Phát triển khoa học và công nghệ góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Tĩnh
EmailPrintAa
13:52 10/04/2013

3 thách thức lớn

Trong những năm vừa qua, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển của quê hương, đất nước, từ việc cung cấp luận cứ cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, lập quy hoạch, kế hoạch, đến việc ứng dụng các thành tựu về công nghệ vào tất cả các khâu từ quản lý đến sản xuất của tỉnh, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Thị trường KH&CN đã bước đầu hình thành và phát huy tác dụng. Tiềm lực, trình độ KH&CN của tỉnh đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta phải đạt tốc độ cao và bền vững trong điều kiện hạn chế các nguồn lực, đặt KH&CN của Hà Tĩnh đứng trước những thách thức lớn:

Một là, tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng nhìn chung tiềm lực KHCN của tỉnh ta còn rất hạn chế. Nhân lực KHCN của tỉnh tuy khá đông nhưng chưa mạnh, số lượng người có bằng cấp nhiều nhưng thiếu cán bộ nghiên cứu, triển khai có năng lực thực sự, thiếu chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý bậc cao. Trí thức KHCN nhìn chung chưa thực sự tâm huyết, tận tụy với nghề, đam mê lao động sáng tạo, thiếu một sự tập hợp động viên và một sân chơi theo đúng nghĩa có đủ điều kiện để khai thác tối đa chất xám, cống hiến hết trí tuệ và sức lực vào quá trình đổi mới và phát triển. Hiện tượng, chảy máu chất xám đã và đang tiếp tục diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực, góp phần dẫn đến thiếu hụt trầm trọng cán bộ quản lý chiến lược và nhân lực kỹ thuật, công nghệ vốn đã rất ít.

Hai là, đầu tư cho KHCN ở tỉnh ta quá ít ỏi, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ sự nghiệp CNĐ, HĐH, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Theo thống kê của Bộ KH&CN, Hà Tĩnh đứng ở hàng thấp nhất về đầu tư cho KH&CN trong các tỉnh Bắc Trung Bộ. Từ đó dẫn đến tiềm lực KHCN lạc hậu, nghèo nàn, không đủ khả năng để giải quyết các nhiệm vụ KHCN lớn đang đặt ra của tỉnh. Thêm vào đó, cơ chế quản lý tài chính quá bất cập, trì trệ với yêu cầu hội nhập và phát triển, không huy động và giải phóng được các nguồn lực tài chính một cách kịp thời, hiệu quả phục vụ sự phát triển nói chung, đặc biệt là với yêu cầu hoạt động đặc thù của KHCN như Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI) đã đề cập. Đây cũng chính là hạn chế của môi trường hoạt động KHCN, lực cản lớn đối với sự phát triển KHCN của tỉnh ta thời gian qua.

Ba là, thị trường KHCN của Hà Tĩnh phát triển quá chậm do ảnh hưởng của tư duy kinh tế bao cấp còn nặng nề, trình độ phát triển sản xuất, hấp thụ công nghệ còn thấp; nhu cầu ứng dụng, đổi mới và chuyển công nghệ chưa trở thành một nhu cầu tự thân của các địa phương, các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất kinh doanh do vậy hoạt động KHCN nhìn chung còn trầm lắng, chưa trở thành một phong trào mạnh mẽ tiến quân vào khoa học kỹ thuật, không đủ hấp dẫn lôi kéo các nguồn lực KHCN to lớn bên ngoài và kích thích các nguồn lực tại chỗ làm sôi động thị trường KHCN của tỉnh để phục vụ sự phát triển.

Những thách thức đó đặt ra cho Hà Tĩnh phải có một chiến lược lâu dài, đúng đắn cho sự phát triển KHCN, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Để KHCN là quốc sách hành đầu…

Hà Tĩnh chúng ta đang tập trung quyết liệt cho mục tiêu CNH, HĐH để sớm đưa tỉnh ta thành tỉnh phát triển trong thời gian tới, do vậy con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất, đảm bảo sự phát triển vừa nhanh nhưng phải bền vững của tỉnh chúng ta chính là ưu tiên đầu tư đi trước một bước cho KHCN. Đây là một khoản đầu tư cho tương lai mà hiệu ích của nó là “một vốn nhiều lời” đôi khi chỉ cần một quyết định đúng đắn và khoa học, chỉ với một khoản đầu tư không lớn nhưng kịp thời và đúng nơi, đúng chỗ có thể đem lại một sự biến chuyển lớn đến không ngờ. Lãnh đạo các cấp, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc quan điểm này để có định hướng trong tư tưởng và hành động, làm sao để giải phóng mọi năng lực sản xuất, huy động được tối đa các nguồn lực xã hội và nhà nước vào phát triển nhanh mạnh về KHCN.

