Tăng xử phạt người hút thuốc lá và chủ nơi để xẩy ra tình trạng hút thuốc
EmailPrintAa
08:59 05/09/2016

Hiện nay, đã có khá nhiều các cơ quan, bệnh viện áp dụng “ môi trường không khói thuốc ”. Nhiều nơi đạt hiệu quả cao trong công tác này. Tuy nhiên, ở những nơi công cộng, như quán cà phê, nhà hàng, bar, karaoke vẫn còn tình trạng hút thuốc lá ở nơi không được phép hút.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cần tăng cường xử phạt người hút thuốc và cả chủ nơi để xảy ra tình trạng hút thuốc không đúng nơi quy định, để đạt hiệu quả cao hơn.

Để gây sự chú ý trong xã hội, tăng hiệu quả của việc xử phạt đối tượng này, có ý kiến cho rằng cần tuyên truyền và công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông về tên, địa chỉ của người hút thuốc và chủ nơi để xảy ra tình trạng hút thuốc lá.

Đề cập tới việc tăng tính hiệu quả trong xử phạt liên quan tới hút thuốc lá, PGS, tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình hành động của Bộ Công an thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020”, vừa được tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, cũng đã có đề nghị Bộ Công an cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hút thuốc lá mà pháp luật đã quy định.

Theo Luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hút thuốc lá thụ động là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chưa chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Nghiên cứu trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Trên thực tế, mặc dù mức độ tuyên truyền về những tác hại từ thuốc lá đối với người hút trực tiếp và người hút thụ động đã phủ khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra nhiều nơi.

Đáng nói hơn, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và việc xử phạt hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm đã được quy định tại Nghị định 176 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nhưng hầu như việc xử phạt chưa được thực hiện triệt để.

Một số điểm khác được quy định rõ trong Luật PCTHTL người hút thuốc lá cần lưu ý:

Tại điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), khoản 1, quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục (trừ Trường cao đẳng, đại học, học viện);Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Khoản 2 có quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc;b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

Khoản 3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Nếu vi phạm hút thuốc lá tại các địa điểm kể trên sẽ có các mức phạt theo Điều 23 Nghị định 176/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

T.H


    Ý kiến bạn đọc