Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh với nhiệm vụ ứng cứu, khắc phục hậu quả lũ, lụt
EmailPrintAa
16:05 30/12/2016

rong những ngày giữa tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng gây ra lũ chồng lên lũ. Đặc biệt, trong tháng 10 đã xảy ra trận lũ, lụt lớn, nhấn chìm nhiều trường học, nhà ở của nhân dân, phá hủy nhiều đoạn đường giao thông, làm 108 xã, phường với 30.111 hộ dân bị ngập, trong đó nhiều thôn, xóm, xã bị cô lập, chia cắt dài ngày. Lũ, lụt làm 11 người chết; hàng ngàn ha lúa mùa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hỏng; hơn 662 tấn lương thực bị ẩm ướt; trên 173 ngàn  con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều đoạn đường bê tông, đường nhựa, kênh mương, đê điều, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng cuốn trôi trên 109.938m3, ước tính thiệt hại hơn một nghìn tỷ đồng.
 
Bộ đội giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưu lũ lụt. Ảnh: P.V  

Để giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt gây ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình, duy trì trực 100% quân số; thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão, đồng thời điều động các phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như tàu, xuồng, bộ vượt sông nhẹ, xe ô tô, phao cứu sinh... cùng trên 1.000 lượt cán bộ, chiến sỹ bộ đội thường trực; 4 nghìn lượt dân quân cơ động, dân quân tại chỗ làm nhiệm vụ. Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, không để nhân dân bị đói, bị rét, cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lực lượng dân quân đã vượt qua gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm vật lộn với mưa lũ, di dời kịp thời nhân dân và tài sản đến nơi an toàn; giúp nhân dân chằng, chống nhà, cửa, đưa tàu thuyền vào trú ẩn an toàn; bảo vệ đê điều và các công trình công cộng; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vận chuyển, cung cấp mì tôm, nước uống cho nhân dân ở những địa bàn bị nước ngập, chia cắt.

Sau mưa lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử cán bộ, chiến sỹ và lực lượng dân quân các địa phương về các địa bàn, nhất là các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên... để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, tập trung nạo vét bùn đất, dọn dẹp trường học, hội quán, thôn, xóm, hội trường và trụ sở Đảng ủy - HĐND - Ủy ban nhân dân xã, nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, chợ, khơi thông cống rãnh, dọn, tu sửa các tuyến đường giao thông bị hư hỏng; xử lý các giếng, bể nước và các nguồn nước bị ô nhiễm; giúp nhân dân tu sửa, dọn dẹp lại nhà cửa; thu gom, chôn, lấp xử lý rác thải, xác gia súc, gia cầm bị chết; phun thuốc diệt trùng phòng dịch cho các hộ gia đình và khu vực công cộng. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe cho 650 lượt người; cấp thuốc nhân đạo trị giá trên 40 triệu đồng, tặng 230 suất quà. Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trích mỗi người 1 ngày lương để ủng hộ nhân dân ở các địa phương khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ gây ra, góp phần sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng lũ.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả bão, lụt trên địa bàn tỉnh vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thấy rõ thảm họa do thiên tai gây ra. Từ đó, làm cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và toàn dân đề cao trách nhiệm, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, tích cực, chủ động trong phòng chống thiên tai, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang trong thời bình.

Hai là, hàng năm các cơ quan, đơn vị chủ động bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng chống lụt, bão; tổ chức huấn luyện chu đáo, diễn tập, xử trí các tình huống sát thực tế, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật nhất là phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đầu tư mua sắm, thay thế những phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật đã xuống cấp và được bố trí ở tất cả các cơ quan, đơn vị, ưu tiên những địa bàn trọng yếu thường bị lũ, lụt, ngập úng, để khi xảy ra tình huống thì chủ động phòng, chống, ứng cứu với phương châm “4 tại chỗ”, theo tinh thần “tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả”.

Ba là, cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng địa phương làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống lũ lụt, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong suốt quá trình xẩy ra lũ, lụt, trong tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ, trao quà cho nhân dân ở các vùng lũ, lụt phải đến tận đối tượng, bảo đảm công bằng, khách quan; ưu tiên những vùng, hộ gia đình bị thiệt hại nặng, khó khăn.

Bốn là, phải thường xuyên chủ động nắm chắc diễn biến của thời tiết, phối hợp với Ủy ban phòng chống lụt, bão của địa phương để triển khai các phương án phòng chống khi có tình huống xẩy ra, nhất là những tình huống nằm ngoài dự kiến. Khi có thông báo bão, lũ lụt đến gần cơ quan quân sự các cấp duy trì chế độ trực 100% quân số, chuẩn bị đầy đủ các mặt để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Năm là, trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng cứu, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lụt, bão, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng lực lượng, phải hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan. Công tác chỉ huy điều hành phải chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm tính thống nhất cao, ưu tiên cứu người trước, tài sản sau. Đồng thời phải cử các đoàn công tác về tận các địa phương trọng điểm để phối hợp chỉ đạo phòng chống, ứng cứu. Tổ chức động viên thăm hỏi kịp thời các gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra và cứu trợ nhân dân ở những địa bàn bị ngập, cô lập, không để nhân dân bị đói, rét; sau mưa lũ tổ chức lực lượng để giúp nhân dân khắc phục nhanh hậu quả, ổn định cuộc sống.

Tin tưởng, những kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn công tác sẽ tiếp tục được lực lượng vũ trang tỉnh nhà phát huy, để thực hiện ngày càng tốt hơn việc phòng chống, ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lụt, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đại tá Trần Văn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc