Hà Tĩnh: Tích cực triển khai kê khai, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp sau sự cố môi trường biển
EmailPrintAa
10:06 04/10/2016

Sự cố môi trường biển xảy ra tại 04 tỉnh miền Trung từ tháng 4/2016 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ven biển.

Đối với Hà Tĩnh, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác xác định thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng sự cố môi trường, tỉnh đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.

 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh thăm hỏi các gia đình ở Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh. Ảnh: P.V  

Tích cực kê khai, xác định thiệt hại của người dân và doanh nghiệp

Với tinh thần khẩn trương, kịp thời, đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đúng đối tượng, sát thực tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động thống kê, đánh giá thiệt hại; không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng để nhận tiền bồi thường sai quy định. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 18/8/2016 để triển khai thực hiện, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm tra và 06 Tổ công tác để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện tại địa phương, cơ sở.

Từ ngày 18 đến 20/8/2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 5 cuộc tập huấn về công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại tại 5 cụm, cho trên 2.000 cán bộ từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận thôn, xóm. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn công tác kê khai cho cán bộ thôn, xóm của các địa phương, thành lập Hồi đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại cấp huyện, cấp xã, đồng thời chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện công tác kê khai, kịp thời giải đáp thắc mắc, trao đổi thông tin 2 chiều để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác kê khai.

Do khối lượng công việc rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, đối tượng thiệt hại nhiều, thuộc các lĩnh vực khác nhau và đa dạng trong thực tiễn, trong khi công tác chuẩn bị gấp, chưa có tiền lệ, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện quá ngắn nên mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhưng thực tiễn quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã khẩn trương, tích cực hướng dẫn thực hiện; chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và thôn xóm tích cực, cố gắng tổ chức thực hiện quyết liệt, nhanh chóng nên cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại đã phối hợp, tham gia kê khai thiệt hại đầy đủ, kịp thời.

Đến ngày 22/9/2016, toàn tỉnh đã thống kê bước đầu có: 6.909 tàu cá; 2.038,51ha nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến; 31.508m3 lồng bè nuôi trồng thủy sản; 113.45ha sản xuất muối; 40.891 lao động bị ảnh hưởng trong đó: Lao động trực tiếp 35.530 người, lao động gián tiếp 5.361 người; khối lượng hải sản tồn kho 2.003 tấn (số liệu thiệt hại đang được tiến hành thẩm tra, thẩm định). Hiện tại các ngành, địa phương đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân, chính quyền địa phương hoàn thiện công tác kê khai, tổng hợp hồ sơ và thẩm định. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Hội đồng thẩm tra cấp tỉnh thường xuyên xuống tận cơ sở, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời có các văn bản bổ cứu, chỉ đạo các huyện, thị xã ven biển, thành phố Hà Tĩnh khẩn trương thẩm định, tổng hợp hồ sơ, thẩm tra, soát xét đảm bảo chính xác, khách quan, báo cáo kịp thời, đúng quy định.

Tập trung hỗ trợ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân

Để khôi phục sản xuất và ổn định đời sống cho nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành các chính sách riêng của tỉnh. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ 3.748 tấn gạo (trong thời gian 3,5 tháng) cho 72.527 nhân khẩu; số gạo 2.719 tấn còn lại (trong 2,5 tháng) hiện nay cấp huyện đang tiếp nhận để cấp phát cho người dân trong tháng 9/2016; hỗ trợ tiền cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90CV với 5.012 chiếc, số tiền 23.066,5 triệu đồng; cấp mới 2.847 thẻ bảo hiểm y tế với việc hỗ trợ 100% phí mua thẻ; Hỗ trợ thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, với số tiền 125 triệu đồng; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016 (đã cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho 35 cơ sở đông lạnh với số tiền 561,28 triệu đồng); hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân từ ngày 01/6 đến 30/9/2016 (có 2 doanh nghiệp vay vốn mua muối với số tiền 7.319 triệu đồng); Hỗ trợ triển khai đóng mới 28 tàu cá trên 90CV…

Với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất muối trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng tàu thuyền đánh bắt đã tăng và ổn định, số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỷ lệ từ 50 - 60%, tàu công suất trên 90CV (khai thác xa bờ) đạt tỷ lệ 80 - 83%. Sản lượng hải sản khai thác  được thu mua hết; giá bán sản phẩm đang tăng dần. Việc nuôi trồng thủy sản đã được khôi phục trở lại bình thường; diện tích nuôi trồng thủy sản mặ lợ đã thả nuôi đạt 95% kế hoạch (2.638/2.777 ha). Diện tích muối sản xuất đến nay đạt 99ha/103ha (đạt 96% kế hoạch)…

Thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân tiếp tục ổn định, khôi phục và phát triển sản xuất. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Trung ương về giải quyết khắc phục hậu quả sự cố môi trường. Tập trung cao nhất cho xác định thiệt hại, tổ chức bồi thường cho đối tượng bị ảnh hưởng đảm bảo chính xác, trung thực, công bằng, khách quan, dân chủ, đúng đối tượng; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục sản xuất, đánh bắt cho người dân. Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường và kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa. Nắm chắc tình hình, chủ động các phương án để đảm bảo ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh


    Ý kiến bạn đọc