Tích cực tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992
EmailPrintAa
09:19 07/02/2013

Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản, thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Hiến pháp đóng vai trò đặc biệt quan trọng với các vấn đề như: xác lập chủ quyền nhân dân, tổ chức quyền lực Nhà nước, ghi nhận các quyền con người và quyền công dân… Do vậy việc sửa đổi hiến pháp và lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân là việc rất cần thiết và là một dịp tốt để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa do Đảng phát động thông qua dư luận xã hội.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam cần cù lao động, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều là sự ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, từng bước góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định nguyện vọng, ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, mọi sự cải cách cơ bản chỉ có thể do bộ phận lãnh đạo chủ chốt của Đảng phát động, chỉ đạo thực hiện và phải thực sự lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng yêu cầu phát triển của thời đại làm nền tảng. Trong những năm gần đây, với vai trò lập pháp, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, ngày càng có những đổi mới tích cực và được cử tri cả nước đánh giá cao. Các phiên chất vấn ngày càng có chất lượng, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các chủ đề thời sự nóng bỏng của đất nước. Việc công bố bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân lần này là một việc làm hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế của thời đại - khi mà Việt Nam đang ngày càng tích cực tham gia hội nhập và hợp tác quốc tế một cách sâu rộng. Đây còn là một dịp rất tốt để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa do Đảng phát động thông qua dư luận xã hội, bởi vì tập hợp ý kiến từ một xã hội lành mạnh sẽ là chỗ dựa tin cậy, vững chắc nhất cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Ban soạn thảo Hiến pháp đã kêu gọi mọi người dân tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.  Do đó quy trình tổ chức lấy ý kiến phải làm sao để các nội dung đóng góp của nhân dân thực sự được trân trọng nhằm huy động tối đa trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân vào việc tham gia sửa đổi Hiến pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của nhân dân. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp ý kiến một cách thiết thực. Quá trình này phải được tiến hành thận trọng, công khai, khoa học và dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tháng 03/2012, Hà Tĩnh đã tiến hành Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992; thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - đó là cơ sở cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong thời gian tới. Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ rõ: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phải đảm bảo yêu cầu: được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, đảm bảo tiến độ chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân. Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải làm cho các tầng nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng và tin tưởng những ý kiến góp ý sẽ được trân trọng, tiếp thu, nghiên cứu. Giáo dục ý thức, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp ý kiến nhân dân để kịp thời báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tỉnh và Trung ương. 

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải bám sát đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đối với các ý kiến góp ý được chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần bảo đảm khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng cao; cần tránh khuynh hướng thông tin phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, không chân thực. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân có nhiều lựa chọn trong việc thể hiện ý kiến góp ý của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia nghiên cứu cũng như đóng góp các ý kiến vào trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hình thức lấy ý kiến: góp ý trực tiếp bằng văn bản; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, toạ đàm, thông qua cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh, Trang đại biểu nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp, của HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng lấy ý kiến là các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, HĐND, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, Trường Chính trị Trần Phú, Trường Đại học Hà Tĩnh, các cơ quan thông tấn báo chí, các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư, luật gia và đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong những tháng đầu năm 2013.


    Ý kiến bạn đọc