Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"
EmailPrintAa
09:15 07/02/2013

Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh có 19 đảng bộ trực thuộc với 783 đảng bộ, chi bộ cơ sở, 4.752 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; toàn tỉnh hiện có 88.309 đảng viên. Trong những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đến việc thiết lập kỷ cương hành chính trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, thể hiện rõ nhất là việc ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 04/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, hiệu quả của việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh càng được thể hiện rõ.

Chỉ thị số 35-CT/TU của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh việc cải cách hành chính, nhất là chống quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị trong tỉnh tiến hành rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, mở rộng lĩnh vực và nâng cao chất lượng thực hiện “Cơ chế một cửa”, “Một cửa liên thông” tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc; cán bộ, chiến sỹ phải giữ uy tín, danh dự cho bản thân, cho cơ quan, đơn vị trong mọi lúc, mọi nơi; giao tiếp với đồng chí, đồng nghiệp và công dân phải luôn tôn trọng, hòa nhã, văn minh, lịch sự.

Chỉ thị nêu rõ, cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc và nội quy, quy chế, điều lệnh của cơ quan, đơn vị; không ăn sáng, uống cà phê, không làm các việc riêng trong giờ làm việc; không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính, buổi trưa trong các ngày làm việc, không ép người khác uống rượu, bia; luôn chú ý giữ gìn uy tín, danh dự và nâng cao chất lượng công việc. Cán bộ, chiến sĩ và gia đình phải gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy ước, hương ước của địa phương nơi cư trú; tuyệt đối không tham gia các hình thức cá cược, đánh bạc, buôn bán, sử dụng các tệ nạn xã hội. Tham gia hội họp đúng thành phần, nền nếp. Khi hội họp không được mở chuông và hạn chế sử dụng điện thoại.

Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU, các cơ quan, đơn vị đã đề ra nhiều cách làm hiệu quả như phát động phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo; tích cực tham gia cải cách hành chính; xây dựng người cán bộ trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu. Hầu hết các đơn vị đã đưa ra quy định “Tiêu chuẩn đạo đức cán bộ công chức” để mỗi cán bộ tự soi mình; biểu dương, khen thưởng những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những sáng kiến, cách làm hiệu quả; tổ chức cho cán bộ và người lao động ký cam kết thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU và bước đầu thực hiện Nghị quyết TW 4 (khoá XI), nhìn chung, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng như đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ, chiến sỹ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện tượng đi làm việc muộn, về sớm, đi quán hàng ăn sáng, uống cà phê trong giờ làm việc, uống rượu, bia vào buổi trưa các ngày làm việc, ép người khác uống rượu bia giảm hẳn. Thái độ ứng xử, giao tiếp với người dân, tổ chức đến liên hệ công tác, cách tiếp cận cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu tại các cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy quan tâm công tác kiểm tra, giám sát. Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch và tiến hành kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những đảng viên có vi phạm, động viên, khen thưởng những đảng viên, cấp ủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2012, đã kiểm tra 472 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 129 đồng chí là uỷ viên cấp uỷ các cấp về các nội dung: chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất, đạo đức lối sống...

Theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, từ năm 2008 đến nay, các cấp ủy đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp. BTV Tỉnh uỷ đã điều chuyển kịp thời các chức danh lãnh đạo đảm nhận một chức  vụ trong thời gian dài hoặc hai năm liền có phiếu tín nhiệm thấp; xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm đạo đức, lối sống. Khi thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), ngoài việc triển khai các hướng dẫn của Trung ương, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo đồng bộ việc lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ cốt cán, của cán bộ các cơ quan đối với các đối tượng được kiểm điểm, qua đó, cán bộ nhận thức rõ hơn những mặt ưu điểm để phát huy và những mặt hạn chế để khắc phục. Đối với những cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp, cấp ủy cấp trên gặp gỡ, làm rõ những mặt hạn chế. Để giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương, đầu tháng vào sáng thứ hai, các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang tổ chức lễ chào cờ, soát xét công việc tháng qua, đề ra nhiệm vụ tháng tới.

Nhờ thực hiện tốt các nội dung trên cùng với nhiều giải pháp khác nên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) và Chỉ số PAPI (sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp) của Hà Tĩnh được cải thiện. Năm 2011, Hà Tĩnh xếp thứ 7 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 30 bậc so với năm 2010, xếp thứ 4 về chỉ số PAPI. Kết quả phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2011 so với năm 2008 cho thấy: tỷ lệ đảng bộ, chi bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh tăng 12,93%; yếu kém giảm 0,97%; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng 1,06%, hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng 1,04%, vi phạm tư cách giảm 0,28%.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cán bộ, chiến sỹ thực hiện chưa nghiêm quy chế nghiệp vụ, điều lệnh, nội quy của đơn vị; ý thức kỷ luật lao động hạn chế, còn vi phạm các quy định về sử dụng thời giờ làm việc. Cá biệt có cơ quan, đơn vị còn để xẩy ra sai phạm về tài chính, thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài sản, tài chính công. Hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân đến giao dịch vẫn còn. Tình trạng cán bộ sử dụng rượu bia trong các buổi trưa của ngày làm việc có nơi thực hiện chưa triệt để. Một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vi phạm các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, tham gia “tín dụng đen”... gây bất bình trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng còn xem nhẹ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu; việc xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để. Ý thức trách nhiệm đối với công việc và bản thân của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ chưa cao, còn để những ham muốn vật chất, thú vui tầm thường cám dỗ.

Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ LLVT, để người cán bộ thực sự là những “công bộc” của nhân dân, trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải chú trọng một số nội dung:

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, làm gương cho nhân viên và quần chúng nhân dân; cán bộ có tuổi làm gương cho cán bộ trẻ, cán bộ chức vụ càng cao tấm gương phải càng sáng.

Các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm biểu dương những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nghiêm khắc phê bình những tập thể, cá nhân vi phạm nội quy, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kết hợp giữa “xây và chống”, “chống và xây”. Lấy tự phê bình làm chính và là điểm xuất phát, tránh sự nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, của các đoàn thể, của báo chí, công luận. Cùng với xử lý kỷ luật cá nhân vi phạm cần phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ LLVT đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, gia đình đảng viên, đoàn viên thanh niên tổ chức cưới cho bản thân hoặc người thân không được sử dụng công quỹ và phương tiện công dưới mọi hình thức; không đi dự cưới trong giờ làm việc; không sử dụng rượu, bia trong đám cưới vào buổi trưa các ngày làm việc; thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong tổ chức tang lễ; không bày cỗ mời khách trong tang lễ...

Từng tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết TW 4, Chỉ thị 03-CT/TW vào nội dung sinh hoạt định kỳ, xác định là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hàng năm; kiểm điểm, đánh giá việc quán triệt và triển khai thực hiện, đề ra các giải pháp cụ thể, phát huy những kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân những thiếu sót, hạn chế và hướng phấn đấu trong thời gian tới; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ. 


    Ý kiến bạn đọc