Trả lời một số câu hỏi liên quan đến sự cố môi trường biển
EmailPrintAa
11:16 04/08/2016

Liên quan đến sự cố môi trường biển xảy ra tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Để phần nào giải đáp những ý kiến đó, Tạp chí Thông tin - Tư tưởng xin nêu một số trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.

Câu hỏi: Hãy cho biết các chính sách Hà Tĩnh sẽ triển khai để hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, xuất khẩu lạo động, đóng mới và cải hoán tàu cá... do sự cố môi trường?

Trả lời:

1. Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 01/7/2016 về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường, cụ thể như sau:

1.1. Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế

UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV, dịch vụ hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo các chính sách khác. Đối với trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm hộ gia đình hoặc nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng sẽ được hoàn trả lại số tiền bảo hiểm y tế do cá nhân đã đóng góp cho những tháng còn lại.

Thời gian hỗ trợ: Từ ngày 01/7/2016 đến 30/6/2017.

1.2. Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề:

UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác) đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ ngày 01/7/2016 đến 31/12/2016, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mức vay vốn hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.

1.3. Về chính sách khai thác hải sản và hậu cần nghề cá:

a) Đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, được ngân sách hỗ trợ;

+ Đối với tàu công suất từ 400 CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng;

+ Đối với tàu công suất từ 250CV đến dưới 400 CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng;

+ Đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 250 CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng;

+ Khi vay vốn để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, mua trang thiết bị: Hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm và bốc xếp hàng hóa trên tàu cá: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/6/2021, với mức hỗ trợ 7%/năm cho 05 năm đầu tiên và 6%/năm cho 10 năm tiếp theo. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1.000 triệu đồng/một tàu.

b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm.

c) Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ, tối đa 1.600.000 đồng/ người.

d) Hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh kết nối với trạm bờ cho các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên 01 máy/01 tàu, tối đa không quá 30 triệu đồng.

e) Xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên, theo công nghệ vật liệu PU (Polyurethane), được hỗ trợ 5 triệu đồng/m3, tối đa 150 triệu/tàu.

f) Xây dựng mới cơ sở sản xuất nước đá (tại khu vực cảng cá và cửa biển đã được quy hoạch cảng cá) phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 10 tấn/mẻ đến dưới 20 tấn/mẻ, 200 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 20 tấn/mẻ trở lên.

2. Ngoài các chính sách của tỉnh, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có các chính sách mạnh hơn nữa để hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân như: hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá lên tàu trên 90CV, hỗ trợ khôi phục nuôi trồng, hỗ trợ xuất khẩu lao động...

3. Ngoài việc ban hành các chính sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, vay vốn đi xuất khẩu lao động; đồng thời thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc vùng bị ảnh hưởng môi trường biển đi làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án Tổng thể bồi thường thiệt hại, khôi phục sản xuất, khắc phục môi trường và các nội dung có liên quan sau sự cố môi trường, nhằm có giải pháp đồng bộ, thiết thực để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho Nhân dân.

Câu hỏi: Những độc tố do Formosa xả thải là những độc tố gì? Mức độ nguy hại của từng độc tố đối với môi trường trước mắt và lâu dài?

Trả lời:

Theo kết quả phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã xác định độc tố phenol và xyanua kết hợp với hydroxit sắt là các độc tố gây nguy hại cho môi trường biển.

Về mức độ nguy hại của các độc tố đối với môi trường:

Độc tính của Phenol: Trên góc độ môi trường, phenol và các dẫn xuất của phenol được xếp vào loại chất gây ô nhiễm. Đây là nhóm độc tố có khả năng tích luỹ trong cơ thể sinh vật và có khả năng gây nhiễm độc cấp tính, mãn tính đối với con người. Khi xâm nhập vào cơ thể các phenol nói chung và Clophenol nói riêng gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan và hệ thống khác nhau nhưng chủ yếu là tác động lên hệ thần kinh, hệ thống tim mạch và máu.

Độc tính của Xyanua: Khi đi vào cơ thể sinh vật, xyanua tác động lên men ôxy daza (có chức năng chuyển oxy từ máu đến các mô). Từ đó ngăn cản quá trình hấp thụ ôxy của tế bào làm cho tế bào chết đi. Nghiên cứu lâm sàng ghi nhận nếu chỉ nhiễm một lượng xyanua rất nhỏ thì sẽ không gây ngộ độc bởi chất này khi đi vào cơ thể sinh vật sẽ bị biến đổi thành CO2 và được đào thải ra ngoài trong vòng 24 giờ. Trường hợp nhiễm độc xyanua lượng lớn hơn một mg/l có thể dẫn đến tử vong.

Để đánh giá về mức độ nhiễm độc tại các vùng biển bốn tỉnh miền trung hiện nay, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu phân tích, đánh giá và cho biết, về lý thuyết sau 3 (ba) tháng, 80% hàm lượng phenol và xyanua sẽ tự phân hủy. Thời điểm này, các nhà khoa học đang làm đánh giá khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên - Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol và xyanua còn lại và sẽ công bố kết quả trong thời gian tới.

Câu hỏi: Cơ sở nào để Hà Tĩnh đồng ý cho Công ty Formosa thuê đất 70 năm?

Trả lời:

Theo Quy định tại Điều 13 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh ban hành kèm theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, thì các dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 36/11/2003 của Quốc hội, thì thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Do vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Chính phủ cho Formosa được ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 70 năm.

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc