Lần đầu tiên lá đỏ cờ liềm búa tung bay khắp thành thị và nông thôn, vẫy gọi công nông vùng lên đấu tranh lật đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Làng đỏ mọc lên khắp nơi. Ở nhiều tổng, nhiều làng và một số huyện, bọn hào lý, tri phủ, tri huyện khiếp sợ phải đưa ấn tín nộp cho cách mạng. Hòa chung với phong trào cách mạng của hai tỉnh, ở huyện Cẩm Xuyên hồi bấy giờ cũng là một điểm sáng của Hà Tĩnh.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư Tỉnh ủy, nhiều cán bộ, đảng viên trong toàn huyện đã tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên chống áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và triều đình phong kiến. Ngày 01/5/1930 ở các tổng: Lạc Xuyên, Thổ Ngọa, Mỹ Duệ… truyền đơn được rải khắp nơi, kêu gọi quần chúng tham gia đấu tranh vạch trần tội ác của bọn thống trị. Cờ đỏ liềm búa được cắm ở các vùng trọng điểm như: Đình chợ Chùa (Cẩm Thành), Đình chợ Quan (Cẩm Quan), Cầu Trung (Cẩm Thịnh)… Tình hình đó đã làm cho nhân dân rất tin tưởng, phấn chấn, bọn thống trị thì hoang mang, khiếp sợ. Khắp nơi hô vang khẩu hiệu “Phản đối đế quốc chiến tranh - Bênh vực Xô - Nga”. Phong trào cách mạng quần chúng sôi nổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ tổ chức Đại hội lần thứ nhất ở Miếu Cồn Thờ, thôn Khả Luật, xã Cẩm Hưng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Huyện ủy đầu tiên gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Liễn làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp toàn huyện. Trong tháng 7/1930 đã có hàng chục cuộc biểu tình tuần hành thị uy, biểu dương lực lượng quần chúng và uy hiếp kẻ thù.
Ngày 01/8/1930, ngày chống chiến tranh đế quốc đã được Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền sâu rộng và chuẩn bị cho một cuộc mít tinh lớn. Ngày 07/9/1930, lực lượng biểu tình đã tập kết ở Gia Dù (Cẩm Thành). Ngày 08/9/1930 kết hợp với huyện Thạch Hà kéo quân ra thị xã Hà Tĩnh bao vậy Tòa sứ đòi yêu sách. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Liễn, đông đảo quần chúng và lực lượng tự vệ có băng cờ, khẩu hiệu uy nghiêm và hô vang: “ Tinh thần 1/8 muôn năm - Phản đối đế quốc chiến tranh - Hòa bình thế giới muôn năm !”, Phản đối vụ tàn sát dã man của bọn đế quốc ở Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… Trong cuộc biểu tình này kẻ thù đã bắt 7 người và dùng vũ lực uy hiếp, song quần chúng vẫn hiên ngang tiến thẳng vào Tòa sứ. Tiếp sang ngày 09/8/1930, đồng chí Trần Hữu Chương, Phạm Thế, Phạm Truyện lại chỉ huy một đoàn quân trên 50 người từ xã Nhượng bạn kéo ra thị xã Hà Tĩnh. Nhưng khi đến làng Quán Kho (xã Cẩm Thành) thì bị bọn giám binh đem xe vào đàn áp, nhưng quần chúng vẫn hiên ngang phất cờ chặn xe chúng lại. Bọn chúng đã dã man bắn chế 7 người song không ai nao núng. Ngày 22/01/1931, kẻ thù đưa đồng chí Nguyễn Đình Liễn từ nhà lao Hà Tĩnh về xử chém tại sân vận động huyện lị Cẩm Xuyên. Trước khi nhát gươm kẻ thù chém rơi đầu, đồng chí Liễn vẫn hô vang khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”. Bọn chúng nghĩ rằng sau khi đồng chí Liễn bị chém và nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Huyện ủy bị bắt thì phong trào cách mạng Cẩm Xuyên sẽ tan rã. Nhưng trái lại, chúng càng đàn áp dã man thì quần chúng càng căm thù đấu tranh và cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn một cách quyết liệt. Do đó, mặc dù vào cuối năm 1930, đầu năm 1931 tình hình chung cả Nghệ - Tĩnh đã đi vào thoái trào, song ở huyện Cẩm Xuyên vẫn duy trì phong trào cách mạng cho đến cuối năm 1931 và đầu năm 1932. Tháng 2/1931 cuộc mít tinh hàng trăm người ở xóm Châu Sa (Cẩm Hòa) để nghe cán bộ tuyên truyền về chủ trương của Đảng, vạch mặt tội ác kẻ thù… Trung tuần tháng 3/1931 lại nổ ra một cuộc biểu tình lớn giữa hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên ở chùa Quầy thuộc tổng Hạ Nhất, Thạch Hà, có hơn 500 người tham gia, với khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc - Nam Triều phong kiến, lập chính phủ công nông, ủng hộ liên bang Xô Viết”. Cuối tháng 3/1931 lại nổ ra cuộc biểu tình hơn 600 người nhằm thị uy, bao vây, giải tán bộ máy tay sai ở các tổng, các làng. Ngày 30/4/1931 tổ chức rải truyền đơn và treo cờ liềm búa trên đỉnh núi Choác (Cẩm Hưng), Đình Gia Hội (Cẩm Vân). Ngày 01/5/1930 lại tổ chức một cuộc mít tinh lớn gần 15.000 người hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động với khẩu hiệu: “Ngày 1/5 muôn năm! - Công nông binh liên hợp lại đòi tăng lương, giảm giờ làm”. Ngày 31/7/1931, truyền đơn lại được rải khắp cả 4 tổng trong huyện, tố cáo tội ác kẻ thù. Tháng 11/1931 tờ báo tường “Bước Tới” ra số đầu tiên, nội dung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, giáo dục đảng viên, cổ vũ quần chúng, tố cáo tội ác quân thù.
Phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Cẩm Xuyên diễn ra liên tục với nhiều hình thức nên bọn mật thám Pháp đã ráo riết truy lùng, bắt bớ, tra tấn, giam cầm nhiều cán bộ, đảng viên. Điển hình như đồng chí Nguyễn Huỳnh, đồng chí Nguyễn Hữu Thái…bị chúng bắt và tra tấn dã man, nhưng các đồng chí luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, không hề để lộ bí mật của Đảng. Tháng 7/1932, đồng chí Nguyễn Hữu Thái thoát tù về tiếp tục khôi phục lại các chi bộ. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Cẩm Xuyên lại tiếp tục bùng nổ.
Cao trào Cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh là một mốc son chói lọi của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta từ khi mới ra đời. Trong đó Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã đóng góp xứng đáng trí tuệ và xương máu của mình vào thắng lợi vẻ vang đó. Đặc biệt, khi tình hình chung cả hai tỉnh Nghệ - Tĩnh đã đi vào thoái trào, ở Cẩm Xuyên vẫn duy trì được cuộc đấu tranh liên tục cho đến cuối năm 1931, đầu năm 1932. Đó là một điểm đặc thù, riêng có của Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phong trào cách mạng của Hà Tĩnh và của cả nước phát triển trong những năm tiếp theo.
Dương Xuân Thâu
_______________
* Tất cả sử liệu trong bài viết được trích từ cuốn Lịch sử Đảng bộ Cẩm Xuyên, Tập 1.
Tin mới cập nhật
- Những điểm mới và nội dung cốt lõi của đường lối đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng ( 05/09)
- Quốc hiệu Việt Nam qua các thời đại ( 05/09)
- Vận dụng bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ( 05/09)
- Củng cố và giữ vững lòng tin chính trị của nhân dân với Đảng ( 05/09)
- Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh ( 05/09)
- Niềm tự hào được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 05/09)