Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đảm bảo thiết thực, hiệu quả
EmailPrintAa
15:35 19/03/2013

Mười ba năm sau ngày thành lập Đảng, đứng trước sứ mệnh lịch sử chuẩn bị cho cuộc cách mạng diễn ra hai năm về sau, ngày 16/7/1943, Đảng công bố Đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương với ba nguyên tắc vận động văn hóa: Dân tộc, Đại chúng và Khoa học, đã trả lời kịp thời những nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử, một sự tiếp nối và phát triển phù hợp quy luật truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc có tính chất mở đường cho quá trình phát triển ngày càng hoàn thiện và sâu sắc các quan điểm, các văn kiện của Đảng về hai lĩnh vực cơ bản khoa học và nghệ thuật.

Đề cương văn hóa Việt Nam, Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội ngày 21/11/1946, đã đáp ứng nhiệm vụ cách mạng vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nó đã góp phần tập hợp giới trí thức yêu nước chung quanh Đảng và Mặt trận, động viên toàn dân nâng cao dân trí, tiến hành giải phóng đất nước thắng lợi. Năm 1954, nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ  trên nửa nước đã hoàn thành. Sau đó, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc, dân chủ, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm, văn kiện của Đảng về văn hóa lấy nội dung xã hội chủ nghĩa làm chủ đạo. Mãi sau năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, vấn đề cách mạng tư tưởng về văn hóa trong cách mạng xã hội chủ nghĩa mới được đặt ra. Tuy vậy, văn hóa mới được nhìn về văn học và nghệ thuật, giáo dục, khoa học và công nghệ mà chưa có sự bao quát tổng thể về xã hội, đặc biệt, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức và lối sống chưa được quan tâm đúng mức.

Ngày 16/7/1998, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới - Cách mạng xã hội chủ nghĩa, sớm trở thành một chiến lược văn hóa, góp phần quan trọng đẩy lùi và vượt qua những khó khăn cản trở con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa.

Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng nhận định: “Suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân kể cả những người có chức có quyền”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái, trong đó có nguyên nhân “Tinh thần phê bình, tự phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ Đảng”. Từ thực tế ấy,  bao trùm và xuyên suốt Nghị quyết Trung ương 5 là tinh thần giương cao ngọn cờ cách mạng xây dựng văn hóa trong Đảng làm cho “Đảng thực sự là trí tuệ là đạo đức là văn minh”; là “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể cộng đồng, từng địa bàn dân cư và mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo nên trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển”. Nghị quyết Trung ương 5 đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách: Đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình”.  Một chương trình hành động đã được triển khai theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, làng, bản, xóm thôn với nhiều phong trào quần chúng cụ thể sâu rộng: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng cơ quan, công sở văn minh”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xóa đói giảm nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”… Tất cả thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược văn hóa của đất nước. Có thể nói, sau 15 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với cả nước, Hà Tĩnh chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả thiết thực. Trên tinh thần của văn hóa, tư tưởng, đạo đức và lối sống xã hội tiếp tục được khẳng định và phát huy theo chiều hướng tích cực; bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được đề cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo và điều hành của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết đề ra. Công tác chỉ đạo triển khai có lúc, có nơi thiếu thường xuyên, chưa thống nhất, đồng bộ nên nhiều phong trào thiếu tính thiết thực, chưa thật sự thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Một số cán bộ, đảng viên còn biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, trong khi việc thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa còn hạn chế. Hoạt động quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Môi trường văn hóa nhiều nơi, nhiều lúc còn thiếu lành mạnh; an ninh trật tự, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp…

15 năm trước, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, Nghị quyết Trung ương 5 đặt ra một cách gay gắt, đến nay nó vẫn đang là vấn đề hàng ngày, nóng bỏng và nhức nhối trong xã hội, làm tổn hại uy tín của Đảng, gây nên “nguy cơ tồn vong” cho đất nước. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), chỉ rõ: “Trình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo”. Điều này cũng có nghĩa là phẩm giá và nhân cách, là chất văn hóa của cán bộ, đảng viên đang bị mai một. 

Các Nghị quyết của Đảng về văn hóa đều đã đặt đúng “những vấn đề quan trọng nhất của văn hóa quan hệ đến hiện tại và tương lai của đất nước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại mới”. Và tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa trở thành những vấn đề cấp bách. Như vậy, giải quyết những vấn đề cấp bách về tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng là giải quyết những vấn đề cơ bản của văn hóa. Giải quyết những vấn đề cơ bản của văn hóa, đầu tiên là xây dựng các giá trị văn hóa trong từng mỗi con người, xây dựng nền văn hóa của mỗi tổ chức Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. 

Từ thực tiễn “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của tỉnh trong 15 năm qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực cho công tác văn hóa. Trước hết, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, coi “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, luôn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa cần sát hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh; đồng thời cần tập trung được nguồn lực tinh thần và vật chất cần thiết để thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Luôn coi trọng vấn đề xây dựng và phát triển toàn diện con người, xem đây là mục tiêu hàng đầu, là khâu then chốt trong xây dựng và phát triển văn hóa của tỉnh. Tìm giải pháp khắc phục những yếu kém trong xây dựng và phát triển văn hóa, hướng đến xây dựng nền văn hóa của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững.

Văn hóa là vấn đề rộng lớn, vấn đề của mọi người và mỗi người, vấn đề của một thời và của muôn thời, là “nền tảng tinh thần của xã hội”. Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 là tổng kết những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những vấn đề đã giải quyết xong, những vấn đề đang dở dang, những vấn đề chưa giải quyết nổi trên các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức và lối sống, văn học - nghệ thuật, thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa với nước ngoài, hệ thống thiết chế văn hóa. Lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và lối sống đang nổi lên những vấn đề cấp bách, cần quan tâm nhất. Từ đó mà xác định những vấn đề cần giải quyết, những nhiệm vụ cần làm; có vấn đề cấp bách, có nhiệm vụ trước mắt, có vấn đề dài hạn, có nhiệm vụ lâu dài. Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 là một việc làm cần thiết, yêu cầu sự đầu tư tâm huyết, trí tuệ của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội mà đầu tàu là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với sự quan tâm của toàn xã hội.


    Ý kiến bạn đọc