Vì biên giới bình yên
EmailPrintAa
15:26 19/03/2013

Hết lòng vì dân, dân sẽ tin”

Phóng viên (P.V): Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nơi biên giới. Điều này tác động thế nào đến việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, thưa đồng chí?

 Đại tá Nguyễn Trọng Thường (Đại tá N.T.T): Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chúng tôi xác định gắn bó máu thịt với đồng bào nơi biên giới là việc sống còn trong quản lý, xây dựng và bảo vệ biên cương. Điều này cũng đã trở thành nét truyền thống trong hơn nửa thế kỷ qua của lực lượng BĐBP. Những năm vừa qua, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương tập trung làm tốt nhiệm vụ củng cố, xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi xác định: xây dựng đời sống kinh tế cho đồng bào nơi biên giới chính là xây dựng tiềm lực để bảo vệ biên cương; Bà con nhân dân trên hai tuyến biên phòng trong các thời kỳ có vai trò hết sức quan trọng trong củng cố, xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Vì thế trong những năm qua, chúng tôi đã tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: xóa nhà tranh tre dột nát, thực hiện chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây dựng nhà cho đồng đội từng chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn; .

P.V: Trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ và thắt chặt tình quân dân nơi biên giới, Hà Tĩnh đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đồng chí cho biết đó là những bài học gì, thưa đồng chí?

Đại tá N.T.T: Có rất nhiều bài học, thứ nhất là xây dựng tấm lòng vì dân, làm cho cán bộ chiến sĩ có nhận thức thực sự về vấn đề này, từ đó nâng cao trách nhiệm đối với nhân dân. Thứ hai là phải bám sát các chủ trương, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó BĐBP lồng ghép nhiệm vụ chính trị của mình với các chủ trương, nhiệm vụ địa phương. Thứ ba là phát huy sức mạnh tập thể. Anh em biên phòng không có vật chất nhưng có công, có sức, có trách nhiệm giúp đỡ đồng bào, nối dài cánh tay nhân ái của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước đến với đồng bào nơi biên giới. Điều quan trọng mà chúng tôi rút ra được trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ở biên giới là mình phải làm thực sự phát huy được hiệu quả thì cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm mới tin. Chúng tôi từng làm xong các công trình giúp dân rồi mời doanh nghiệp đến kiểm tra, đánh giá kết quả đầu tư, như: Xây nhà, xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho bà con… Từ những việc làm cụ thể đó, chúng tôi tạo được niềm tin và thu hút được một số nguồn lực giúp đỡ đồng bào trong những năm vừa qua.

Ngoài việc giúp dân xây dựng cở sở vật chất, thì BĐBP Hà Tĩnh còn giúp dân khai thác, sử dụng hiệu quả. Điển hình như ở bản Rào Tre. Nếu chỉ BĐBP thì không làm được, thậm chí nguồn lực địa phương đầu tư cũng có khó khăn nhất định. Chúng tôi thông qua tổ chức mặt trận các cấp, hệ thống chính trị kết nối với các tổ chức, cá nhân để đầu tư. Điều quan trọng là phải tập trung được nguồn vốn, đầu tư có hiệu quả rồi hướng dẫn cho đồng bào quản lý, khai thác, sử dụng. Mỗi người đến với đồng bào vì lòng hảo tâm nhưng nếu cách làm không tốt dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Điều này chúng tôi đặc biệt chú ý. Hiện đời sống của người dân vùng biên giới đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Bây giờ bà con chủ yếu làm rừng, làm nông nghiệp lúa nước nhưng nếu có nghề phụ khác sẽ góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Một điều rất quan trọng nữa là chúng ta cần tập trung nâng cao nhận thức trên các mặt, nhất là đầu tư việc học hành của con em đồng bào nơi biên giới tốt, đây chính là tạo được một nguồn lực lâu dài. Để làm tốt công tác trên, rất cần sự chung tay của xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó BĐBP luôn xác định làm hết khả năng, trách nhiệm cũng như tình cảm của mình.

P.V: Những năm vừa qua, sau khi huy động được các nguồn lực, BĐBP Hà Tĩnh đã triển khai trên thực tế  như thế nào cho đồng bào vùng biên giới, thưa đồng chí?

Đại tá N.T.T: Chúng tôi đã tập trung xóa hơn 300 nhà tranh tre dột nát, số tiền đầu tư bình quân khoảng 30 triệu đồng/nhà. Nhưng khi làm xong, giá trị công trình lên tới 50-60 triệu do có sự đóng góp bằng công sức của bộ đội, công sức, cơ sở vật chất của cả hệ thống chính trị, bản làng nơi biên giới. Tuy nhiên, giá trị tiền đầu tư 30 triệu đồng có cú hích rất quan trọng để cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc giúp dân. Có thể kể đến Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Bộ Tư lệnh Biên phòng kết nối thực hiện đầu tư vào nhiều tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh. Gần 100 ngôi nhà đã được xây dựng cho các đồng chí, đồng đội từng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Trường Sơn và xây dựng các công trình dân sinh khác. Hay như chương trình xây dựng nông thôn mới, Biên phòng Hà Tĩnh nhận đỡ đầu một xã. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao cho các đồn biên phòng cơ sở là mỗi đồn nhận đỡ đầu 1 hoặc 2 thôn bản, để góp một phần công sức vào cùng cả xã hội thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiện chúng tôi có 6 trạm y tế quân dân y kết hợp nằm trên những địa bàn khó khăn. Ngoài việc vận động, tuyên truyền cộng đồng dân cư chăm sóc sức khỏe còn thực hiện khám, cấp cứu kịp thời. Các trạm mỗi năm khám cho hàng ngàn người, cấp cứu hàng trăm người. Tất nhiên là còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn cần giải quyết để phát huy hơn nữa hiệu quả các chương trình, hành động.

Tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới

P.V: Thưa đồng chí, thời gian qua, BĐBP Hà Tĩnh không chỉ chăm lo đời sống cho đồng bào vùng biên mà còn tích cực phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy. Xin đồng chí cho biết việc phối hợp giữa BĐBP tỉnh với nước bạn Lào trong công tác phòng chống loại tội phạm này như thế nào?

Đại tá N.T.T: Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn biên giới, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam, Bộ An ninh Lào có chương trình phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Biên phòng Hà Tĩnh đã cùng lực lượng của bạn triển khai phối hợp một cách chặt chẽ, khoa học và có hiệu quả. Hai bên bàn rất kỹ để xác định địa bàn trọng điểm, thường xuyên kết nối thông tin trao đổi tình hình, cung cấp thông tin về hoạt động của đối tượng hai bên biên giới, xác định các đối tượng liên quan để xác lập chuyên án, tổ chức một ban chuyên án chung để tổ chức đấu tranh có hiệu quả. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của cả hai bên. Những năm vừa qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương nổi bật trong quan hệ với bạn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm ma túy.

PV: Bên cạnh đó, để đấu tranh phòng chống ma túy, BĐBP Hà Tĩnh đã có sự phối hợp với các lực lượng khác như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Trọng Thường: Bộ Tư lệnh Biên phòng và Bộ Công an có chương trình phối hợp và những năm qua, sự phối hợp đó phát huy hiệu quả rất tốt. Điển hình như ngày 28/12/2012, Biên phòng Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an huyện Đức Thọ, Phòng PC47 – Công an tỉnh Nghệ An phá thành công Chuyên án 445-L bắt giữ 8 đối tượng và thu giữ 60 bánh heroin có trọng lượng trên 30kg. Đây là một chuyên án lớn, thể hiện sự gắn bó giữa Biên phòng Hà Tĩnh với các lực lượng phòng chống ma túy khác trên địa bàn. Tôi cho rằng, những chương trình như thế này tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng, nhất là công an và biên phòng. Điều đó cần được phát huy, nhất là về trao đổi cung cấp thông tin tình hình có liên quan, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp trong việc xác minh, điều tra, tổ chức đánh án. Song, điều cực kỳ quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm là nguồn tin ban đầu để chúng ta nghiên cứu. Có thể nói đến 80-90% là do nhân dân cung cấp. Do vậy chúng tôi đánh giá rất cao vai trò xây dựng cơ sở, nền an ninh, nền quốc phòng toàn dân dưới địa bàn.

P.V (Thực hiện)


    Ý kiến bạn đọc