Hội Xuân đôi điều suy ngẫm
EmailPrintAa
15:30 19/03/2013

Các làng xã Hà Tĩnh xưa kia, cũng như mọi nơi trong nước, việc tế lễ diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp tế lễ, hầu hết các làng đều mở hội vui. Nhiều nơi, hội rất linh đình. Trong số 28 lễ hội tiêu biểu chúng tôi khảo sát được, đưa vào sách “Lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh” - (2005) thì 17 lễ hội là Hội xuân, tổ chức từ giữa tháng chạp đến tiết Thanh minh, tháng ba âm lịch, trong đó có “tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích” là hai Hội lớn.

Tết, lễ, hội là ba khái niệm khác nhau, nhưng có quan hệ gắn bó, bởi đều là những sinh hoạt văn hóa truyền thống có điểm giao thoa với nhau.

Tết (Tiết), hàng năm có nhiều (Tết Đoan Ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu…) nhưng quan trọng nhất là Tết Nguyên đán. Tết gồm một chuỗi những Lễ và sinh hoạt văn hóa.

Lễ là hệ thống nghi thức (cúng tế, rước xách) biểu thị lòng thành kính và biết ơn Thần, Phật, Tổ tiên, người đã khuất, nên phải tôn nghiêm và có ý nghĩa thiêng liêng. Tết và Lễ là cái cớ để có Hội.

Hội là một vài hoặc nhiều hoạt động văn hóa dân gian (gọi là “hành động hội”) gây không khí và tô đậm thêm ý nghĩa của Lễ. Hội là hoạt động tự do, bình đẳng làm cho mọi người thoải mái, vui vẻ, tạo nên sự cộng cảm, cố kết cộng đồng.

Lễ và Hội, về bản chất khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó là xuất hiện cụm từ Lễ hội hay Hội lễ thường gọi là Hội.

*

Sau Cách mạng tháng 8/1945, việc tế lễ không được coi trọng, nên Hội cổ truyền cũng không còn. Nhưng lại xuất hiện các lễ hội hiện đại: Lễ Quốc khánh 2-9, Lễ mừng Chiến thắng… là lễ của cả nước, nhưng ở các làng xã đều tổ chức long trọng. Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục theo lễ xưa với khẩu hiệu mới “Mừng Đất nước, Mừng Xuân”. Nhân dịp này, ở nông thôn, thành thị thường tổ chức hội vui với những hoạt động văn hóa cổ truyền (đánh đu, đua thuyền, đi cầu vồng, đánh cờ thẻ…) và hiện đại (đá bóng, đấu bóng chuyền, thi thể thao, diễn kịch…). Mấy chục năm gần đây, một số lễ hội xưa được phục hồi với quy mô rộng lớn hơn trước. Lễ hội chùa Hương Tích, đền Đô Đài (Can Lộc), Lễ hội đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân (Hải Khẩu, Kỳ Anh), Lễ hội đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Xuân Hồng, Nghi Xuân) v.v… Không chỉ có nhân dân địa phương, trong huyện, trong tỉnh tham gia mà còn thu hút khách nhiều nơi trong nước về dự. Nhiều lễ hội mới với quy mô lớn nhỏ khác nhau cũng liên tục phát triển. Lễ đón danh hiệu Anh hùng, Lễ đón bằng công nhận Di tích lịch sử, văn hóa, Lễ kỷ niệm các Danh nhân v.v… đều là những dịp để có nhiều họat động văn hóa, có Hội… Lễ hội kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, Lễ hội Văn hóa tại Ngã ba Đồng Lộc,… đều có tác dụng giáo dục và sức động viên cổ vũ lớn. Hội thơ xuân tổ chức ở Khu lưu niệm Nguyễn Du nhắc lại cuộc ngâm thơ ở Đình Tiên xưa, gợi lên lòng tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương…

Lễ Hội ngày nay đã trở thành một nhu cầu của cuộc sống, tạo được sự giao lưu văn hóa - tình cảm, nhất là đối với lớp trẻ.

*

Việc tổ chức Lễ hội ngày càng đi vào nền nếp tạo được hiệu quả ngày càng cao. Tuy nhiên cũng còn một số việc cần được tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu.

Về phần Lễ - Lễ bao giờ cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, kể cả lễ hiện đại. Sự thiêng liêng không phải do lòng sợ hãi bị trừng phạt, mà từ việc thật lòng thành kính và biết ơn người trước, biết ơn Phật, Thần - những vĩ nhân, những anh hùng, liệt sĩ.

Ở các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ Thiên chúa) việc làm lễ đã có các vị chức sắc (nhà sư, linh mục) thông thạo các thể thức, quy tắc đứng ra điều khiển, tín đồ cũng điều hiểu kinh bổn. Tại các lễ hội hiện đại cũng đã có ban tổ chức chuẩn bị, điều hành chu đáo.

Riêng việc tế lễ ở đền, miếu thì còn tùy tiện, mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi phục hồi lại hoàn toàn nghi thức tế lễ xưa.

Lễ hội ngày nay, nhất là Hội xuân, là một phần biểu hiện tinh hoa văn hóa Việt, biểu hiện cái hồn Việt. Nhưng cần thấy rằng, người Việt ngày nay là người của thời hiện đại, của thế kỷ XXI. Hình thức và nội dung Lễ hội cũng phải thích hợp với cuộc sống hiện tại, con người hiện tại đang hướng tới tương lai. Giữ cái tinh, cái hồn xưa, nhưng tránh phục cổ.

Trong phần Lễ, những người trực tiếp hành lễ, xưa gọi là “Chấp sự”, hầu hết là lão niên và trung niên. Những người cao tuổi nhất cũng sinh ra trước năm 1945 trong ngoài 20 tuổi, thuộc thế hệ tân học. Hiếm người được tiếp cận với cổ học, Hán học, mà dẫu có biết đôi chút, cũng chẳng thấu đáo gì. Do đó, không thật thông thạo các nghi tiết tế lễ xưa. Vì vậy cần có sự nghiên cứu lại cách thức, nghi tiết tế lễ mà châm chước cho hợp lý. Ví như việc mặc quốc phục, kể cả áo mũ tế, là hợp lý. Các nghi tiết tiến cỗ bàn, hương đăng đều không thể bỏ v.v… Các thủ tục khác thì có thể sửa đổi sao cho giản tiện mà vẫn nghiêm túc. Theo tôi nghĩ có mấy điểm cần quan tâm:

Đối với các Lễ hội kỷ niệm danh nhân hoặc Thần, Thánh, Phật… tổ chức ở đền, chùa, thì ngoài việc phổ biến tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Lễ hội, còn rất cần từng bước làm cho mọi người hiểu thấu đáo Thần tích, Phật thoại v.v…, hiểu lịch sử của ngôi đền, ngôi chùa, từ đó mà thấy ý nghĩa của việc thờ phụng.

Đối với các Thần là nhân vật lịch sử như Danh tướng, khai quốc công thần Chiêu trưng vương Lê Khôi, Danh thần Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ v.v… thì cần xây dựng một bản thần tích chuẩn xác, đúng như các bộ sử đã chép, nêu được tiểu sử, công trạng của Thần. Đối với các vị là nhân vật huyền thoại như Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Thiên thần), hay Phật Bà Quan Âm Nam Hải (Phật Bà Diệu Thiện, thờ ở chùa Hương Tích)… thì căn cứ vào Thần phả và Phật thoại hiện có mà khai thác ý nghĩa mới một cách khoa học mà phổ biến.

Khuynh hướng của Thần tích là huyền thoại hóa để tạo tính thiêng liêng và lịch sử hóa để được tin là thật. Nhưng ngày nay không thể đưa người ta trở về sự mông lung mà phải giúp người ta hiểu biết khao học. Người ta không thể hiểu “Bà chúa Liễu là con nhà trời, đầu thai xuống hạ giới, nhà họ Lê, tỉnh Nam Định” hay “Bà Diệu Thiện là con gái vua Trang nước Sở” nữa. Người ta phải hiểu đó là hai nhân vật hư cấu của hai tác phẩm văn chương, một cổ tích, một Phật thoại. Hai “nhân vật tiểu thuyết” ấy đạt đến mức trở thành biểu tượng của cái đẹp của tâm hồn người phụ nữ. Bà chúa Liễu là biểu tượng của khát vọng tự do, hạnh phúc (thoát khỏi cung điện nhà trời, nơi giam hãm mình, xuống trần để được hưởng niểm hạnh phúc đơn giản, được làm vợ, làm mẹ…). Bà Diệu Thiện là biểu tượng của đức vị tha, quên mình cứu giúp con người thoát khỏi bể khổ. Hiểu như vậy, người ta sẽ kính trọng những con người cao cả ấy hơn, và từ tự tôn kính ấy sẽ tạo nên tính thiêng. Và như vậy con người sẽ hướng thiện.

Hiểu lịch sử ngôi đền, ngôi chùa – những di tích văn hóa, sẽ hiểu hơn nền văn hóa và lịch sử quê hương, đất nước, để mọi người cùng góp sức xây dựng bảo vệ di tích.

Cũng cần làm cho mọi người hiểu và tránh những điều bất kính, xây dựng một lối ứng xử đúng đắn trong văn hóa tâm linh. Ví như: không gọi tên tục Thần Phật khi cúng tế, khi ở đền chùa. Theo quy ước, khi viết lịch sử, ta có thể viết tên nhân vật (như Lê Khôi, Hồ Chí Minh…). Nhưng theo quy ước trong văn hóa tâm linh, thì không được, như thế là xúc phạm. (Hiện nay đến đền Chế Thắng phu nhân, người ta cứ oang oang là đền Bích Châu, thậm chí còn phịa ra gọi Bà là Nguyễn Thị Bích Châu! Gọi đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh cứ gọi (và viết) là “đền Củi” kể cả văn bản Nhà nước! Thậm chí có lúc gọi là “đền Hoàng Mười”, và một bộ phim tài liệu thuyết minh “Ông Hoàng Mười có công với nước  hy sinh dưới sông Lam, dân lập đền thờ ông”!) Cũng cần nói thêm một sự bất kính khác: ăn mặc không nghiêm chỉnh khi vào tế lễ. Nên tránh việc đàn ông mặc may-ô, đàn bà mặc hở vai, mặc váy cộc, khi đến trước bàn thờ.

Cuối cùng tôi muốn nói là tình trạng mê tín trong Lễ hội như bói xăm, đốt quá nhiều vàng mã. Bói xăm chẳng qua là cầu sự may mắn, tốt lành chẳng có hại gì. Cái hại là những người đoán, giảng - thường là chẳng học hành thấu đáo, đặt ra nói để người ta lo sợ, phải đi cầu, đi cúng. Tục đốt vàng mã cũng có từ lâu, nhưng chỉ nên đốt ít, tượng trưng là đủ. Không cứ “nhiều vàng đút lót” thì thần ban phúc. Thậm chí, có người đưa đến cúng cho Thần - một người sống hàng trăm, hàng nghìn năm trước - cả một tệp dày “Đô-la Mỹ” - Thật là một sự khôi hài quá mức! Đó cũng là bất kính đối với Thần linh.


    Ý kiến bạn đọc