HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
EmailPrintAa
09:45 18/02/2013

Người đứng đầu, dù đứng đầu ở tổ chức nào trong hệ thống chính trị cũng là cán bộ của Đảng, là người đại diện cho Đảng để lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chủ truơng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên tắc đó được biểu hiện cụ thể ở “cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Việc thực hiện đúng nguyên tắc và phong cách làm việc này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.

Tập thể lãnh đạo là cần thiết, bởi muốn hoàn thành trọng trách lãnh đạo toàn Đảng, cũng như mỗi cấp uỷ, mỗi tổ chức thì phải mở rộng dân chủ trong bàn bạc thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể để tìm ra phương án đúng đắn, sáng tạo nhất trong việc đề ra đường lối, chủ trương, thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Điều này Hồ Chí Minh đã nói: “Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì mới thấy rõ vấn đề khắp mọi mặt, mà có thấy rõ được khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh mặt dân chủ, mặt tập thể lãnh đạo mà không chú ý đến tập trung, đến cá nhân phụ trách cũng chưa đủ. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Người cho rằng nếu làm không tốt cá nhân phụ trách thì dễ đi đến “hoà cả làng”, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Bởi vậy vai trò của cá nhân phụ trách, của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Năng lực, phẩm chất của người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động và uy tín của tổ chức. Người đứng đầu là tấm gương, là nhạc trưởng, là “người cầm cân nẻ mực”, vì thế phải không ngừng nâng cao năng lực và giữ gìn đạo đức, để vừa có tầm, có tâm, có uy tín, đủ sức quy tụ một tập thể quanh mình thực hiện tốt những nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị, địa phương.

Muốn vậy, theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) cần phải “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu”. Sự nhập nhằng trong việc xác định mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách sẽ dẫn đến hoặc là độc đoán chuyên quyền, hoặc là sợ trách nhiệm không dám quyết đoán. Người đứng đầu phải có phong cách sống và làm việc tương xứng với vai trò của mình. Một mặt, phải luôn giữ đúng nguyên tắc, quy định của tổ chức mình đứng đầu, mặt khác phải luôn chủ động, sáng tạo, tìm tòi nhạy bén với cái mới, với nhân tố mới. Điều này Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Cán bộ khư khư giữ lấy nếp cũ, không dám sửa bỏ cái không cần thiết là “quá hữu”; nhưng nếu không chín chắn mà hôm nay đặt ra cái này, mai lại sửa lại cái khác, cứ “quá tả” như vậy chỉ làm cho quần chúng hoang mang”. Trong thực tế hiện nay, ở một số địa phương, đơn vị, người đứng đầu hoặc là có hiện tượng gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể, hoặc là xuề xoà dựa dẫm vào tập thể không dám nhận trách nhiệm. Cho nên người đứng đầu cần phải có cách làm việc thống nhất giữa tính dân chủ, tôn trọng ý kiến tập thể với tính quyết đoán, tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Người đứng đầu chịu trách nhiệm cá nhân về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng các mặt của nội bộ, kể cả liên đới trách nhiệm đối với sai phạm của người dưới quyền. Vì vậy, tính quyết đoán theo phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là yêu cầu bắt buộc đối với người đứng đầu. Để làm tròn vai trò của mình, người đứng đầu phải thật sự khiêm tốn cầu thị, tôn trọng, tranh thủ được sự ủng hộ của tập thể để nhân lên trí tuệ và hiệu quả lãnh đạo của mình. Bên cạnh đó, người đứng đầu cũng cần khơi dậy được ý thức trách nhiệm, tạo lập được bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, không áp đặt ý kiến chủ quan khi thảo luận, biết lắng nghe ý kiến của tập thể, nắm bắt và tổng hợp đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận. Là người đứng mũi chịu sào, người đứng đầu có lúc cũng không tránh khỏi những sai sót trong việc đưa ra các chủ trương, xử lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, bởi vậy những lúc đó, người đứng đầu cần phải biết tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình thì mới ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Hồ Chí Minh đã nói, người đứng đầu phải “làm đầu tàu, phải gương mẫu, phải thực hành phê bình, tự phê bình để làm gương cho mọi người”. Trong thực tế, với vai trò là người đứng đầu, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương về tự phê bình và phê bình. Khi mới nhận chức Chủ tịch một thời gian ngắn, Người đã đứng ra nhận khuyết điểm trước quốc dân: “Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho dân…, tôi phải nói thật những thành công là nhờ đồng bào cố gắng, khuyết điểm là lỗi do tôi”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ tình hình thực tiễn, Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra giải pháp đầu tiên về vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu. Theo đó, tuỳ vào vị trí và công tác của mình, người đứng đầu tự kiểm điểm xem còn yếu và thiếu những gì mà xác định quyết tâm, có kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Thông qua tự phê bình và phê bình trong nội bộ, cùng với việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng giúp người đứng đầu nhận rõ những ưu, khuyết điểm để phát huy và sửa chữa. Bằng cách đó, cùng với ý thức tự rèn luyện tu dưỡng của bản thân, người đứng đầu hoàn thiện dần nhân cách cá nhân, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng tốt yêu cầu cương vị công tác, xứng đáng với trách nhiệm được giao và niềm tin của mọi người. Đó là một nội dung quan trọng trong việc đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) vào cuộc sống, để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.


    Ý kiến bạn đọc