Khu Kinh tế Vũng Áng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm - nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
EmailPrintAa
15:24 09/04/2013

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển và phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trong Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng được các cấp uỷ đảng và chính quyền Hà Tĩnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm được đặt lên hàng đầu.

Mở ra cơ hội và thách thức 

Khu Kinh tế Vũng Áng ra đời với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và chính sách ưu đãi nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế vào đầu tư. Đây là cơ hội để Hà Tĩnh chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Đến nay, KKT Vũng Áng có hơn 210 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư/đăng ký kinh doanh, trong đó có 76 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đã có 85 doanh nghiệp/dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 71 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp nước ngoài. Sự phát triển nhanh chóng của KKT Vũng Áng vừa là cơ hội việc làm, nhưng cũng đặt ra thách thức về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

Xác định việc cung ứng nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển của KKT, Ban Quản lý (BQL) KKT Vũng Áng đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tập trung thực hiện, trong đó lấy Trung tâm Xúc tiến đầu tư (XTĐT) và Cung ứng nguồn nhân lực (CƯNNL) làm đầu mối. Trung tâm đã thường xuyên bám sát các doanh nghiệp, cập nhật nhu cầu tuyển dụng, hàng tháng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử BQL KKT Vũng Áng, đồng thời gửi thông báo đến các địa phương trong tỉnh và Sàn giao dịch việc làm Hà Tĩnh để kịp thời đưa thông tin đến người lao động.

Năm 2012, KKT Vũng Áng có 13.040 lao động, trong đó lao động trong các doanh nghiệp, nhà đầu tư 5.723 người, lao động làm việc cho các nhà thầu 7.417 người. Trung tâm XTĐT và CƯNNL đã giới thiệu hơn 1.200 lượt lao động, có 565 người được tuyển dụng. Từ tháng 11/2012 - 01/2013, Trung tâm giới thiệu 613 lao động tham gia phỏng vấn cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tuyển dụng thông qua các đợt tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) trong và ngoài tỉnh. Cũng trong thời gian này, kết hợp với các kênh khác, FHS đã tuyển dụng 1.030 lao động có trình độ ĐH, 536 lao động có trình độ CĐ, TC. Ông Thái Chế Pháp - Đại diện FHS nói: “Chúng tôi luôn rộng mở cơ hội việc làm đối với mọi người, nhưng người lao động phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tuỳ thuộc vào vị trí, chuyên môn của công việc, nhất là ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung. Đặc biệt, FHS luôn ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương”. Được biết, từ nay đến cuối năm 2013, FHS có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.500 lao động có trình độ CĐ, TC. 

Theo số liệu thăm dò và báo cáo của các doanh nghiệp, nhà thầu, nhu cầu sử dụng lao động trong năm 2013 của các doanh nghiệp khoảng hơn 3.000 người, các nhà thầu khoảng hơn 15.000 người với trình độ chủ yếu từ CĐ, TC trở xuống. Trong những năm tiếp theo, khi kết thúc giai đoạn xây dựng để đi vào sản xuất, kinh doanh thì nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sẽ tăng cao.

Đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ Khu kinh tế

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được Trung ương và Hà Tĩnh hết sức quan tâm và đã chủ trì nhiều hội nghị tại Hà Tĩnh để bàn về công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho KKT. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, tỉnh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án 96 của HĐND tỉnh, Thông báo kết luận 248 của Phó Thủ tướng về đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Tĩnh đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách huy động nguồn lực để phát triển hệ thống các trường, cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm. Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học nghề và dạy nghề, đặc biệt đối với nhân dân vùng tái định cư. Mặt khác, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo các doanh nghiệp trong KKT cần tham gia đào tạo, coi đây là trách nhiệm của các nhà đầu tư vào KKT. 

