Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi sáng ngời
EmailPrintAa
16:12 30/12/2016

Dù ở thời đại nào, hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn được thể hiện rõ nét. Hướng đến kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), phóng viên Tạp chí đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.
 
Bộ đội giúp đỡ dân bản. Ảnh: P.V  

PV: Thưa giáo sư, theo ông giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ được hình thành và thể hiện ở những thành tố nổi bật nào?

GS. TS. Trần Văn Bính: Có thể nói, sau Cách mạng tháng Tám năm1945, trong số những ngôn từ xuất hiện trong đời sống tinh thần dân tộc thì ngoài những hình ảnh như “Con Lạc cháu Hồng” đã xuất hiện một số hình ảnh mới mang đậm tính thời đại. Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân quen gọi kính yêu là “Bác Hồ”; đó là Đảng Cộng sản Việt Nam mà nhân dân vẫn gọi trìu mến “Đảng ta” và hình ảnh thứ ba, rất đậm nét là hình ảnh người chiến sĩ quân đội mà nhân dân ta gọi một cách thân thiết “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là những ngôn từ mới, gần gũi, mang ý nghĩa đẹp, đầy tính nhân dân, tính văn hóa mà nhân dân trao gửi.

Khi nói đến Bộ đội Cụ Hồ là nói đến bước trưởng thành của những người lính xuất thân từ nhân dân, mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, nét đẹp văn hóa của nhân dân, của truyền thống dân tộc. Từ lối sống giản dị, mộc mạc dần được rèn luyện trở thành một đội quân tinh nhuệ, ghi lại những dấu ấn rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ.

Trong những ngày đầu của cách mạng, người lính còn mang dấu ấn của người nông dân rõ rệt. Không ít trong số họ chưa biết chữ, chưa biết khái niệm quân sự, thao tác quân sự là gì. Nhưng họ đã sớm tập hợp lại với nhau và sống có tổ chức, có kỷ luật. Và bên cạnh đó là mối quan hệ thân tình gắn bó bằng hai chữ “Đồng chí”. Điều này đã in đậm dấu ấn trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên nói về người chiến sĩ những ngày đầu Cách mạng:

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi "một hai"
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến...”

Những người lính chân đất đơn sơ, mộc mạc, xuất thân từ nhân dân mà đại đa số là nông dân đã gắn với nhau bằng một tình cảm mới - tình Đồng chí. Đó chính là một phẩm chất, một giá trị văn hóa mới được hình thành.

Giá trị đặc biệt trong Văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ còn thể hiện ở những phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó là những phẩm chất ưu việt và cũng là giá trị văn hóa của đội quân Cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, giáo dục. Vinh dự cho quân đội chúng ta, Người anh cả của quân đội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong hàng ngũ chiến sĩ, cán bộ, chỉ huy của quân đội và trong toàn dân về văn hóa của người quân nhân, người chiến sĩ Cách mạng.

PV: Điều giáo sư tâm đắc nhất trong giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là gì?

GS. TS. Trần Văn Bính: Bộ đội Cụ Hồ có sự kết hợp của hai yếu tố, đó là sự hồn nhiên và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tôi thấy tâm đắc nhất là sự hồn nhiên không vụ lợi của người lính. Họ sẵn sàng cầm súng xông lên, bất chấp bom đạn kẻ thù, sẵn sàng hy sinh quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, nhưng lại thật hồn nhiên, thật nhẹ nhàng và gần gũi với nhân dân. Họ không phải là những người lính kiêu hùng mà là những anh hùng cách mạng thực sự.

PV: Giáo sư có suy nghĩ gì về sự phát triển của giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ từ lịch sử đến hiện tại và tương lai?

GS. TS. Trần Văn Bính: Trong cuộc trường chinh hơn nửa thế kỷ qua cho đến nay, Quân đội ta phát triển càng ngày càng vững mạnh. Đó là sự phát triển về trình độ tổ chức kỷ luật, là sự phát triển của khoa học - công nghệ và cũng là sự tiếp nối, phát triển về văn hóa của người chiến sĩ. Đại bộ phận chiến sĩ quân đội chúng ta hiện nay đều có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Vì thế so với thời kỳ trước, chúng ta đã có bước phát triển cao về trình độ văn hóa và khoa học quân sự.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử đến nay những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần trong từng chiến sĩ. Đó là tình thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt một nhà. Đó là tấm lòng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau, nhường viên thuốc lúc đau ốm, sẵn sàng nhận về mình những hy sinh mất mát thay cho đồng đội... Những câu chuyện sinh động trong lịch sử chiến tranh qua hai cuộc kháng chiến đã dạy cho mỗi cán bộ, chiến sĩ đức hy sinh cao cả. Trải qua hai cuộc kháng chiến, từ khi quân đội còn thiếu thốn, ăn còn đói, mặc còn thiếu cho đến thời bình, tình cảm của mỗi người lính đối với nhân dân và nhân dân dành cho người lính vẫn vẹn nguyên mặn nồng, tha thiết “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Ngay cả trong thời bình, sự hy sinh vì nhân dân, cho đất nước của mỗi người lính vẫn đang góp thêm những nốt nhạc kiêu hùng trong bản hùng ca của người chiến sĩ. Đến giờ phút này, chúng ta vẫn bàng hoàng khi nhắc đến nỗi đau mất mát trước sự hy sinh của Thiếu tá Lê Văn Phượng khi giúp dân trong lũ dữ, hay mới đây là Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi khi giúp dân chữa cháy rừng… Sự hy sinh quên mình vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội cả trong thời chiến và thời bình đã, đang và còn sẽ tạo nên những giá trị văn hóa đậm nét xuyên suốt mọi thời đại.