Ngày 28/2/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã Ký ban hành chương trình hành động số 64/CTr-UBND thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị TW 6 (khóa XI) về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đây là một Chương trình tổng thể khá đầy đủ bao gồm các nội dung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của hoạt động KH&CN Hà Tĩnh từ nay đến 2020, đã bám sát chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KH&CN đến 2020, tầm nhìn 2030 và yêu cầu nghiên cứu ứng dụng KHCN phục vụ chiến lược phát triển KTXH của tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, thực hiện ứng dụng KHCN vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quản lý, văn hóa, giáo dục, nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 20%GDP của tỉnh vào năm 2020. Đến năm 2020, thực hiện quản lý bằng qui chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% sản phẩm, nâng tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của quốc tế và khu vực tăng dần đến 10-15% vào năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp phải tham gia tích cực (bắt buộc) vào dự án nâng cao năng suất và chất lượng. Đến 2020 có được 3-5 doanh nghiệp điển hình của tỉnh đạt được tỷ trọng tăng năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 25% mức tăng trưởng hàng năm; có 20% sản  phẩm nông  nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, có một số sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; tăng dần tỷ lệ đầu tư cho phát triển KH&CN đạt 1% và đến 2020 đạt 2% tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh.

Những khâu đột phá cũng được xác định như đổi mới công tác nghiên cứu triển khai theo đặt hàng và khoán gọn kinh phí; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KHCN để huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực KHCN, bao gồm cả cán bộ nghiên cứu, quản lý, quản trị kinh doanh, chuyên gia kỹ thuật công nghệ, xã hội nhân văn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Trên cơ sở đó, những nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN trọng tâm đến năm 2020 cũng đã được xác định cùng với các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, bám vào các đề án, chương trình KHCN quốc gia đã được chính phủ phê duyệt, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu ứng dụng phát triển KHCN của tỉnh đến năm 2020 với các trọng tâm là: Khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ sinh học, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ,  nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; nâng cấp và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh gắn với các sản phẩm chủ lực; sản xuất vật liệu mới và năng lượng tái tạo; chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường phát triển bền vững; tăng cường tiềm lực KHCN của tỉnh thông qua các dự án đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật của Sở KHCN và các huyện, các trường đại học cao đẳng, các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên ngành khác của tỉnh.

Để thực hiện chương trình này phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có sự quyết định của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, quản lý và cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ với tư cách là cơ quan quản lý đầu ngành về KH&CN được giao chủ trì và phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình, định kỳ tổ chức sơ tổng kết báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Các sở, ngành quan trọng khác như Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nội vụ…, UBND cấp huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ trì và phối hợp thực hiện các phần hành của Chương trình được giao. Công tác tuyên truyền, vận động, cơ chế giám sát kiểm tra của các Ban Đảng, của HĐND, Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng và cần thiết đảm bảo cho Chương trinh được thực hiện kịp thời và thành công.

Phát triển KHCN vừa là thời cơ, vừa là thách thức không nhỏ cho cả hệ thống chính trị vốn có những bất cập không dễ khắc phục lĩnh vực quan trọng này cho cả ngành khoa học công nghệ nói riêng và của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính quyết định liên quan đến chiến lược phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh nên luôn đòi hỏi sự quyết tâm lớn, sự nỗ lực cống hiến, niềm đam mê sáng tạo, tâm huyết trách nhiệm của tất cả chúng ta từ nhà lãnh đạo, quản lý đến trí thức KHCN và phải thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức tư duy đến hành động nhằm đưa KHCN vào cuộc sống.


    Ý kiến bạn đọc