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ và tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho KKT Vũng Áng, Trường ĐH Hà Tĩnh đã làm đầu mối liên kết với các trường ĐH có chất lượng và uy tín để đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, ĐH Hà Tĩnh đã liên kết với gần 10 trường ĐH trong nước đào tạo 13 chuyên ngành như: Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật tuyển khoáng, Kỹ thuật điện, điện tử… Đồng thời, ĐH Hà Tĩnh đã chủ động nâng cao các hoạt động ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế với nước bạn Lào, Thái Lan… Bên cạnh đó, các trường CĐ nghề Việt - Đức Hà Tĩnh, CĐ nghề Vũng Áng, TC nghề Hà Tĩnh... cũng căn cứ vào nhu cầu của các bên sử dụng lao động để triển khai đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực.

Năm 2012, theo báo cáo của các doanh nghiệp, trong số lao động đang làm việc tại KKT có 1.781 người trình độ ĐH trở lên, 3.942 trình độ dưới ĐH (không tính lao động làm việc cho các nhà thầu). Thống kê tại 12 trường ĐH, CĐ trên địa bàn khu vực cho thấy, có 38 ngàn học sinh, sinh viên có hộ khẩu tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ có thể làm việc trong KKT Vũng Áng.

Đối với 9 xã trong KKT, BQL KKT Vũng Áng đã tổ chức điều tra về tình trạng lao động và phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, xã, Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh, các cấp hội Nông dân, hội Phụ nữ… triển khai dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Đa số người tham gia đã tự tạo được việc làm tại địa phương, có thu nhập ổn định. 5 xã tái định cư (Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương), người dân có xu hướng học các ngành nghề: dịch vụ thương mại, cơ khí xây dựng, chăn nuôi… Trên cơ sở đó, huyện triển khai hướng giải quyết việc làm như: phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các loại hình dịch vụ ngoài hàng rào KKT; tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong KKT; tạo việc làm tại chỗ, du nhập các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các tổ hợp tác về dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi…

Tạo cầu nối giữa doanh nghiệp - người lao động - trường đào tạo

Ngày 02/3 vừa qua, tại xã Kỳ Long, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh, BQL KKT Vũng Áng đã phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm và khai trương Sàn giao dịch việc làm (GDVL) KKT Vũng Áng. Đông đảo người lao động địa phương và các vùng lân cận ở Quảng Bình, Nghệ An đến dự và tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng, trường đào tạo nghề. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đề nghị các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng thường xuyên cung cấp kịp thời về số lượng, ngành nghề, trình độ… tuyển dụng để kết nối với Trung tâm XTĐT và CƯNNL và Sàn GDVL - KKT Vũng Áng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh, các trường dạy nghề, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, có cam kết cụ thể về tuyển dụng, chính sách tiền lương và ưu tiên con em Hà Tĩnh”. 

Ngay tại phiên giao dịch đầu tiên đã có 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 8 đơn vị xuất khẩu lao động, 6 trường CĐ,TC và trung tâm dạy nghề tham gia. Trong đó khối doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 1.245 người, khối các đơn vị xuất khẩu lao động đăng ký tuyển 513 người, khối các cơ sở dạy nghề đăng ký tuyển 650 chỉ tiêu CĐ, TC nghề và 900 chỉ tiêu sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với số lượng lớn như Công ty TNHH Brother tuyển 500 người, FHS tuyển 300 người, Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh tuyển 70 người… Trong niềm vui ngày hội, anh Lê Văn Phú, 28 tuổi, ở thôn Ba Đồng, Kỳ Phương, Kỳ Anh phấn khởi tâm sự: “Em học ngành Cơ khí chế tạo, những năm trước ăn tết xong là phải vào miền Nam tìm việc và phải mất tiền “cò” việc làm. Năm nay có Sàn GDVL và chính sách ưu tiên đối với lao động vùng dự án, với tay nghề của bản thân, em tin mình có cơ hội tìm được việc làm ngay trên quê hương mình”.

Cùng với Trung tâm XTĐT và CƯNNL - BQL KKT Vũng Áng, sự ra đời của Sàn GDVL KKT Vũng Áng là một sự kiện hết sức có ý nghĩa nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động nói chung, nhân dân Kỳ Anh nói riêng, đặc biệt là đối với người dân vùng tái định cư. 


    Ý kiến bạn đọc