BÀN VỀ MỘT SỐ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
EmailPrintAa
15:46 19/03/2013

* Về quyền sống quy định tại điều 21 của dự thảo

Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi người có quyền sống”. Từ trước tới nay, quyền sống đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của quốc tế, của các nước và của nước ta như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776; Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945... Điều 3 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 cũng đã khẳng định điều đó. Trong các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), quyền được sống được thể hiện thông qua việc quy định các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... của công dân. Việc quy định quyền được sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình lập hiến của chúng ta.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, để hoàn thiện hơn, chúng tôi cho rằng nên gộp Điều 21 (quy định về quyền sống) vào Điều 22 (quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được hiến xác, hiến bộ phận cơ thể) thành một điều trong Hiến pháp. Vì các quy định tại Điều 22 của dự thảo chỉ là sự cụ thể hóa, mở rộng nội dung của Điều 21. Mặt khác việc gộp 2 điều này với nhau sẽ làm cho bản Hiến pháp ngắn gọn hơn, lôgic hơn, theo đúng yêu cầu của một đạo luật gốc. Cụ thể như sau:

1. Mọi người có quyền sống.

2. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.

4. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý”.

* Về quyền chứng minh vô tội

Khoản 2 điều 32 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Ở đây chúng tôi muốn bàn về quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”.

Trước hết về mặt thuật ngữ, quy định trên rất dễ bị hiểu nhầm. Vì tội phạm là một khái niệm được quy định trong Bộ luật Hình sự, ví dụ: tội trộm cắp tài sản; tội vu khống; tội nhận hối lộ. v.v. Do đó người ta có thể hiểu là nếu một người đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản thì người đó có thể vẫn bị kết án vì tội này nếu anh ta tái phạm. Vì vậy để cho người dân dễ hiểu hơn thì quy định này nên viết là: “Không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội”.

 Mặt khác chúng tôi cho rằng việc không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội gần như là một điều hiển nhiên. Việc vi phạm quy định này hầu như không xảy ra trên thực tế. Các Hiến pháp trước đây cũng không quy định vấn đề này. Do đó quy định này chỉ nên quy định trong Bộ luật Hình sự mà không cần thiết phải đưa vào Hiến pháp. Trong khi đó, chúng tôi thấy có một quy định mang tính nguyên tắc rất quan trọng nhằm đảm bảo cho việc chống oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cần phải đưa vào trong Hiến pháp. Đó là quy định: “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng”.

Vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” tại khoản 2 điều 32 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và bổ sung vào điều khoản này như sau:

Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng”.

Việc bổ sung quy định nói trên vào trong Hiến pháp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện một yêu cầu hết sức quan trọng của một nề Tư pháp “vì dân” là: Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

* Về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân

Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được quy định tại điều 31 dự thảo. Điều này quy định:

1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nước ta đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện khá tốt, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân, do đó các trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn còn nhiều. Mặt khác do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo chưa cao nên tình trạng khiếu kiện đông người; người khiếu nại, tố cáo tụ tập gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt điều đáng lo ngại là có rất nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân mặc dù đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Họ vẫn gửi đơn đi nhiều nơi, thậm chí đến trực tiếp nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương. Các cơ quan ở bộ, ngành Trung ương khi tiếp nhận các đơn, thư này lại chuyển về yêu cầu địa phương xem xét lại, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vòng vo, kéo dài. Nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan Nhà nước không được tôn trọng, không được thực hiện nghiêm chỉnh, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân không được đảm bảo, kỷ cương phép nước không nghiêm. Vì vậy chúng tôi cho rằng trong Hiến pháp sửa đổi lần này, cùng với việc tiếp tục quy định quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì đồng thời phải quy định nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo là phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm khoản 4 vào điều điều 31 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:

4. Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành”.

Việc bổ sung quy định nói trên vào Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các cơ chế, các quy định nhằm khắc phục tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo bị kéo dài, đơn thư khiếu nại, tố cáo vòng vo, vượt cấp, cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang diễn ra một cách không bình thường hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc