Tích cực chuẩn bị đón chào năm học mới
EmailPrintAa
09:23 05/09/2016

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới, năm học 2016 - 2017. Ngành Giáo dục - Đào tạo và toàn xã hội đang tập trung cao cho công tác chuẩn bị để các em đến trường. Ngoài hành trang sách vở, áo quần được các bậc phụ huynh mua sắm, việc chuẩn bị nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất đã được ngành Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chú trọng triển khai.
 
Khai giảng năm học mới. Ảnh: P.V  

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Xác định, bồi dưỡng đội ngũ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nên trong dịp hè vừa qua, ngoài việc bồi dưỡng chính trị, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều chuyên đề bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đó là các đợt chuyên đề về nâng cao năng lực dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam; bồi dưỡng kỹ năng nói cho giáo viên tiếng Anh; kiện toàn và phát huy vai trò giáo viên tổng phụ trách đội. Cô Trang Như ở Hồng Lĩnh cho biết: “Phần lớn giáo viên dạy ngoại ngữ chúng tôi đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, nhưng việc giảng dạy chủ yếu còn nặng về ngữ pháp, kỹ năng thực hành, nói và nghe còn hạn chế nên hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nói cho giáo viên tiếng Anh là một việc làm hết sức cần thiết. Qua chuyên đề này chúng tôi đã phần nào khắc phục được những hạn chế của mình”.

Đối với bậc học mầm non, việc bồi dưỡng chuyên môn còn đặc biệt chú trọng ở các hoạt động khai thác các nội dung bồi dưỡng thường xuyên qua mạng Internet theo quy định, bồi dưỡng 10 modun nâng cao theo kế hoạch của Bộ; tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng cho trẻ bán trú, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì; Hướng dẫn các hoạt động giáo dục và phát triển thẩm mỹ , phát triển ngôn ngữ cho trẻ...

Ngay sau những lớp tập huấn, chuyên đề của Sở, các nhà trường cũng đã kịp thời quán triệt, triển khai trong toàn thể giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thiết, hiệu trưởng Trường mầm non Trung Kiên, Hương Khê cho biết: “Để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, ngoài việc thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của ngành chuyên môn, vừa qua chúng tôi còn tổ chức cho giáo viên tham quan tại một số trường mầm non để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những phần việc có thể học tập để áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của nhà trường”.

Ưu tiên cơ sở vật chất

Dù thường xuyên được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nhiều phòng học, nhiều phòng chức năng. Chính vì thế vấn đề cơ sở vật chất trường lớp luôn được chính quyền địa phươngnhà trường ưu tiên chuẩn bị ngay trước thềm năm học mới.

Thầy Nguyễn Minh Hào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Sơn (Đức Thọ) cho biết: “Thực hiện chủ trương vận động của nhà trường, của chính quyền địa phương nên năm học này, trường chúng tôi được Công ty Dầu khí hỗ trợ 3,4 tỷ đồng xây dựng thêm nhà học cao tầng với 6 phòng học. Ngoài ra, chính quyền địa phương và nguồn xã hội hoá cũng đã góp phần tu sửa 8 phòng học, sân bê tông cho các em vui chơi giải trí...”.

Phong trào huy động nguồn lực từ các dự án, chương trình mục tiêu và từ xã hội hóa trong nhân dân cũng là yếu tố, là thế mạnh để Đức Thọ trở thành một trong những địa phương có cơ sở vật chất tốt nhất trong toàn tỉnh. Thầy Lê Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Thọ cho biết: Theo thống kê sơ bộ, để chuẩn bị cho năm học mới này thời gian qua, chúng tôi đã huy động được nguồn lực khoảng 50 tỷ đồng từ các dự án, chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương và xã hội hoá để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Tiêu biểu như nhà học 2 tầng, 8 phòng của Tiểu học Đức Thịnh trị giá khoảng 4 tỷ đồng; Mầm non Trung Lễ với nguồn đầu tư gần 10 tỷ cho dãy nhà học cao tầng 8 phòng, bếp ăn bán trú, cảnh quan khuôn viên, hàng rào...; Mầm non Đức La được đầu tư khoảng 5,4 tỷ đồng; Mầm non Thái Yên 4,5 tỷ; Tiểu học Đức Thuỷ được đầu tư 7 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng học 2 tầng và công trình nhà hiệu bộ...”.

Ở vùng miền núi Hương Khê, năm học này với Trường tiểu học Hương Trà cũng rộn ràng niềm vui khi nhà trường đã không còn nỗi lo về nhà ăn bán trú. Thầy Trần Trung Bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Được sự đầu tư của chính quyền địa phương, nguồn xã hội hóa năm học mới này, trường sẽ đưa vào sử dụng nhà đa chức năng và nhà ăn bán trú với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ đồng”. Ở trường Dân tộc nội trú Hương Khê, không khí chuẩn bị cho năm học mới cũng đã khởi động qua việc mua sắm sách vở áo quần, chăm màn cho 204 học sinh của 12 dân tộc ở nội trú. Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Hương Khê cho biết: “Năm học này, chúng tôi có thêm 30 học sinh dân tộc. Ngoài việc hoàn tất thủ tục giấy tờ cho các em, hiện chúng tôi đang bận rộn với các hoạt động mua sắm thêm bàn ghế, đồ dùng học tập, sinh hoạt nội trú cho các em. Tổng nguồn kinh phí ước tính khoảng 200 triệu đồng”.

Ở khu vực thành phố, việc nâng cấp cơ sở vật chất cũng được chính quyền quan tâm bằng việc ban hành đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 2016 - 2020. Thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết: “Năm nay thành phố sẽ đầu tư hơn 10 tỷ để củng cố cơ sở vật chất cho các trường học và trong lộ trình sắp tới, nguồn đầu tư ấy sẽ là hơn 40 tỷ đồng”.

Từ sự quan tâm của cộng đồng xã hội, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, nhiều trường học dẫu không được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất nhưng diện mạo của nhà trường cũng đang từng bước đổi thay bằng bàn tay chăm sóc của các bậc phụ huynh, các em học sinh. Tất cả đã sẵn sàng chờ đón năm học mới 2016 – 2017 với hứa hẹn nhiều thành công mới.

 Thuý Ngọc


    Ý kiến bạn đọc