PV: Trước ý kiến cho rằng: Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ chỉ được thể hiện sâu sắc và đậm nét trong thời chiến còn thời nay đã có phần phai nhạt, giáo sư có suy nghĩ gì?

GS. TS. Trần Văn Bính: Lê-nin đã từng nói: Cái gì đã biến thành cuộc sống thì cái đó chính là văn hóa. Nghĩa là văn hóa là điều gì đó đã trở thành bản chất, thành cái thường xuyên trong mỗi con người và trong cuộc sống. Đối với mỗi quân nhân cũng vậy thôi.

Tất nhiên trong chiến tranh những giá trị và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ được bộc lộ rõ nhất. Bởi ở đó là sự hy sinh xương máu, là đối diện giữa cái sống và cái chết. Trong môi trường đó, trong giây phút đó, con người có điều kiện để thể hiện rất rõ lý tưởng của mình, khát vọng cao đẹp của mình. Ngày nay, bộ đội chúng ta đang sống trong thời hòa bình, có doanh trại, điều kiện sống đầy đủ, nhưng không thể vì thế mà làm giảm mối quan hệ thân tình của bộ đội với nhân dân. Trong những hoàn cảnh, những khi cần đến, màu áo xanh của người chiến sĩ luôn có mặt giúp dân khắc phục những khó khăn do thiên tai, bão, lũ… Và xét cho cùng thì mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân không bao giờ phai nhạt.

PV: Theo giáo sư, trong thời đại ngày nay, cần làm gì để phát huy giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ?

GS. TS. Trần Văn Bính: Bên cạnh sự chính quy, tinh nhuệ thì giá trị Văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ được làm nên bởi phẩm chất anh hùng, ở sự gắn bó với nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Cho đến ngày nay, lực lượng quân đội xuyên suốt thời đại vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ và góp phần giữ vững ổn định an ninh xã hội và là lực lượng gần gũi, gắn liền với nhân dân.

Để phát huy giá trị Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ và vun đắp giá trị truyền thống, chúng ta cần thường xuyên giáo dục cho các chiến sĩ trẻ truyền thống của cha anh. Hình ảnh người chiến sĩ qua hai thời kỳ tuy còn đậm nét khác nhau nhưng cũng đã dần khép vào trang sử. Chúng ta cần tổ chức tái hiện lại hình ảnh anh Bộ độ Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến một cách sinh động để cho lớp chiến sĩ trẻ, những người sinh ra sau hòa bình biết được cha anh mình đã sống, chiến đấu như vậy. Cùng với đó, cần tổ chức các câu lạc bộ, tổ chức tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa người chiến sĩ.

Phải có những cách suy nghĩ và hành động mới phù hợp với thời đại bồi đắp và giữ vững mối quan hệ cá nước với nhân dân. Ví dụ có thể có những hình thức kết nghĩa giữa các đơn vị quân đội với thanh niên của các địa phương trong việc hoàn thành những nghĩa vụ lớn của đất nước cũng như của địa phương.

Những vấn đề như tư thế tác phong khi tiếp xúc với nhân dân cũng cần được chú ý. Tính tự giác, kỷ luật của quân nhân cũng cần được nâng cao hơn nữa. Quân đội ở quốc gia nào cũng vậy, tính tự giác kỷ luật phải rất cao.

Cùng với việc kế thừa các giá trị truyền thống, quân đội cũng cần phải học tập những giá trị mới của con người trong thời đại mới như tác phong công nghiệp, hiểu biết về nền kinh tế tri thức, từ đó bộ đội sẽ tiếp nhận, vận dụng vào sinh hoạt, rèn luyện để xây đắp những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ lịch sử mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Duy Văn - Phương Thảo


    Ý kiến bạn đọc