Tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao trong XD Đề án “Nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiểu quả của các CQ, ĐV
EmailPrintAa
09:44 05/09/2016

Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên trên 6.000 km2; dân số gần 1,3 triệu người; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, 262 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc, với 747 đảng bộ, chi bộ cơ sở và 4.158 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Toàn tỉnh có 1.213 cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối đảng, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện; 35.742 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại 1.229 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (trong đó, một số ngành có cán bộ, công chức, viên chức đông như: ngành giáo dục có 22.434 người, ngành y tế 3.089 người, ngành nông nghiệp 756 người…).

Để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp về bộ máy, biên chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 05-KL/TU, ngày 29/6/2016 và thống nhất chủ trương xây dựng “Đề án nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”.

Thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế của Hà Tĩnh hiện nay

Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 09/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI về “Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và các tổ chức hội”; Quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 08/8/2012 về “phê duyệt Đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông Hà Tĩnh đến năm 2020” và Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 22/3/2012 về “tăng cường chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố” của Ủy ban nhân dân tỉnh, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Hà Tĩnh đã chuyển giao quản lý 07 đơn vị sự nghiệp từ sở, ngành về UBND cấp huyện quản lý; sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; sáp nhập 805 trường xuống còn 703 trường (trong đó, mầm non công lập giảm 15 trường, tiểu học giảm 42 trường, THCS giảm 43 trường, THPT giảm 2 trường); sáp nhập 2.837 thôn, tổ dân phố xuống còn 2.140 thôn, tổ dân phố (giảm 697 thôn, tổ dân phố); sáp nhập 1.015 thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ xuống còn 896 thôn, tổ dân phố (giảm 129 thôn, tổ dân phố). Các tổ chức, trường học, thôn, xóm mới sau khi kiện toàn, sắp xếp lại đã sớm ổn định và đi vào hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy tinh gọn, công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước được triển khai hiệu quả hơn.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hà Tĩnh có 22 xã và đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 12 xã thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời làm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Huyện Đức Thọ thí điểm mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; Huyện Hương Sơn thực hiện nhất thể hóa chức danh Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Việc triển khai các mô hình đã góp phần tạo sự thống nhất trong điều hành; bí thư đảng ủy kịp thời chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra các chủ trương sát với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, những chủ trương cấp ủy chỉ đạo, được chính quyền tổ chức thực hiện nhanh chóng, góp phần giảm được khâu truyền đạt, báo cáo, xin ý kiến, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm và chấm dứt thực trạng Đảng ra nghị quyết, chính quyền chậm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó đã giảm được số lượng biên chế đáng kể (năm 2015 giảm 297 người, năm 2016 giảm 117 người) và giảm hơn 14.000 cán bộ thôn, xóm, góp phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên cho tỉnh; đồng thời tăng tính tự chủ, năng động, sáng tạo theo hướng xã hội hóa của các địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp nhiều mặt còn hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, thiếu thống nhất trên một số mặt công tác; Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao, đặc biệt, ý thức của một số cán bộ trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu một số sở, ban, ngành, địa phương chưa rõ nét; Cải cách hành chính còn nhiều hạn chế, nhất là thủ tục hành chính rườm rà, tiến độ giải quyết công việc chậm; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, Trung tâm xúc tiến đầu tư chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đang ở mức thấp, không ổn định (Hà Tĩnh xếp thứ 56/63 (năm 2010), 7/63 (năm 2011), 35/63 (năm 2012), 45/63 (năm 2013), 35/63 (năm 2014), 45/63 (năm 2015)); chỉ số cải cách hành chính không được cải thiện trong 3 năm 2012, 2013, 2014 đều xếp thứ 16/63. Việc sáp nhập ở một số địa phương, đơn vị chỉ mang tính cơ học, chủ yếu là nhập bộ máy; còn thực tế hoạt động của bộ máy sau khi sáp nhập, chia tách, điều chỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trước thực trạng trên, để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với các nhiệm vụ đột phá nhằm “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ” và “thực hiện đồng bộ cải cách hành chính”, trong bối cảnh hiện nay, tỉnh phải xây dựng “Đề án nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xây dựng Đề án  

Triển khai xây dưng, thực hiện “Đề án nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị” việc làm hết sức khó khăn, nhạy cảm… Tuy nhiên, để xây dựng một nền hành chính “kiến tạo, phục vụ, liêm chính”, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, các địa phương, đơn vị phải thống nhất quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tất cả các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành xây dựng Đề án đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.

Thứ hai, việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế các cấp phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, theo hướng xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian. Không nhất thiết ở tỉnh có tổ chức nào thì ở cấp huyện cũng có tổ chức đó; từng bước rà soát để sáp nhập một số cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa lãnh đạo khi thực tiễn thấy cần thiết.

Thứ ba, tiến hành xây dựng đề án từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, theo từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị nhưng phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chú ý có những vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải thực hiện nhưng chưa có trong quy định thì vẫn mạnh dạn triển khai, từ đó tổng kết, đánh giá, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Thứ tư, kịp thời triển khai xây dựng Trung tâm hành chính công của tỉnh và của một số huyện, thị xã, thành phố, nhằm góp phần nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công, xây dựng nền hành chính của tỉnh hiện đại, công khai, minh bạch, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Thứ năm, các bước tiến hành phải đảm bảo dân chủ, tránh nóng vội, áp đặt; học tập kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước nhưng phải sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; tiến hành từng bước, thận trọng, làm đến đâu chắc chắn đến đó; một số việc chọn đơn vị làm điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng. 

Thứ sáu, tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương xây dựng Đề án thông qua nhiều hình thức và triển khai trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án. Nhất là quán triệt sâu nội dung Kết luận 64-KL/TW, Nghị quyết 39-NQ/TW, Nghị định 108/NĐ-CP và Kết luận 05-KL/TU, nhằm tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức thực hiện xây dựng Đề án.

Kết hợp công tác tuyên truyền với việc nắm bắt tình tình tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, thực hiện Đề án, để kịp thời có các giải pháp phù hợp, nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. 

Thống nhất quan điểm, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trên sẽ góp phần nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trước yêu cầu đổi mới.

Hoàng Trung Dũng 

UVBTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc