Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp!
EmailPrintAa
09:04 07/12/2012

Sáng 23/11/2012, sau hơn 1 tháng làm việc khẩn trương, hiệu quả với tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao trước nhân dân, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm

Năm 2013 là thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là: phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã dành thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhận thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với các chỉ tiêu cụ thể như GDP tăng khoảng 5,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%, bội chi ngân sách Nhà nước không quá 4,8% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động… Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Theo đó, điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỉ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2013. Trước ngày bế mạc kỳ họp, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Điểm đáng chú ý mức thu nhập khởi điểm chịu thuế được ấn định là 9 triệu đồng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém và quyết định các chỉ tiêu, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện trong từng lĩnh vực. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật và tội phạm; năm 2013 tạo chuyển biến tích cực bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật quan trọng. Đối với Luật Phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, đồng thời, Quốc hội cũng xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, có nhiều khó khăn phức tạp. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đưa ra các giải pháp khả thi, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật khác, yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy thêm ý kiến các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc cho được tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với lĩnh vực này; đồng thời ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013.

Quốc hội đã dành thời gian xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước; tiến hành chất vấn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành là Bộ trưởng bộ Xây dựng, Bộ trưởng bộ Y tế, Bộ trưởng bộ Công thương và Thông đốc Ngân hàng Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri cả nước quan tâm và dư luận đánh giá cao.

Một nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri đối với kỳ họp này là Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ngày 21/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011 - 2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013. Có 49 chức danh ở cấp Trung ương sẽ được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Tại kỳ họp này, hầu hết nội dung của kỳ họp được tổ chức thảo luận công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước ngày càng gần dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chính điều đó đã góp phần tạo sự thành công chung của kỳ họp lần thứ tư, Quốc hội khóa XIII và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

T.H


    Ý kiến bạn đọc