Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, góp phần xây dựng Thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II
EmailPrintAa
15:55 30/12/2016

Sau gần 10 năm được công nhận đô thị loại III, Thành phố Hà Tĩnh đang chuyển mình bước sang giai đoạn mới với một diện mạo tươi trẻ và hiện đại. Cùng với sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực để xây dựng thành phố phát triển toàn diện, nâng cao đời sống của nhân dân. Đó chính là những tiền đề quan trọng để thành phố vươn lên trở thành đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

Thành phố Hà Tĩnh có quá trình hình thành và phát triển hơn 185 năm, được Chính phủ công nhận đô thị loại III năm 2006 và thành phố trực thuộc tỉnh năm 2007. Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và khu vực. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư, nâng cấp, diện mạo đô thị được cải thiện.

Thành phố đã thu hút và triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng, như: Dự án phát triển thành phố loại II đầu tư xây dựng 5 tuyến thoát nước chính, 03 tuyến đường giao thông, cải tạo và xây dựng mới 02 hồ điều hòa với tổng mức đầu tư 876 tỷ đồng, nâng cấp bãi xử lý chất thải rắn; xây dựng cơ sở vật chất hệ thống trường học, Bệnh viện đa khoa Thành phố, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải hiện đại phục vụ thành phố và vùng phụ cận… Đã có trên 20 doanh nghiệp thực hiện đăng ký và khởi công đầu tư các dự án, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, khu đô thị mới, thương mại, dịch vụ. Một số dự án đã đi vào hoạt động như: Siêu thị Vinmart, trung tâm thương mại BMC, khách sạn Saling Towr, toà nhà điều hành của Viettel, khu đô thị đường bao phía Tây... Xây dựng, nâng cấp các tuyến đê, các tuyến giao thông trọng điểm, kiên cố hoá kênh mương, vỉa hè, xây dựng hội quán, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng khối phố, xóm, cấp thoát nước... từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và huy động đóng góp nhân dân, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Tĩnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu “Xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là then chốt; xứng đáng với vị thế trung tâm tỉnh lỵ; đạt đô thị loại II trước năm 2018”. Cụ thể các mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/Th.U ngày 29/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng xây dựng thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 về chương trình hành động và khung kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/Th.U; UBND thành phố cũng đã giao nhiệm vụ triển khai thực hiện khung kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cụ thể lộ trình, nội dung công việc, trách nhiệm cho các phòng, ban, ngành, đơn vị phường, xã để tập trung thực hiện.

Thành phố Hà Tĩnh đang huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chỉnh trang hạ tầng đô thị, xây dựng các tuyến phố văn minh, các hạng mục của dự án phát triển thành phố loại II, hoàn thiện hạ tầng các vùng quy hoạch quỹ đất; Đồng thời, tích cực mời gọi các doanh nghiệp xây dựng 06 tuyến đường giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (Dự án đường Lê Ninh kéo dài kết hợp tuyến mương T4; Đường Xuân Diệu kéo dài (từ đường vành đai khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền; Đường bao phía Bắc (khu đô thị Bắc) - từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Công Trứ; Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài phía Tây (đoạn từ đường Trần Phú đến đường Hàm Nghi)- giai đoạn 1; Đường giao thông phía Tây trường THCS Lê Văn Thiêm; Đường nối từ đường Vũ Quang đến đường Hàm Nghi (phía Tây kênh N1-9), Dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà ở xã hội, công viên trung tâm, các trường học, bệnh viện, đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; trong đó, dự án nhà ở xã hội đã được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh triển khai thực hiện; Xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án hệ thống thoát nước, vỉa hè, trồng cây xanh trên các tuyến phố, khu dân cư… Về kiến trúc cảnh quan đô thị, hiện nay, thành phố đang phối hợp với các sở, ngành đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án phát triển hạ tầng đô thị đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn như khu đô thị HUD, dự án nhà ở chức năng Xuân Thành Land, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom. Đồng thời kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị xây dựng các tiểu công viên, trồng cây xanh theo quy hoạch, tham gia ủng hộ, tài trợ thực hiện các công trình văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội của thành phố còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều hạng mục hạ tầng xuống cấp, một số tiêu chí còn thiếu hoặc đạt thấp so với tiêu chuẩn đô thị loại II và chưa bền vững như: các công trình hạ tầng xã hội Nhà văn hóa, sân vận động xã phường; hạ tầng giao thông trong khu vực nội thành (tính đến đường có chiều rộng đường đỏ >11,5m) hiện nay mới đạt 130,35km (còn thiếu 46,66km); chưa có hệ thống xử lý nước thải, đang sử dụng chung hệ thống thoát nước (nước mưa, nước thải); một số tiêu chí đô thị loại III vẫn chưa hoàn thành (Công viên trung tâm, các công trình công cộng...). Huy động nguồn lực gặp khó khăn; thiếu các cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng các tiêu chí đô thị, khai thác nguồn lực đầu tư và phát huy thế mạnh của thành phố. Đến nay, thành phố Hà Tĩnh mới đạt 32/49 tiêu chí đô thị loại II.

Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, nhất là việc hoàn thiện các tiêu chí về hệ thống hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, góp phần xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX. Thời gian tới, thành phố Hà Tĩnh sẽ tập trung cao trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố theo hướng hiện đại; thường xuyên phối hợp với các sở, ban ngành để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm thương mại và nhà ở Vincom, các khách sạn, nhà hàng, khu đô thị mới, từng bước hình thành các khu đô thị kiểu mẫu.  

Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Công bố, công khai chi tiết các vấn đề liên quan đến dự án (mặt bằng xây dựng, quy hoạch, chính sách đền bù, thẩm quyền của các cơ quan chức năng); có chính sách đền bù, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi sát với thực tế thị trường; nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, phẩm chất của cán bộ trong công tác GPMB.

Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thành phố đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Hành chính công thành phố, dự kiến sẽ đưa vào vào hoạt động cuối năm 2016; xây dựng hệ thống phần mềm một cửa, một cửa liên thông, nâng cấp cổng thông tin điện tử thành phố để đảm bảo yêu cầu kết nối và thực hiện hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4 theo lộ trình hiện đại hóa nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; giải quyết nhanh gọn các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án thuê đất đầu tư xây dựng sản xuất kinh doanh.

Triển khai mạnh mẽ việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư với nhiều hình thức phù hợp: đối tác công - tư, BT, BOT… Tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn khuyến khích, kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân hỗ trợ xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, như: hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, các công trình văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất trường học; nâng cấp các tuyến đê, công trình thủy lợi trên địa bàn. Hoàn thành dự án Phát triển đô thị loại II (ADB), các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay Bộ Tài chính. Chủ động tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh, các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.

Thành phố tiếp tục ban hành các cơ chế nhằm tăng cường huy động nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân; kêu gọi vận động nhân dân chung sức đồng lòng đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; đảm bảo quy trình đầu tư chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định; tăng cường giám sát trong từng khâu, từng công đoạn; phát huy hơn nữa chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý công trình thành phố trong việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nguyên tắc dân chủ trong từng việc làm cụ thể để phát huy tính tự nguyện, tự giác của mỗi người dân tham gia đóng góp, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố.

Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, nhân dân, thành phố Hà Tĩnh sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, góp phần xây dựng thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

Hà Văn Trọng - TUV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc