Hà Tĩnh tích cực triển khai các bước thống kê, xác định thiệt hại, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng
EmailPrintAa
09:04 05/09/2016

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về hướng dẫn việc thống kê, xác định thiệt hại cho người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, Hà Tĩnh đang tích cực, khẩn trương triển khai các bước nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng. Đây là vấn đề đang được nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân vùng bị ảnh hưởng hết sức quan tâm. Tạp chí Thông tin - Tư tưởng xin giới thiệu cùng bạn đọc về chủ trương của tỉnh, các bước tiến hành và những điểm lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện nội dung trên.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về hướng dẫn việc thống kê, xác định thiệt hại cho người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, Hà Tĩnh đang tích cực, khẩn trương triển khai các bước nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng. Đây là vấn đề đang được nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân vùng bị ảnh hưởng hết sức quan tâm. Tạp chí Thông tin - Tư tưởng xin giới thiệu cùng bạn đọc về chủ trương của tỉnh, các bước tiến hành và những điểm lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện nội dung trên

Nỗ lực thực hiện

Sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung từ tháng 4/2016 hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường và ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là người dân ven biển. Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN &PTNT) có công văn hướng dẫn kê khai, xác định thiệt hại cho bà con 4 tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với người dân để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống

Với tinh thần cần tiến hành khẩn trương nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng, sát thực tế và không để xảy ra các tiêu cực, lợi dụng nhận tiền bồi thường sai quy định, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 262 ngày 18/8/2016; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc tổ chức thực hiện ở các địa phương, cơ sở. Các tổ công tác chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc kê khai, xác định thiệt hại tại cấp huyện, cấp xã và thôn/xóm đảm bảo nguyên tắc, mục đích, yêu cầu và đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, kế hoạch của UBND tỉnh và các quy định hiện hành có liên quan; hàng ngày tổng hợp kết quả thực hiện tại các địa phương báo cáo UBND tỉnh; trường hợp phát hiện có vi phạm, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Từ ngày 18 - 20/8/2016, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức 4 lớp tập huấn tại 4 cụm cho trên 2.000 cán bộ từ cấp thôn, xóm đến cấp tỉnh về triển khai công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Các bước tiến hành phải đảm bảo đúngtheo quy định

Về xác định đối tượng: Có 2 đối tượng bị thiệt hại gồm: đối tượng trực tiếp và đối tượng gián tiếp. Đối tượng trực tiếp bị thiệt hại gồm: chủ tàu và người lao động trên tàu thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90 CV có đăng ký hộ khẩu và thực tế hoạt động khai thác thủy sản từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố; người lao động sống ven biển làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông; hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; người lao động làm thuê thường xuyên và thu nhập chính từ các cơ sở SXKD trong lĩnh vực thủy sản; tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình làm nghề muối bị thiệt hại trực tiếp; tổ chức, cá nhân trực tiếp thu mua, cơ sở chế biến thủy sản từ các tàu cá, cảng cá, bến cá, chợ cá, cơ sở nuôi có địa điểm tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng từ sự cố; người lao động làm việc thường xuyên và có thu nhập chính từ các nghề: vận chuyển, chở thuê hải sản, bốc vác, sơ chế thủy sản và người làm thuê tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản ở các địa phương bị ảnh hưởng.

Đối tượng gián tiếp thiệt hại gồm: chủ cơ sở SXKD và người làm thuê trong lĩnh vực sản xuất đá lạnh, kho lạnh, cấp đông, đóng sửa tàu thuyền, SXKD ngư cụ có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng; chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - thương mại có địa điểm kinh doanh tại xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng sự cố; người dân ven biển làm nghề bán hàng, làm dịch vụ cho khách du lịch, có địa điểm kinh doanh hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng sự cố.

Thời gian tính thiệt hại là 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2016. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do sự cố môi trường sẽ tiến hành kê khai các thông tin theo các mẫu do Bộ NN&PTNT ban hành; các thôn, xóm sẽ tổ chức họp cộng đồng, xem xét, thống nhất và niêm yết công khai theo quy chế dân chủ. UBND cấp xã thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại, trực tiếp hướng dẫn thôn, xóm thực hiện; rà soát, kiểm tra danh sách đối tượng, số lượng thiệt hại đảm bảo chính xác, đúng hướng dẫn, đảm bảo công khai, dân chủ. UBND cấp huyện thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện theo quy định của hướng dẫn; thẩm định, phê duyệt giá trị thiệt hại. UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc UBND các cấp thực hiện thống kê, xác định thiệt hại.

Một số lưu ý trong quá trình triển khai

Việc xác định thiệt hại, công tác kê khai, thống kê, đánh giá thiệt hại phải được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng và chính quyền; sử dụng biểu mẫu kê khai, thống kê thiệt hại theo Hướng dẫn 6851/BNN-TCTS. Thống kê, đánh giá thiệt hại phải khẩn trương, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, phạm vi, mức độ ảnh hưởng và được thực hiện theo đúng thẩm quyền; đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động thống kê, đánh giá thiệt hại.

Các cấp, ngành cần tập trung thời gian để chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc kê khai, xác định thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, không được chủ quan, để xảy ra sai sót; cán bộ tỉnh, huyện phải cử cán bộ, tổ công tác tập trung xuống cơ sở để hướng dẫn, giám sát việc kê khai, xác định thiệt hại; phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an ninh ở địa phương. Trong quá trình triển khai nếu gặp vướng mắc, cần phản ánh kịp thời với cấp trên để có phương án giải quyết thỏa đáng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đặc biệt, việc kê khai, xác định thiệt hại phải đảm bảo kịp thời, đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng, sát thực tế và không để xảy ra các tiêu cực, lợi dụng nhận tiền bồi thường sai quy định.  Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện phải được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ càng, sâu rộng từ cấp huyện, cấp xã đến tận thôn, xóm, người dân, các tổ chức, cá nhân thiệt hại…

Hoài Thanh

 


    Ý kiến bạn đọc