Nâng cao năng lực tổ chức Nhà nước
EmailPrintAa
09:46 04/10/2016

Xuất phát từ thực trạng, bối cảnh trong nước và quốc tế, những nhận thức trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta rất quan tâm đến việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Nhà nước.

1. Bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và phấn đấu là chế độ đảm bảo việc thực thi quyền dân chủ đầy đủ và toàn vẹn nhất. Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã từng nói nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt quyền dân chủ của Nhân dân. Dân chủ phát huy khả năng sáng tạo của mọi người, tạo nên sự đồng thuận gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước. 

Nhà nước chúng ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những phần nào pháp luật cho phép. Mọi quyết định của Nhà nước đều phải đúng luật và minh bạch. Nhà nước phải xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao và hết lòng vì dân phục vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính được trao quyền quyết định tương ứng với chức trách nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Ở thể chế chính trị của chúng ta cần hết sức quan tâm đến mối tương tác giữa bộ máy Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của dân. Cần xem việc tăng cường ổn định chính trị - xã hội là công việc xuyên suốt của của hoạt động Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự giám sát của người dân và sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình hoạch định chính sách cũng như lựa chọn cán bộ.

2. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động của các tổ chức Nhà nước, cần đi sâu vào một số vấn đề sau:

Một là, về tổ chức bộ máy hành chính.

- Phân cấp hợp lý giữa Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền cấp tỉnh. Phân định rõ chức năng quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện cơ chế quản lý đối với khu vực sự nghiệp công, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động tốt nhất, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động cung ứng dịch vụ công. Cần làm từng bước thận trọng, nhưng phải xem đây là nội dung quan trọng trong công cuộc đổi mới tổ chức Nhà nước theo hướng vừa tăng cường chức năng quản lý, tính chất phục vụ cũng như vai trò kiến tạo để phát triển.

- Về hoạt động của chính quyền địa phương. Xác định rõ cấp chính quyền địa phương theo quy định tại Điều 111, Hiếp pháp 2013, gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) và những đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương chỉ có UBND. Tập trung làm rõ “tính quyền lực Nhà nước của HĐND”, trong mối quan hệ với UBND; xác định rõ HĐND trong chỉnh thể thống nhất của chính quyền địa phương, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và cơ quan Nhà nước cấp trên. Xác định rõ vị trí, tính chất của UBND là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Làm rõ mối quan hệ giữa chính quyền địa phương (HĐND, UBND) với các cơ quan Nhà nước cấp trên, cấp dưới và giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND ở mỗi cấp, khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc trùng lặp nhiệm vụ, thẩm quyền như đang diễn ra; tăng cường phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện và cấp xã theo hướng tăng cường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quy định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp kèm theo cơ chế tài chính, ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ đó.

- Xác định cụ thể các nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền cấp cơ sở theo hướng phân định rõ, cụ thể một số nhiệm vụ tự quản ở cơ sở. Phát huy dân chủ trực tiếp của người dân ở cơ sở, kiện toàn tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp cơ sở phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xây dựng các cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch, thân thiện, trong tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND. Có cơ chế đảm bảo tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được tham gia ý kiến và giám sát trực tiếp hoạt động của chính quyền ở địa phương.

- Tuy không phải là một cấp trong bộ máy tổ chức Nhà nước, nhưng vai trò của các thôn xóm, khối phố rất quan trọng. Cần phải có cơ chế hợp pháp để bộ máy hành chính ở thôn xóm, khu phố hoạt động có hiệu quả, xem đây là “chân rết”, là “đầu mối” rất quan trọng của chính quyền cấp cơ sở. Mấy vấn đề cần được lưu ý, đó là phân định quy mô về địa giới và dân cư phù hợp với điều kiện hoạt động của cán bộ; có chế tài cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của bộ máy thôn xóm, khu phố; phát huy tính chủ động sáng tạo cũng như tăng cường sự giám sát của cấp trên đối với quá trình thực thi nhiệm vụ và quyền hạn trước dân đối với bộ máy thôn, xóm, khu phố; có chính sách thù lao đãi ngộ phù hợp với từng địa phương, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho mọi sinh hoạt của dân và hoạt động của bộ máy thôn, xóm, khu phố.

Hai là, cải cách hành chính và chế độ công chức, công vụ.

Phải xem cải cách hành chính thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội để đưa Nghị quyết XII của Đảng vào cuộc sống. Cải cách hành chính phải đồng bộ, có lộ trình cụ thể mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Chấm dứt tình trạng gây nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc của người dân như là thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh v.v.. nhằm xây dựng một nền hành chính phục vụ, liêm chính và minh bạch.

- Tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về tính cấp thiết của việc nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm xã hội của đội ngũ cán bộ công chức; hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức dựa trên các quan điểm về công tác cán bộ của Đảng, theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân; không quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch, sống thờ ơ vô cảm. Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tệ quan liêu, những biểu hiện cục bộ, bè phái, lạm dụng quyền lực một cách có hiệu quả để dân tin.

- Nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, tuyển dụng viên chức đảm bảo quy chế, theo hướng công khai, minh bạch, khách quan. Có cơ chế và cần thường xuyên đánh giá công chức, viên chức theo yêu cầu nội dung công việc được giao trên cơ sở vị trí việc làm và kết quả công việc. Quy định cụ thể về trách nhiệm và quy trình đánh giá công chức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiên quyết thực hiện tinh giảm số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức gắn với đổi mới nội dung và chương trình, phương pháp đào tạo bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu và thực chất nhằm hình thành các chuẩn mực về chuyên môn và đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức; đạo đức, nghề nghiệp của viên chức.

Ban hành chính sách, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, cơ chế chính sách về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính hiệu lực theo hướng tinh gọn, tinh giản và phục vụ người dân tốt nhất.

Hoàng Duy


    Ý kiến bạn đọc