lần: (1) Mức trợ cấp: a) Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng (Bằng chữ: Một triệu tám trăm mười lăm nghìn đồng chẵn), b) Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh là 1.210.000 đồng (Bằng chữ: Một triệu hai trăm mười nghìn đồng chẵn); (2) Người có bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định này thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều này; (3) Không giải quyết mức trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này đối với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

- Nguồn kinh phí thực hiện: (1) Người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của cấp bộ: Do ngân sách trung ương bảo đảm và bổ sung có Mục tiêu cho địa phương để chi trả; (2) Người được tặng Bằng khen của cấp tỉnh: Do ngân sách địa phương bảo đảm. Ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có Mục tiêu cho các địa phương có ngân sách khó khăn theo cơ chế như sau: a) Hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; b) Hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; c) Các địa phương còn lại: Ngân sách địa phương tự bảo đảm; (3) Căn cứ báo cáo của các địa phương, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bổ sung có Mục tiêu cho các địa phương để thực hiện chế độ trợ cấp một lần và chi phí chi trả theo quy định; (4) Chi phí chi trả cho công tác xét duyệt, chi trả chế độ trợ cấp một lần quy định tại Quyết định này bằng 1,7% tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng.

(Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)


    Ý kiến bạn đọc